Dân không biết
Xã Hồng Nam là một trong những “vựa” nhãn của Hưng Yên với diện tích khoảng 300ha, trong đó riêng Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (HTX) ở thôn Nễ Châu có 22 hộ trồng 16ha. Không chỉ Hồng Nam mà đến những địa phương khác như Hồng Châu, Quảng Châu, Lam Sơn (TP. Hưng Yên); Thiện Phiến (huyện Tiên Lữ); Hàm Tử (huyện Khoái Châu)..., diện tích canh tác nhãn cũng tương đối lớn.
Khi được hỏi có biết thông tin trước ngày 1/7, người sản xuất, doanh nghiệp bao gói sản phẩm 5 loại trái cây, trong đó có nhãn phải đăng ký kê khai nguồn gốc thông tin với cơ quan chức năng trước khi xuất sang Trung Quốc, đa số các thành viên trong HTX Nhãn lồng Hồng Nam đều cho biết họ không hề hay biết. Theo ông Trịnh Văn Chính, dù diện tích nhãn của gia đình không nhiều nhưng mỗi năm cũng thu hoạch tới 4- 5 tấn. Nhãn được coi là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Tuy nhiên, năm nay mất mùa, cả 1 mẫu nhãn (3.600m2) cũng chỉ được vài tạ. “Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ nhãn, HTX đứng ra thu mua cho bà con rồi đưa vào siêu thị tiêu thụ, còn lại chúng tôi bán cho thương lái. Do đó, quy định này chúng tôi không quan tâm lắm, hơn nữa cũng không nghe thấy ai nói gì. Nếu được, tôi cũng muốn đăng ký”, ông Chính nói.
Không chỉ các thành viên của HTX, ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm HTX, cũng than rằng, đây là HTX sản xuất và kinh doanh nhãn đầu tiên của tỉnh mà cũng không nhận được thông tin này. Cho dù lâu nay HTX chỉ bán buôn vào các siêu thị ở Hà Nội là chủ yếu chứ chưa bao giờ xuất sang Trung Quốc nhưng ông cũng muốn được đăng ký kê khai thông tin biết đâu sau này có dịp.
Ngay cả ông Ngô Hùng Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Nhãn lồng Hưng Yên cũng khẳng định, ông chỉ biết thông tin này qua báo đài. Theo ông Mạnh, nhãn lồng là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên, với diện tích 2.800ha, sản lượng hàng năm 41.000 tấn. Cuộc sống cũng như con người Hưng Yên gắn bó với cây nhãn. Năm nay, do thời tiết bất lợi, nhãn mất mùa. Riêng TP. Hưng Yên, một trong những “trung tâm” nhãn của tỉnh với diện tích lên tới 255ha, ước tính chỉ đạt khoảng 11-12 tấn /ha, giảm gần 60% so với năm ngoái.
Lãnh đạo bảo có
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên) cho biết, trong số 5 loại trái cây phải đăng ký thông tin trước khi xuất sang Trung Quốc, Hưng Yên có tới 3 loại. Ngoài nhãn, loại quả truyền thống của tỉnh, thì hiện nay Hưng Yên cũng nổi lên là một trong những địa phương có diện tích vải và chuối khá lớn. Hiện, tỉnh có hàng trăm trang trại lớn nhỏ trồng cây ăn quả và nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn chỉ tiêu thụ nội địa là chính, xuất sang Trung Quốc rất ít, và chủ yếu qua đường tiểu ngạch.
ông khẳng định: “Ngay sau khi nhận được công văn của Cục Trồng trọt, chúng tôi đã triển khai ngay tới các huyện, yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể về vùng trồng trọt, cơ sở đóng gói trái cây vải, nhãn và chuối, lập danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu mua, bao gói xuất khẩu chủ lực trên địa bàn đối với những mặt hàng này và hạn gửi về là cuối tháng 4”.
“Ngay trong công văn đầu tiên do Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng ký gửi cho các sở cũng chỉ ghi là nhãn chứ không phải long nhãn trong khi Hưng Yên không xuất nhãn sang Trung Quốc nên chúng tôi rất khó triển khai. Và đến công văn lần 2“,Cục Trồng trọt mới đề rõ là long nhãn”C, ông Tráng cho biết.
Dù đã có văn bản gửi nhưng đến nay, Phòng Trồng trọt mới chỉ nhận được 5/10 huyện gửi thông báo về, trong đó có 2 bản thông báo “trên địa bàn huyện hiện chưa có cơ sở nào thu mua hay bao gói 5 loại quả trên”.
ông Nguyễn Văn Oanh, Trưởng phòng Kinh tế TP. Hưng Yên cho biết, việc đăng ký không hề đơn giản. Hơn nữa, nhãn Hưng Yên đâu có xuất sang Trung Quốc mà phải kê khai. Theo ông Oanh, chỉ riêng mục 8 trong bản đăng ký với nội dung “Đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc (tấn/năm)” đã khiến mọi người có những cách hiểu khác nhau. “Cục yêu cầu là đăng ký số lượng xuất hay là có xuất hay không... Nói chung, chúng tôi thấy việc này rắc rối lắm”, ông Oanh nói.
Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông -lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau ngày 25/6, nếu địa phương nào không gửi bản kê khai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Dù thời gian không còn nhiều, nhưng với người dân ở Hưng Yên, thông tin phải đăng ký nguồn gốc, xuất xứ nhãn khi xuất sang Trung Quốc vẫn còn rất mơ hồ.