Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khảo sát thực tế tình hình doanh nghiệp: GIÁ CẢ & THỜI ĐIỂM – QUÂN BÀI CHIẾN LƯỢC TRONG KINH DOANH
28 | 07 | 2009
Sau khi tổ chức thành công Hội thảo thị trường và triển vọng các ngành hàng Phân bón - Thức ăn chăn nuôi - Thủy sản, bằng sự rộng mở hướng tới những cơ hội hợp tác – phát triển, Trung tâm Thông tin NNPTNT (AGROINFO) đã đón nhận được nhiều chia sẻ, kiến nghị bổ ích và xác đáng của các Doanh nghiệp ngành hàng nông sản VN. Xuất phát từ những nhu cầu hỗ trợ thông tin một cách cập nhật, chính xác với các số liệu thống kê chi tiết, dự báo phân tích kịp thời…, Chuyên gia phân tích của AGROINFO đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế doanh nghiệp. Một trong số đó là cuộc tiếp xúc với ông Lê Quý Oánh – Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Công ty cổ phần phát triển công nghệ nông thôn RTD tại Khu công nghiệp (KCN) Phố Nối A (Hưng Yên).

>>>Tin liên quan đọc nhiều nhất:

* Hội thảo về ngành hàng thủy sản: ĐỐI MẶT CÙNG RÀO CẢN
*
Công bố Báo cáo ngành Thủy sản Việt Nam quý II/2009
*
Hội thảo ngành Thủy sản: Đối phó với rào cản thị trường
* Thị trường TACN quý II - Áp lực tăng từ chi phí
*
Kịch bản thị trường TACN VN 2009
*
AGROINFO công bố "Báo cáo ngành TACN VN quý II/2009"
* Hội thảo triển vọng ngành TACN 6 tháng cuối năm
* Hội thảo thị trường TACN 2009: Mở đường cho những cơ hội hợp tác và phát triển
*
Ý kiến Doanh nghiệp xung quanh Hội thảo thị trường TACN VN 2009: Luôn cần được hỗ trợ các thông tin cập nhật


- Được biết Công ty cổ phần phát triển công nghệ nông thôn RTD là một trong những doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thức ăn chăn nuôi (TACN) lớn nhất cả nước, luôn tích cực đổi mới công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2000. Xin ông cho biết thêm một số thông tin về sản phẩm, nguyên liệu, tình hình thực tế của doanh nghiệp hiện nay?

Doanh nghiệp chúng tôi có một số nhà máy sản xuất TACN và Thuốc thú y ở KCN Phố Nối A - Hưng Yên; ở An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội, ở KCN Đồng Văn – Hà Nam… Các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi hiện tại đang sản xuất 3 ca liên tục với tổng công suất thiết kế 70 tấn/h. Năm nay chúng tôi đang có kế hoạch nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, chủ yếu là các loại Việt Nam không đáp ứng được như khô đậu tương, bột thịt xương, bột cá chất lượng cao (nhập khẩu từ Peru), cám mỳ, một phần nguyên liệu ngũ cốc dạng hạt…, 30% còn lại thì thu mua trong nước. Việc quyết định số lượng nhập khẩu hay thu mua trong nước còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác nhau của thị trường cụ thể. Đó là chất lượng nguyên liệu, sự chênh lệch về giá giữa nhập ngoại và nhập nội, giá của các nguyên liệu cùng nhóm dinh dưỡng tương đương có thể thay thế….

Chúng ta đều biết trên 90% giá sản phẩm là do nguyên liệu quyết định, còn chi phí sản xuất, quản lý, bán hàng… chỉ chiếm chưa đến 10%. Chất lượng sản phẩm có ổn định hay không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Ngoài các nguyên liệu sẵn có, ít biến động hoặc Công ty chủ động được nguồn hàng (số lượng này chiếm tỷ lệ rất ít trong công thức sản phẩm), chủ yếu chúng tôi ký kết hợp đồng dài hạn với các doanh nghiệp có uy tín như Công ty cổ phần Khai thác và chế biến thuỷ sản Cà Mau (cung cấp bột cá chất lượng cao), Công ty Vedan (cung cấp các acid amin)…

















Ông Lê Quý Oánh - Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng Công ty CP phát triển công nghệ nông thôn RTD trao đổi tình hình thực tế doanh nghiệp với 2 chuyên gia phân tích Phan Hồng Liên và Bùi Minh Nguyệt của AGROINFO


- RTD thường thu mua nguyên liệu như thế nào? Ông có thể chia sẻ thông tin về chính sách dự trữ, các phương thức bảo quản nguyên liệu của doanh nghiệp?

