Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gần 70% hộ nông dân không có tiền mua thịt
26 | 05 | 2009
Mất việc đồng nghĩa không có nguồn thu nào khác ngoài nông nghiệp, gần 70% hộ gia đình nông dân phải tìm mọi cách cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là việc mua sắm đồ dùng đắt tiền. Tỷ lệ hộ đói tăng cao, nhất là ở các địa phương vùng núi, vùng sâu xa.

Đây là kết quả khảo sát mới nhất do Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (Ipsard) về ảnh hưởng của suy giảm kinh tế đến lao động, việc làm và đời sống nông dân, được Bộ NNPT-NT báo cáo lên Quốc hội.

Nghiên cứu này được tiến hành từ cuối tháng 3/2009, tại 4 tỉnh Lạng Sơn, Nam Định, Bình Thuận và An Giang.

Thất nghiệp tràn lan

Nông dân là đối tượng đầu tiên chịu tác động rõ rệt nhất từ suy giảm kinh tế, đặc biệt về công ăn việc làm. Từ đầu năm đến nay, tại địa bàn của 4 tỉnh trên, gần 22% lao động di cư mất việc phải trở về địa phương. Cụ thể, tại Nam Định, con số này là 22,5%, Lạng Sơn 21,1%.

Các xã có tỷ lệ GDP nông nghiệp càng cao thì tỷ lệ lao động di cư mất việc càng lớn (25% tại xã nông nghiệp so với 18,5% và 20,5% tại các xã phi nông nghiệp và xã bán nông nghiệp).

Hơn nữa, lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng bị ảnh hưởng mạnh do các nước cắt giảm lao động. Những người từ nông thôn xuất "ngoại" nay buộc phải quay về quê hương.

Tại An Giang, gần 30% số người đi xuất khẩu lao động đã phải về nước trước thời hạn; tại Lạng Sơn là 21,3%, Bình Thuận 18,7% và Nam Định 15%.

Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng kinh tế. Tính chung cho cả 4 tỉnh, gần 40% lao động mất việc trở về địa phương là công nhân làm việc cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, chỉ 11,3% lao động trở về tìm được việc làm.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, thuộc Ipsard, cho rằng, những đối tượng ra thành phố hoặc các KCN kiếm việc chủ yếu là những người bị mất đất, thu hồi hoặc đã cho thuê đất.

Nay trở về, phần lớn họ không có đất để sản xuất nông nghiệp nên sung vào đội quân thất nghiệp, đời sống khó khăn.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ lao động làm việc tại các trang trại nông nghiệp bị mất việc làm chiếm tới 85,3%, cao gấp 9,7 lần tỷ lệ lao động làm việc tại xí nghiệp, xưởng sản xuất.

Bữa cơm không thịt, cá tăng cao

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard nhận xét, khác với hai lần khủng hoảng trước, lần này lao động di cư mất việc trở về địa phương ít có cơ hội tìm kiếm việc làm, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khó khăn càng chồng chất khi 71,6% số xã tại 4 tỉnh cho biết, các sản phẩm nông nghiệp phải bán với giá thấp hơn so với năm 2009 với mức trung bình 14%.

Thậm chí, 14% xã báo cáo có sản phẩm nông nghiệp không bán được. Hầu hết các xã vùng đồng bằng, trung du, miền núi đều gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Không có việc làm đồng nghĩa với tiền ít buộc người nông dân phải thắt chặt chi tiêu. Minh chứng rõ nhất cho điều này là nhìn vào bữa ăn của bà con. Theo nghiên cứu, 68,4% số hộ gia đình không dám mua thịt, cá khi đi chợ.

Thậm chí, ngay tại An Giang và Nam Định - những địa phương thuần nông và là vựa lúa lớn của cả nước, tỷ lệ này còn lên tới 73,9% và 71,2%. Các chi tiêu sinh hoạt khác đều giảm đến hơn 2/3.

Bữa cơm thiếu thịt, cá đã đành, hơn một nửa số gia đình nông dân không dám chi tiền mua sắm đồ dùng đắt tiền (65% số hộ). Chi tiêu cho xây dựng cũng giảm tới 52,3%.

Ngoài ra, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, khủng hoảng kinh tế đã làm cho nhiều hộ gia đình cận nghèo, cận đói rơi xuống nghèo, đói. Hiện tượng xã có số hộ nghèo tăng xảy ra ở tất cả các tỉnh, địa bàn, trong đó tỷ lệ các xã này tăng mạnh ở khu vực miền núi, xã có điều kiện kinh tế khó khăn.

Cụ thể, ở khu vực miền núi, số xã “tái đói” tăng lên 8,8%. Các hộ nghèo cũng tăng 15,9% so với năm 2008. Đặc biệt tại tỉnh thuần nông là An Giang, con số này cao hơn hẳn với 27,2%.



Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường