Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng Trương Đình Tuyển giải trình về tác động của WTO
06 | 09 | 2007
Sáng 28/11/2006, Bộ trưởng Bộ Thương mại đã chính thức giải trình với Quốc hội về những tác động từ những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Xét về chính sách kinh tế vĩ mô, theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, đa số các cam kết đa phương trong đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là phù hợp với luật pháp và đường lối đổi mới của Việt Nam nên sẽ không gây ra biến động lớn.

Các cam kết về minh bạch hóa có thể sẽ là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng nếu thực hiện được sẽ mang lại lợi ích to lớn cho dân và cho các doanh nghiệp; người dân được quyền tham gia góp ý kiến vào việc soạn thảo các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách kinh tế, làm cho pháp luật, cơ chế chính sách phản ánh được các yêu cầu thực tiễn. Điều này phù hợp với đường lối của Việt Nam.

Các cam kết về doanh nghiệp nhà nước là cùng chiều với chủ trương đổi mới doanh nghiệp Nhà nước hiện nay nên sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tạo ra sân chơi ngày càng bình đẳng hơn cho các thành phần kinh tế.

Riêng việc bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng dự kiến không lớn. Bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản có thể tác động đến nông nghiệp nhưng tác động tiếp đến nông dân là không lớn do đối tượng được hưởng trợ cấp xuất khẩu trước đây tuyệt đại đa số là các doanh nghiệp.

Bộ trưởng nói: “Hiệu quả của trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa cho tới nay là không rõ ràng. Và để hỗ trợ cho nông nghiệp, ta vẫn có thể sử dụng các biện pháp được WTO cho phép không vượt mức ta cam kết”.

Điểm mà nhiều người dân, doanh nghiệp và nhà quản lý quan tâm nhất là tác động của những cam kết trong giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường dịch vụ.

Dự kiến, việc giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến một số ngành sản xuất trong nước phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn. Tuy nhiên, mức giảm thuế theo cam kết gia nhập WTO không sâu và rộng như mức giảm thuế đã cam kết (và trên thực tế đã thực hiện) với các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do với các nước này.

“Thực tiễn cho thấy là việc cắt giảm thuế rộng và sâu trong khuôn khổ ASEAN (một trong số các đối tác nhập khẩu chính của ta) đã không gây ra biến động lớn”, Bộ trưởng Tuyển nhận định.

Riêng đối với nông nghiệp, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cho rằng áp lực cạnh tranh là rất lớn do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn là nền sản xuất nhỏ, phân tán, năng suất và chất lượng thấp trong khi bình quân đất nông nghiệp theo đầu người quá ít, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác trung bình ở mức 30 triệu đồng.

Và trong tổng thể, khi hàng rào bảo hộ bị thu hẹp, sản xuất trong nước sẽ phải đối diện với mức độ cạnh tranh lớn hơn từ bên ngoài. Không loại trừ khả năng sẽ có biến động ở một số ngành, nhất là những ngành mà tính linh hoạt trong chuyển đổi không cao.

Về tác động của việc mở cửa thị trường dịch vụ, theo báo cáo của Bộ Thương mại trước Quốc hội, mức độ cam kết về cơ bản là tương đương với BTA và phù hợp với hiện trạng trong nước nên sẽ không gây ra tác động quá lớn.

Những ngành phải chịu sức ép nhiều nhất sẽ là kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, phân phối và hỗ trợ vận tải biển. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tuyển tin tưởng rằng “chúng ta có một thời gian chuyển đổi để chuẩn bị và cũng có một số công cụ để kiểm soát. Nếu có sự chuẩn bị tốt và vận dụng linh hoạt các công cụ mà ta bảo lưu được trong Biểu cam kết dịch vụ, tác động của việc mở cửa thị trường là có thể kiểm soát được”.

Về xuất nhập khẩu hàng hóa, dự báo thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng nhưng sẽ không có đột phá lớn trong ngắn hạn.

Khác với các cuộc đàm phán song phương khác, đàm phán gia nhập WTO không dẫn đến việc các thành viên WTO giảm thuế riêng cho Việt Nam, mà chỉ được hưởng mức thuế mà các thành viên này đã hoặc sẽ cắt giảm theo lộ trình của họ.

Việt Nam sẽ được tiếp cận thị trường của 149 thành viên WTO khác trên cơ sở đối xử tối huệ quốc (MFN) nhưng trên thực tế, trừ dệt may và một số mặt hàng mà các thành viên WTO áp dụng hạn ngạch và chỉ phân bổ hạn ngạch cho các thành viên WTO, với tất cả các bạn hàng quan trọng nhất, Việt Nam đều đã được hưởng đối xử MFN nên việc có được MFN trên cả 149 thị trường sẽ không mang lại đột phá lớn.

Ngoài ra, dù điều kiện bên ngoài thuận lợi, xuất khẩu vẫn không thể “tăng vọt" nếu không có đầu tư nâng cao năng lực sản xuất và khắc phục những hạn chế mang tính cơ cấu.

“Gia nhập WTO là gửi ra bên ngoài một tín hiệu mạnh về quyết tâm đổi mới của ta. Đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều khả năng sẽ tăng lên và tăng nhanh, qua đó tạo ra năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu mới. Đây là cơ hội rõ nhất mà việc gia nhập WTO tạo ra và được nhiều tổ chức quốc tế cũng như giới doanh nghiệp thừa nhận. Tuy nhiên, hiệu quả sẽ đến sau một thời gian chứ chưa thể thấy rõ ngay trong một, hai năm đầu sau khi ta vào WTO”, Bộ trưởng nói.

Về tác động cụ thể của các cam kết, ngành có lợi rõ rệt nhất sẽ là ngành dệt may; hạn ngạch sẽ được xoá bỏ đối với các thị trường hiện còn áp dụng hạn ngạch. Tuy nhiên, do dệt may là vấn để nhạy cảm nên không loại trừ khả năng các nhà sản xuất ở các thị trường đó sẽ tìm mọi cách tạo cớ chống "bán phá giá", chống "trợ cấp" để bảo hộ ngành dệt may của họ.

Chống “bán phá giá”, chống “trợ cấp” cũng là vấn đề được báo giới quan tâm khi trao đổi với Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bên hành lang Quốc hội sáng nay. Bộ trưởng khẳng định là “phải đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của ta; Chính phủ cũng sẽ có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp trong vấn đề này, như về đào tạo cán bộ chuyên trách, tổ chức tìm hiểu kinh nghiệm trên thế giới cũng như thành lập bộ phận chuyên trách…”.

Khi vào WTO, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ vẫn xẩy ra. Tuy nhiên, có điểm khác là từ nay, Việt Nam sẽ có khả năng kiện ra WTO nếu như có cơ sở để cho rằng biện pháp nào đó áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là vi phạm quy định của WTO.



(Theo TBKTVN)
Báo cáo phân tích thị trường