Có nhiều cách thức để thu mua hàng nội địa. Chúng tôi căn cứ vào tình hình biến động về giá cả, nhu cầu sử dụng của nhà máy, khả năng tài chính của doanh nghiệp… mà quyết định số lượng và tốc độ thu mua. Nếu chậm thì chỉ cần số lượng ít và nhập trực tiếp về nhà máy, như vậy sẽ giảm được chi phí phát sinh như trung chuyển, xếp dỡ,… Còn khi cần số lượng lớn và tốc độ nhanh thì chúng tôi ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thu mua chế biến nông sản có tiềm lực. Hàng hoá thu mua xong được bảo quản ngay tại kho chứa của các doanh nghiệp này, sau đó chuyển dần về nhà máy theo nhu cầu sản xuất. Như vậy, việc thu mua rất dễ dàng và nhanh chóng.

RTD cũng có thể mua trực tiếp từ người dân nhưng khó khăn là tốc độ rất chậm, chi phí thu gom lại cao. Điều đó nhiều khi làm ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của Công ty. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vấn đề thời điểm mua hàng và tốc độ thu mua. Có thể ví việc kinh doanh nói chung và việc thu mua nông sản nói riêng giống như đi đánh trận, mà người chỉ huy cần phải nắm rõ thời điểm và tốc độ như ở trong lòng bàn tay. Thông thường, giá nông sản trong mùa vụ biến đổi theo đồ thị hình Sin, quan trọng là chúng ta phải biết đỉnh ở chỗ nào, đáy ra làm sao... Khi đã xác định được đáy rồi thì cần phải tăng hết tốc lực, nếu phản ứng chậm giá cả lại qua điểm đáy rồi tăng cao, dễ dẫn đến việc doanh nghiệp phải chịu thua lỗ.

Còn về vấn đề bảo quản nguyên liệu, dù bằng cách nào đi nữa việc này cũng chỉ giúp làm chậm lại quá trình biến đổi chất lượng theo chiều hướng xấu đi mà thôi. Tuy nhiên, đối với một số nguyên liệu có tính chất mùa vụ như sắn, ngô, cám gạo…, thì bắt buộc chúng tôi vẫn phải đầu cơ số lượng lớn khi vào vụ thu hoạch. Như vậy mới có khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm khi các nguồn nguyên liệu này trên thị trường khan hiếm, giá cả lại tăng cao. Để bảo quản nguyên liệu tối ưu, chúng tôi đã lắp đặt hệ thống silo chứa ngô với số lượng 03 chiếc x 2.500 tấn và đang có kế hoạch lắp đặt thêm một số nữa trong năm tới.

Tôi tin rằng, bằng sự đoàn kết nhạy bén của các nhân viên và định hướng kịp thời, sâu sát của lãnh đạo, Doanh nghiệp chúng tôi sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong năm 2009 này.

- Theo như ông nói thì có thể thấy rằng thời điểm trong kinh doanh có vai trò vô cùng quan trọng để dẫn tới những bứt phá về giá cả?

Đúng vậy! Thị trường luôn luôn biến động, doanh nghiệp muốn tồn tại phải hòa nhịp và thích nghi với từng hoàn cảnh, ứng phó nhịp nhàng, linh động trong mỗi vấn đề để đưa ra những đường lối, chính sách thích hợp nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Các ngành hàng nông sản có tính thời vụ, hơn nữa giá cả chưa bao giờ ổn định. Ví dụ như năm nay, thời điểm ra Tết, giá sắn sấy là 1.800 đồng, chúng tôi tiến hành thu mua rất nhiều, trong khi các doanh nghiệp khác nghĩ rằng giá còn có thể rẻ hơn. Cho đến bây giờ, giá sắn cùng loại đã lên đến 3.200 đồng, mua hàng ở thời điểm này mức giá thành phẩm đầu ra cũng sẽ khác. Cùng một sản phẩm, chất lượng như nhau do công nghệ sản xuất có thể mua được bằng việc nhập các phần mềm dinh dưỡng tối ưu. Với dây chuyền công nghệ cũng vậy, nên quan trọng nhất vẫn là giá thành để cạnh tranh sản phẩm. Mà điều đó thì có tới trên 90% là từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Đó là chưa kể tới các “chiến lược” thu mua nguyên liệu. Tôi từng biết đến những “câu chuyện độc quyền” khá thú vị. Như vùng nguyên liệu ở vị trí địa lý xa xôi, hiểm trở, doanh nghiệp A ký kết hợp đồng, xây dựng đường sá để thuận tiện vận tải. Việc này đem đến nguồn lợi là người dân bản xứ nghiễm nhiên có đường đi, nhưng công ty B nào muốn nhảy vào đó kinh doanh thì phải trả phí vận tải gần như tương đương với chi phí thu mua nguyên liệu cho A, do đó A giữ vị trí độc tôn. Trong kinh doanh, việc giảm chi phí vận chuyển cũng là một vấn đề quan trọng… Thị trường TACN đang có những diễn biến khá phức tạp và khốc liệt. Theo tôi nghĩ, một vài năm nữa, số lượng các doanh nghiệp TACN sẽ giảm, có thể bị phá sản hoặc chuyển sang làm gia công cho các công ty lớn.

- Việc duy trì đại lý cấp I của doanh nghiệp tiến hành như thế nào? Xin ông chia sẻ về cơ chế hoạt động và chính sách ưu đãi dành cho các đại lý này?

