Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường phân bón cuối năm 2009: Cung dồi dào nhưng giá vẫn “nhúc nhích” tăng
16 | 07 | 2009
Thị trường phân bón những tháng cuối năm 2009 sẽ tiếp tục ổn định nhờ nguồn cung vẫn dồi dào trong khi sức mua tại thị trường trong nước khá thấp. Đây là nhận định do Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đưa ra sáng 15/7.

 

 

 

 

KTĐT - Thị trường phân bón những tháng cuối năm 2009 sẽ tiếp tục ổn định nhờ nguồn cung vẫn dồi dào trong khi sức mua tại thị trường trong nước khá thấp.

 

Đây là nhận định do Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đưa ra sáng 15/7.

 

Cung dồi dào nhờ… nhập khẩu

 

Đánh giá tình hình phân bón Việt Nam tính đến hết quý II/2009, ông Phạm Quang Diệu – Giám đốc Agroinfo cho biết, hiện nguồn cung sản xuất và nhập khẩu khá ổn định, giá cả không có biến động mạnh. So với cùng kỳ năm 2008 giá phân bón đã giảm mạnh, đặc biệt là giá phân bón nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm chỉ vào khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dự báo nửa cuối năm 2009 giá cả vẫn có xu hướng tăng do chi phí tăng cao.

 

Điều đáng bàn là giá phân bón trên thị trường Việt Nam thường chịu ảnh hưởng lớn từ các biến động giá trên thị trường thế giới. Nguyên do là tỷ trọng nhập khẩu cao và không chủ động được nguồn cung nên chuyện thiếu, thừa vẫn xảy ra. Theo ước tính của Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam, nhu cầu phân bón các loại của cả nước năm 2009 là 7,8 triệu tấn, trong đó, 1,7 triệu tấn phân đạm urê; 1,85 triệu tấn phân NPK; DAP 0,7 triệu tấn; 1,6 triệu tấn phân lân trong nước sản xuất và một số chủng loại phân khác (SA, Kali...).

 

Tuy nhiên công nghiệp sản xuất phân bón nội địa Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% cầu về urê, 100% phân lân nung chảy và NPK từ lân nung chảy. Các loại phân khác như SA, Kali...hiện nay đang phải nhập khẩu 100%. Đặc biệt, thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, chiếm tới trên 40% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của Việt Nam. Các chính sách điều tiết xuất nhập khẩu phân bón của Trung Quốc có tác động nhanh chóng và trực tiếp tới thị trường Việt Nam.


Bên cạnh đó là việc điều tiết thị trường chưa được thực hiện tốt, bà Trương Hồng Kim – chuyên gia phân tích của Agroinfo cũng thừa nhận, các số liệu dự báo cung cầu phân bón còn có sự chênh lệch lớn. Chưa có cơ quan nào đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu (XNK) và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung cầu trong nước mà hoàn toàn trông chờ vào khả năng cân đối của các doanh nghiệp sản xuất và XNK. Và vì thế mà trước mỗi mùa vụ, người nông dân lại nơm nớp lo thiếu phân bón và giá phân bón tăng cao.

 

Phân bón vẫn rập rình tăng giá

 

Xem xét các yếu tố có thể tác động tới giá cả phân bón 6 tháng cuối năm 2009, nhóm phân tích thuộc Agroinfo nhận định rủi ro tỷ giá hối đoái và khó khăn trong tiếp cận ngoại tệ đối với các doanh nghiệp XNK phân bón sẽ là một trong các yếu tố tác động trực tiếp tới giá cả thị trường nội địa.

 

Thị trường ngoại hối trong nước có những biểu hiện căng thẳng mà nguyên nhân chủ yếu là do tác động của các yếu tố khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tạo ra tâm lý găm giữ ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ, không bán ngoại tệ nên ngân hàng thương mại không có đủ ngoại tệ để điều hoà cho nền kinh tế. Thêm vào đó, giới đầu cơ đã lợi dụng tâm lý găm giữ ngoại tệ trên thị trường, đưa ra những tin đồn thất thiệt để mua bán kiếm lời, gây nên biến động tỷ giá trên thị trường “chợ đen”. Do lãi suất vay VNĐ thấp, phạm vi và thời gian cho vay được mở rộng theo chủ trương kích cầu của Chính phủ, một số doanh nghiệp có ngoại tệ có xu hướng không muốn bán ngoại tệ ra và chỉ muốn vay bằng VNĐ dẫn tới tình trạng dù nhu cầu ngoại tệ không quá lớn nhưng vì doanh nghiệp không bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, nên nguồn cung ngoại tệ bị khan hiếm. Doanh nghiệp nhập khẩu phải tìm mua ngoại tệ ở thị trường “chợ đen” với chi phí cao sẽ là nguyên nhân làm giá phân bón có thể tăng.

 

Ngoài ra, tỷ giá USD/VNĐ được dự báo tăng từ 3-5% vào những tháng cuối năm cùng với giá dầu thô hồi phục từ 60 -70 USD/thùng và chủ trương cắt giảm nguồn cung sản xuất phân bón trên thế giới sẽ là những yếu tố bên ngoài tác động tới khả năng tăng giá phân bón của thị trường nội địa. Chủ trương tăng thuế XNK một số loại phân bón và tăng giá than nguyên liệu nội địa cho sản xuất phân bón (than nguyên liệu cung cấp cho các hộ sản xuất lớn tăng khoảng 20%) cũng được tính là nguyên nhân đẩy giá phân bón biến động xấu. Các chuyên gia của Agroinfo khuyến cáo các doanh nghiệp nên xem xét các yếu tố kể trên như cơ sở dữ liệu tham khảo để từ đó cân nhắc và đưa ra quyết định kinh doanh phù hợp.



(Nguồn: Kinh tế đô thị)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường