Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Mục tiêu, định hướng phát triển giai đoạn 2006 - 2010
12 | 08 | 2007
Về thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới trong một vài năm tới, theo dự báo của Tổ chức lương thực thế giới (FAO), thị trường gạo chủ yếu có 20 nước xuất khẩu chính và 80 nước nhập khẩu chính. Giá gạo được dự đoán là không có sự biến động lớn trên thị trường. Dự báo sẽ có sự gia tăng về lượng gạo nhập khẩu từ thị trường Campuchia, Mianma... Một số cây công nghiệp và cây ăn quả, chẳng hạn như cây cao su, giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Và trong tương lai, giá vẫn tiếp tục tăng và giữ được ở mức cao, do có thị trường tiêu thụ lớn và khá ổn định như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Với cây điều và cà phê cũng được dự báo là ổn định và có mức tăng trưởng khá thuận lợi. Riêng có thị trường chè chưa được cải thiện, giá vẫn ở mức thấp, cung vẫn vượt cầu. Đối với thị trường xuất khẩu lâm sản, đặc biệt thị trường gỗ, có nhiều thuận lợi với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản

Dự báo về môi trường tiêu thụ nông - lâm sản thế giới

Về thị trường tiêu thụ nông sản trên thế giới trong một vài năm tới, theo dự báo của Tổ chức lương thực thế giới (FAO), thị trường gạo chủ yếu có 20 nước xuất khẩu chính và 80 nước nhập khẩu chính. Giá gạo được dự đoán là không có sự biến động lớn trên thị trường. Dự báo sẽ có sự gia tăng về lượng gạo nhập khẩu từ thị trường Campuchia, Mianma... Một số cây công nghiệp và cây ăn quả, chẳng hạn như cây cao su, giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Và trong tương lai, giá vẫn tiếp tục tăng và giữ được ở mức cao, do có thị trường tiêu thụ lớn và khá ổn định như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Với cây điều và cà phê cũng được dự báo là ổn định và có mức tăng trưởng khá thuận lợi. Riêng có thị trường chè chưa được cải thiện, giá vẫn ở mức thấp, cung vẫn vượt cầu. Đối với thị trường xuất khẩu lâm sản, đặc biệt thị trường gỗ, có nhiều thuận lợi với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Thị trường tiêu thụ nông sản trong nước, với trên 80 triệu dân và với tốc độ tăng trưởng trong thời gian gần đây luôn đạt tốc độ cao, trên 7%/năm, nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước được dự đoán là có tốc độ tăng ngày càng cao. Đặc biệt là thị trường tiêu thụ thịt, sữa, thuốc lá, đậu tương, bông, ngô... được đánh giá là có sức mua lớn trong thời gian tới. Ngành công nghiệp chế biến cũng được dự đoán là sẽ tăng cao. Chính những điều này sẽ làm cho thị trường nông - lâm sản của nước ta có điều kiện phát triển và đòi hỏi một nguồn nguyên liệu lớn với chất lượng cao.

Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới

“Xây dựng một nền nông - lâm nghiệp sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại, hiệu quả và bền vững; có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu”. 

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp bình quân mỗi năm đạt 4 -4,5%/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn đạt 7,5 – 8%/năm. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 43 - 44% diện tích rừng tự nhiên. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đặc biệt dành ưu tiên cho các đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng sâu. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản dự tính đạt 7 tỷ USD (bình quân tăng 12%/năm). Cơ cấu kinh tế nông thôn phân bố như sau: nông nghiệp chiếm 50%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 50%. GDP bình quân đầu người ở nông thôn gấp 2 lần năm 2000. Đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 50%. Trong thời gian tới, toàn bộ ngành nông nghiệp Việt Nam cần cố gắng và bằng mọi nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu chính đã đề ra ở trên.

3. Các chương trình thực hiện

Chương trình hiện đại hoá nông lâm nghiệp, bao gồm các chương trình chính như: thực hiện chương trình hiện đại hoá nông nghiệp theo hướng tập trung tăng năng suất, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Đối với mỗi địa phương, xây dựng thành công một loại cây trồng tập trung là thế mạnh tại địa phương đó, tạo nguyên liệu đầu vào ổn định và tại chỗ cho ngành chế biến công nghiệp có điều kiện phát triển. Trong chăn nuôi, thực hiện hình thức chăn nuôi theo quy mô trang trại lớn, nuôi công nghiệp để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Trong lâm nghiệp, thực hiện xã hội hoá cao công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, nâng cao độ che phủ của rừng lên 43 - 44%, nâng cao hiệu quả của rừng.