Đối với các doanh nghiệp sản xuất TACN thì hệ thống đại lý mang tính bền vững và là kênh phân phối ổn định không thể tách rời. Với mỗi thương hiệu sản phẩm, RTD có khoảng 150 - 200 đại lý cấp I, sản phẩm bán ở hầu khắp các vùng miền, vào cả thị trường phía Nam. 100% các đại lý phải tự vận tải hoặc tự thuê vận tải, chúng tôi hỗ trợ vào giá thành hoặc chiết khấu cho họ.

Quy trình mở đại lý được thực hiện khá nghiêm ngặt. Khi có yêu cầu được mở đại lý, nhân viên kinh doanh phụ trách địa bàn đó đến đánh giá cụ thể về năng lực tài chính, tiềm lực phát triển, sự ảnh hưởng đến các vùng kinh doanh của đại lý cấp I gần nhất… Sau đó chúng tôi mới quyết định việc cho phép đại lý kinh doanh thương hiệu gì, phạm vi phân phối đến đâu...
Ngoài sản phẩm của chúng tôi, họ cũng có thể phân phối các nguồn hàng khác vì trong thị trường kinh doanh tự do, giữ đại lý bán riêng cho mình là không khả thi. Quan trọng là họ thấy được lợi ích, ý nghĩa gì khi phân phối sản phẩm của chúng tôi so với các đơn vị khác. RTD thực hiện một số chính sách ưu đãi cho đại lý cấp I như chiết khấu, tặng quà; hoặc đóng gói phiếu giảm giá trực tiếp vào bao TACN để người dân được thụ hưởng…

- AGROINFO đang tiến hành triển khai một hệ thống cơ sở dữ liệu về giá cả tại các địa phương trong cả nước. Xin ông cho biết những đánh giá của mình về vấn đề này và các kiến nghị của doanh nghiệp đối với nhu cầu hỗ trợ thông tin?

Cá nhân tôi cũng như doanh nghiệp luôn ủng hộ và đánh giá cao chương trình cung cấp giá cả thực tế này. Việc hỗ trợ thông tin từ AGROINFO, đặc biệt là các phân tích, dự báo sát thực, cập nhật về triển vọng thị trường, những tình huống xấu… là vô cùng cần thiết và có tính chất quyết định trong chiến lược kinh doanh.

Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là độ chính xác của thông tin, nắm bắt được thông tin mà chúng không chính xác thì lại càng nguy hiểm hơn. Tất nhiên, vấn đề thu thập ra sao để có được thông tin chính xác không hề đơn giản. Có lẽ cần đến lực lượng chuyên viên hoặc các cộng tác viên địa phương, và cả việc kiểm chứng lại thông tin từ các cộng tác viên. Tôi thấy các con số thống kê về giá cả thị trường hàng ngày trên truyền hình nhiều khi không chính xác, có độ trễ và chênh lệch nhiều. Các phóng viên thường không ghi rõ, hoặc thậm chí không biết đến mức độ quan trọng của địa điểm nguồn giá, hình thức thanh toán, phương thức tiến hành, nhu cầu Makerting của từng vùng/ tỉnh/ địa phương…, dẫn đến thông tin sai. Trong khi những vấn đề này lại có vai trò vô cùng quan trọng, đôi khi là mang tính quyết định với các kế hoạch, chính sách của doanh nghiệp…

Các doanh nghiệp chế biến TACN hiện nay có quá ít nguồn cung cấp thông tin, trong nước cũng chỉ có vài trang web. Nhưng các thông tin đó rất chậm, ví dụ một số site của các doanh nghiệp thương mại thường chỉ dịch lại bản tin của nước ngoài. Các trang web quốc tế thì nhiều nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận và giao dịch nhập ngoại. Hy vọng rằng trong tương lai chúng tôi sẽ luôn được hỗ trợ thông tin cập nhật, kịp thời từ các cơ quan uy tín như AGROINFO.

- AGROINFO sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến chương trình cập nhật giá cả, thực hiện tiếp cận thực tế ngay từ khâu sản xuất để nắm bắt và thông tin một cách nhanh chóng, chính xác nhất về những tình hình, biến động, nhu cầu… thị trường. Điều này không nằm ngoài mục đích là chung tay đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp các ngành hàng nông sản VN vượt qua khủng hoảng và phát triển bền vững.

Để trở thành nhịp cầu kết nối thiết thực giữa nghiên cứu với thực tiễn, mở ra những nhìn nhận và tư duy mới mẻ, chúng tôi rất cần sự tham gia - ủng hộ, góp ý - chia sẻ, hỗ trợ - cộng tác trên mọi lĩnh vực từ phía các doanh nghiệp như RTD nói riêng và doanh nghiệp các ngành hàng nông sản VN nói chung. Xin trân trọng cảm ơn ông Lê Quý Oánh về cuộc trao đổi thẳng thắn này!



Dương Thúy Chinh/ AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường