Theo phân tích của chuyên gia Phạm Quang Diệu trong cuộc hội thảo “Nguồn lực và tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi” thì trong các vùng đồng bằng song Hồng (gồm cả Hà Nội) diễn ra chuyển dịch nhanh nhất về kết cấu hộ nông thôn(tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 17,8% năm 2001 lên 32,8% năm 2006, bình quân hàng năm tỷ trọng tăng 2,8%), tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ tính cả TP. Hồ Chí Minh (có tỷ trọng hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 32,9% lên 42,7% ). Đây cũng là hai vùng có mức độ thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các khu công nghiệp nhanh nhất cả nước.
Phân tích sâu hơn, cơ cấu tổng thu của hộ nông nghiệp vẫn thể hiện mức độ thuần nông cao. Thu từ trồng trọt vẫn chiếm 68,5%, thu từ chăn nuôi chiếm gần 30%, từ dịch vụ nông nghiệp chỉ có 1,7%. Trong trồng trọt, thu từ cây lương thực vẫn chiếm gần 61%. Cơ cấu thu của hộ trong ngành thuỷ sản thể hiện rõ sự chuyển biến tích cực trong tổ chức sản xuất. Hoạt động nuôi trồng (54,3%) đa chiếm tỷ lệ cao hơn so với họat động đánh bắt (44,8%). Cơ cấu thu của ngành lâm nghiệp ở cấp hộ chậm thay đổi, trong tổng thu, hoạt động khai thác lâm sản vẫn chiếm tới 78%, thu hái lâm sản 13%, so với thu từ trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi, tu bổ rừng chỉ chiếm 7,4%. Trong các hộ nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ở nông thôn, đã có một số lao động chuyển sang tham gia các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nên các khoản thu này (kể cả tiền công, tiền lương, thu nhập BHXH,...) đã chiếm 22,5% tổng thu.
Cũng trong cuộc hội thảo trên, chuyên gia Nguyễn Đình Hùng cho biết. Việc phát triển nông thôn là liên quan đến nhiều ngành, liên quan đến nhiều đối tượng, không chỉ người nông dân, mà còn liên quan đến nhiều hộ phi nông nghiệp, các tổ chức xã hội và các tổ chức đoàn thể, các hợp tác xã, khu vực tư nhân, cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị thuộc lĩnh vực công và các nhà cung cấp dịch vụ…
Nhưng người dân vẫn là trọng tâm của PTNT thế nên quan trọng là người dân nông thôn cần được trao quyền và được quản lý các nguồn lực của chính bản thân họ, để thực sự tham gia tích cực vào quá trình phát triển
Theo đó, đâu là hướng đầu tư nguồn lực đúng và hiệu quả? Nên chăng, tập trung vào con người còn có nghĩa là cung cấp nhiều hơn cơ sở hạ tầng. Trên thực tế , các nội dung ‘phần mềm’ như là trao quyền, thông tin, kiến thức, kỹ năng… là quan trọng hơn và nếu không có những nội dung này thiết yếu này, thì việc cải thiện cơ sở hạ tầng chỉ có nghĩa là tăng mức khai thác người dân nông thôn hơn là sự phát triển. Vì vậy, người dân phải là trọng tâm của chính sách, họ thực sự phải được tham gia vào chính quá trình phát triển nông thôn, khuyến khích sở hữu và phân quyền cho địa phương.
Tỷ trọng cả hai nhóm hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đã tăng 8,4%. Chuyển dịch cơ cấu hộ nông thôn thời kỳ 2001-2006 nhanh và rõ hơn trước. Tuy vậy, cơ bản kết cấu của nông thôn Việt Nam vẫn mang tính thuần nông. Năm 2006, số hộ làm nông nghiệp thuần tuý vẫn chiếm 66%, giảm 14% so với năm 1994. Tỷ lệ hộ công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và xây dựng từ gần 2% năm 1994 tăng lên 10% năm 2006, nhóm hộ dịch vụ tăng từ 4% lên gần 15%. Có thể nói, nông nghiệp vẫn là nguồn việc làm và thu nhập chính của cư dân nông thôn.