Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp ĐBSCL
15 | 05 | 2009
Mặc dù là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nhưng do tỉ lệ đầu tư chưa tương xứng nên năng suất và chất lượng ở vựa lúa ĐBSCL vẫn loay hoay một chỗ.

Tại hội thảo “Tìm kiếm chiến lược và giải pháp phát triển nông thôn ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 13-5 tại TP Cần Thơ, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý đều nhấn mạnh: cần cấp bách đầu tư cho khu vực này.

20 năm tới sản lượng không tăng

Các nhà tài trợ đang sẵn sàng

Đại diện WB, ông S.Kodderitzsch, cho biết WB và các nhà tài trợ đã và đang sẵn sàng hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của ĐBSCL. Chương trình phát triển toàn diện bao gồm: hiện đại hóa nông nghiệp, việc làm cho lao động ngoài nông nghiệp và sự phát triển công nghiệp, phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không, phát triển nguồn nhân lực cả về giáo dục - đào tạo và y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, ô nhiễm môi trường và an ninh lương thực.

TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết năm 2009 diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL là 3,8 triệu ha. Tuy nhiên từ nhiều năm qua năng suất lúa vẫn dao động ở mức 5-6 tấn/ha. Dự báo sản lượng lương thực ở ĐBSCL đến năm 2020, thậm chí tới năm 2030, cũng chỉ ở mức 21 triệu tấn/năm như hiện nay. Xuất khẩu gạo của VN năm 2008 là 4,67 triệu tấn và kế hoạch đến năm 2020 vẫn chỉ ở mức 4-5 triệu tấn/năm chứ không hơn nữa.

Ông Francesco Goletti, Công ty Tư vấn ACI, nói nếu hiện nay một hộ gia đình nông dân ĐBSCL có 1ha trồng lúa làm hai vụ sẽ cho thu nhập khoảng 32 triệu đồng/ha. Cộng thêm các khoản khác thu nhập có thể đạt 50 triệu đồng/năm. Ở vào thời điểm này con số đó rất hấp dẫn, nhưng từ năm 2010 trở đi sẽ rất khó đạt vì diện tích lúa có thể bị thu hẹp do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ở vùng này rất nhanh. “Nếu không áp dụng các biện pháp tăng năng suất và tăng giá trị của hạt lúa, cây ăn quả, thủy sản... có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực” - ông Goletti cảnh báo.

Nhiều ý kiến cũng nhận định lợi thế lớn nhất của VN là sản xuất nông nghiệp và ĐBSCL là vùng có lợi thế so sánh về nông nghiệp tốt nhất ở VN. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp chỉ chiếm 32% của cả nước, nhưng ĐBSCL chiếm 30% giá trị sản xuất nông nghiệp, 54% sản lượng thủy sản cả nước và được xem là vựa lúa chính ở VN. Tuy nhiên, tình trạng cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu và manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất và chất lượng lúa gạo vẫn loay hoay một chỗ, chưa cạnh tranh được với Thái Lan.

Cần kích cầu dài hơi

TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Cần Thơ, cho rằng việc đầu tư cho nông nghiệp ĐBSCL hiện giờ chậm nhưng vẫn còn kịp. Ông đề nghị Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% thời hạn 5-10 năm cho nông dân vay mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất. “Chủ trương kích cầu ngắn hạn như hiện nay sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì nông dân là những “doanh nghiệp siêu nhỏ”, khó tiếp cận được nguồn vốn. Với việc vay vốn ưu đãi ngắn hạn như vậy họ sẽ mua sắm vội vã không có sự chọn lựa, có thể mua nhầm sản phẩm kém chất lượng” - TS Dũng phân tích.

Tương tự, TS Phan Hiếu Hiền, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, tính toán nếu bây giờ đầu tư cho nông dân ĐBSCL công nghệ trước thu hoạch và sau thu hoạch với số tiền khoảng 400 triệu USD thì chỉ sau hai năm sẽ lấy lại vốn. Đặc biệt, qua đó sẽ đưa nền sản xuất nông nghiệp của VN trở thành nước nông nghiệp tiên tiến.

Hai công nghệ mà TS Hiền đề cập là kỹ thuật san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng laser và máy sấy lúa. Trong đó, kỹ thuật san phẳng mặt ruộng bằng laser sẽ giúp giảm lượng nước tưới tới 50%, giảm 70% công lao động, tăng diện tích đất hữu hiệu thêm 5-7% và năng suất sẽ tăng thêm 0,5 tấn/ha. Còn với máy sấy lúa sẽ giúp hạt lúa khi xay xát đạt độ ẩm đủ tiêu chuẩn, giảm hao hụt, giảm tỉ lệ hạt gãy... “Ước tính mỗi năm chúng ta thiệt hại tới 180 triệu USD do lúa bị hao hụt vì độ ẩm không đạt chuẩn. Đầu tư hai công nghệ này có thể tốn kém ban đầu nhưng hiệu quả thấy rõ và sử dụng lâu dài được” - TS Hiền nói.

TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, dẫn chứng với biện pháp thu hoạch thủ công như hiện nay thì tỉ lệ thất thoát rất cao. Trong khi đó, nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sẽ không mất khoảng 300.000 tấn lúa/năm. Nông dân ĐBSCL có nhu cầu khoảng 13.000-15.000 máy gặt đập liên hợp, nhưng hiện chỉ mới có khoảng 3.000 chiếc. Mặc dù vậy hiện nay muốn mua cũng không dễ vì máy do VN sản xuất không nhiều, mà vốn vay ưu đãi bắt buộc phải mua máy do VN sản xuất. Do đó cần cho các doanh nghiệp sản xuất máy vay để mở rộng sản xuất cung cấp cho nông dân.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường