Ông Vaclav Klaus đã gặp các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, trong đó có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Đây là lần đầu tiên từ năm 1993, một tổng thống Czech thăm Việt Nam trong chuyến đi kéo dài bốn ngày.
Người tiền nhiệm của ông Klaus, Vaclav Havel, là chính trị gia đóng vai trò chính trong việc lật đổ chính thể cộng sản tại Tiệp Khắc.
Ký kết
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với các bạn truyền thống trong đó có Cộng hòa Czech.
Sau buổi hội đàm, hai người đứng đầu nhà nước đã chứng kiến lễ ký sáu văn kiện hợp tác, trong đó có Hợp đồng tài trợ dự án nhà máy xi măng Phú Sơn, Ninh Bình.
Ông Klaus, người vừa thăm Trung Quốc, cũng gặp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Dự kiến ông cũng sẽ tiếp xúc với nhiều người Việt Nam từng học ở Tiệp Khắc trước đây.
Quan hệ buôn bán hai chiều chỉ đạt khoảng 100 triệu đôla Mỹ năm ngoái. Các công ty Czech đầu tư 37 triệu đôla ở năm dự án tại Việt Nam.
Theo lịch trình, ông Klaus sẽ đi thăm Hội An và vào TP. HCM trước khi bay sang Singapore thứ Ba tuần sau.
Đây là một phần trong chuyến công du châu Á hai tuần của Tổng thống Klaus, người cũng thăm Mông Cổ và Trung Quốc.
Tiểu sử
Vaclav Klaus, người trở thành tổng thống Czech năm 2003, là một trong các chính khách có ảnh hưởng nhiều nhất ở Cộng hòa Czech sau sự tan rã của chế độ cộng sản tháng 11-1989.
Sinh năm 1941, ông tốt nghiệp đại học với chuyên ngành ngoại thương, sau đó học ở Italy và rồi ở Đại học Cornell của Mỹ.
Cho đến năm 1970, ông làm việc tại Viện Kinh tế thuộc Viện hàn lâm khoa học Tiệp Khắc.
Ông bị đuổi việc vì bị xem là mang mầm mống chống chủ nghĩa xã hội, nhưng sau đó được nhận vào làm ở ngân hàng nhà nước Tiệp Khắc.
Ông không được chính phủ cộng sản tin dùng còn vì vào năm 1968, em gái, Alena, chạy trốn sang Thụy Sĩ.
Klaus, vào năm 1987, quay lại công việc nghiên cứu ở Viện Dự báo, nơi một nhóm kinh tế gia làm quen với nhau và sau này có ảnh hưởng lớn đến sự chuyển hóa của Tiệp Khắc dưới thời Thủ tướng Valter Komarek.
Sau khi chính thể cộng sản sụp đổ, Klaus trở thành thủ tướng trong năm năm, bắt đầu từ 1992.
Trong thời gian này, ông liên tục va chạm với tổng thống Vaclav Havel, và từ nhiệm vào tháng 12-1997 sau khi đảng của ông dính vào một bê bối tài chính.
Tháng Hai 2003, ông được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Czech.
Cùng với cựu chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Milos Zeman, cựu tổng thống Vaclav Havel, ông Klaus được truyền thông Czech xem là bộ ba chính khách đã chi phối nền chính trị Czech một thập niên vừa qua.