Đặc biệt coi trọng việc phát triển công nghiệp nông thôn để chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn. Ngành công nghiệp chế biến nông sản chủ yếu tập trung vào những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, cao su, chè, hạt điều, rau quả... đảm bảo tốc độ tăng trưởng không dưới 12%/năm. Có sự đầu tư theo chiều sâu cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản hiện có, như xây dựng và đầu tư những trang thiết bị hiện đại cho các nhà máy chế tạo ván nhân tạo, ván dăm, nhà máy giấy... Đồng thời những cơ sở chế tạo và xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao cần được nhân rộng và tìm thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Việc xây dựng và phát triển hạ tầng nông thôn cần được thực hiện một cách đồng  bộ và rộng khắp cả nước, trên mọi lĩnh vực như thuỷ lợi, việc xây dựng đê điều và phòng chống bão lụt, vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn nước sạch, giao thông nông thôn và hệ thống thông tin trên địa bàn nông thôn.

Các giải pháp cụ thể

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến các cơ quan chức năng của từng địa phương, cần có một sự phối hợp đồng bộ để các giải pháp cụ thể nhanh chóng đi vào thực tiễn. Trước hết, đó là sự ưu tiên trong việc phát triển khoa học và công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp. Cụ thể là tiến hành sắp xếp hệ thống nghiên cứu khoa học, đổi mới các phương thức quản lý khoa học - công nghệ, tăng cường công tác chuyển giao khoa học và công nghệ cho sản xuất. Tất cả những giải pháp này đều nhằm thực hiện tốt việc nâng cao hiệu quả của những ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới vào thực tế nền nông nghiệp Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu và nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới. Thứ hai, tiếp tục thực hiện cơ chế đổi mới chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn, thông qua việc không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và các thế mạnh hiện có của các địa phương trong cả nước. Tiếp tục thực hiện các chính sách hợp lòng dân như giao đất, giao rừng cho từng hộ dân để họ trực tiếp chịu trách nhiệm trồng rừng, bảo vệ và khai thác rừng một cách có hiệu quả nhất; chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thứ ba, về chính sách xây dựng nguồn nhân lực, trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế thế giới, và thực tế là ngành nông nghiệp của chúng ta còn đang thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, nên trong thời gian tới, chính sách phát triển nguồn nhân lực chính là một trong những chính sách chiến lược và cần được đầu tư hơn nữa. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên phát hiện và phát triển các tài năng trẻ, học giỏi để đi đào tạo ở các nước phát triển nhằm tiếp thu và học hỏi những kinh nghiệm quản lý cũng như những tiến bộ của các nước về áp dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời gia tăng các khoá học bồi dưỡng cho đội ngũ nguồn lao động trẻ khá đông đảo ở nông thôn, tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận nhanh hơn và có tay nghề cao hơn hiện tại. Công tác đào tạo nâng cao chất lượng của các cán bộ quản lý hiện có của các hợp tác xã, các chủ trang trại và các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một trong những công việc cần được đầu tư, dự tính hàng năm sẽ đào tạo cho khoảng 10 nghìn người. Thứ tư, tăng cường công tác hội nhập và hợp tác kinh tế với khu vực và thế giới, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp tìm hiểu thông tin về các thị trường trên thế giới cũng như những chính sách và ưu đãi về thuế khi gia nhập các Hiệp định trong Khu vực và quốc tế, chẳng hạn như các cam kết về tự do hoá thương mại trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ... Thứ năm, tăng cường đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, toàn ngành thực hiện chuyển đổi hoàn toàn trong lĩnh vực nông nghiệp theo cơ cấu tăng cường đầu tư cho các công trình thuỷ lợi, phục vụ cho cây công nghiệp, cây ăn quả, tăng vốn đầu tư cho nông và lâm nghiệp. Thứ sáu, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong ngành nông nghiệp, cụ thể là tiếp tục thực hiện việc đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, như hoàn thiện các luật trong nông nghiệp và tiếp tục xây dựng các bộ luật mới. Sắp xếp và tăng cường bộ máy quản lý ngành từ Trung ương đến cơ sở, trong đó việc phối hợp giữa các cơ quan này đặc biệt được lưu ý để nâng cao hiệu quả từ các chính sách mới của Nhà nước. Tăng cường việc đánh giá chất lượng của cán bộ quản lý, để có những chính sách bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ một cách hiệu quả và hợp lý nhất. Tiến hành đổi mới công tác quản lý để nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý từ Trung ương đến địa phương, để hoà nhập cùng công cuộc tin học hoá trong các bộ máy của Chính phủ.

Trong điều kiện mới, những thách thức và cơ hội đều đang đến với ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của chúng ta nói chung. Khi đã tham gia vào sân chơi chung của thế giới, nếu không có những điểm mạnh nổi bật, những lợi thế cạnh tranh tuyệt đối, chúng ta có thể bị thua ngay trên sân nhà. Chính vì thế, ngành nông nghiệp còn có rất nhiều việc phải làm để hoàn thành mục tiêu của ngành. Đồng thời tạo ra nền tảng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam gia nhập thị trường thế giới một cách chủ động và có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước khác, tạo một chỗ đứng và vị thế mới cho Việt Nam.



Báo cáo phân tích thị trường