Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chế biến gỗ Đồng Nai trước thách thức hội nhập WTO
04 | 09 | 2007
Những năm gần đây, ngành chế biến sản phẩm gỗ của Việt Nam, trong đó có Đồng Nai đã có bước tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới, ngành chế biến gỗ Đồng Nai đang đứng trước đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến mẫu mã và đầu tư chất lượng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh khi gia nhập WTO.

Còn bỏ lỡ cơ hội làm ăn lớn

Theo Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có hơn 162 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ, trong đó có trên 50 doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Các sản phẩm gỗ trong tỉnh ngày càng được cải tiến đa dạng và phong phú. Ngoài bàn ghế nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ, nhiều sản phẩm gỗ còn kết hợp với các vật liệu khác như: song mây, sắt thép...

Các sản phẩm của các doanh nghiệp được xuất khẩu tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Mỹ, EU và Nhật Bản. Nếu năm 2000, giá trị xuất khẩu gỗ toàn tỉnh chỉ đạt gần 20 triệu USD/năm, thì năm 2006 dự kiến đạt hơn 80 triệu USD/năm. Đây có thể là một thành công lớn của ngành gỗ và lâm sản Đồng Nai, trong khi chúng ta vẫn đang phải nhập tới 80% tổng số nguyên liệu.

Mặc dù sản phẩm gỗ ngày càng mở rộng thị trường, nhưng cũng phải thừa nhận rằng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Đồng Nai trước thềm hội nhập WTO vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Lại Như Minh, Giám đốc Công ty TNHH gỗ Tuấn Lộc, một trong những đơn vị dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu năm 2005 cho biết, qua những lần đi tìm thị trường ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước ở Trung Đông, EU và Mỹ... ông rút ra một điều là càng mở rộng thị trường, càng đòi hỏi sức cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, nhất là đối với các nước có nhu cầu hàng hóa lớn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Đồng Nai thường làm theo đơn đặt hàng, hiếm có mẫu sáng tạo của riêng mình. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp bỏ lỡ các cơ hội làm ăn lớn, mang lại lợi nhuận cao. Song, còn một nguyên nhân quan trọng nữa là vấn đề về năng lực của doanh nghiệp và nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất.

Ông Phạm Văn Bân, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội chế biến lâm sản Đồng Nai nhận xét, do hạn chế về năng lực và thiếu vốn nên quy mô sản xuất của các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, việc tổ chức liên kết hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp chưa thực hiện được, các doanh nghiệp chưa làm được những đơn đặt hàng lớn. Hiện nay ở Đồng Nai, bình quân một DN chế biến gỗ lớn có vốn khoảng 50 tỷ đồng và DN nhỏ khoảng 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến công nghệ sản xuất còn chậm đổi mới nên thiếu chủ động trong việc xây dựng chiến lược mặt hàng; các doanh nghiệp cũng chưa hình thành được hệ thống phân phối hàng hóa, một doanh nghiệp còn đảm nhận từ khâu sản xuất đến phân phối và mô hình này sẽ không phù hợp cho hội nhập sau này.

Để ngành chế biến gỗ Đồng Nai tiếp tục phát triển

Để ngành chế biến gỗ Đồng Nai không bị "lúng túng" trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp không cách nào khác là phải chủ động được nguồn nguyên liệu, tăng cường cải tiến mẫu mã và đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Một trong những công ty đi đầu trong việc này là Công ty TNHH gỗ Tuấn Lộc. Từ cơ sở nhỏ ở phường Tân Hòa, công ty đã đầu tư xây dựng thêm 2 cơ sở ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) với diện tích gần 5 hecta, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương. Ngoài các sản phẩm làm theo hợp đồng, công ty còn cho ra đời gần chục chủng loại mặt hàng mới lạ, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt được tận dụng từ những miếng gỗ vụn, dùng để trang trí, trưng bày ở góc khuất trong nhà. Nhờ thường xuyên sáng tạo các mẫu mã mới, lạ, sản phẩm của công ty không chỉ chinh phục được khách hàng ở Đông Âu, mà còn hướng vào thị trường Mỹ với nhiều lợi thế và khả năng phát triển.

Ông Lại Như Minh, giám đốc công ty cho biết, để có nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm xuất khẩu lâu dài, công ty có ý định sẽ đầu tư trồng rừng theo hướng cung cấp cây giống cho các cơ quan, đơn vị bộ đội, hộ dân ở các huyện trong tỉnh. Khi cây đủ tiêu chuẩn, công ty sẽ mua lại theo giá thị trường tại thời điểm. Và nếu được, công ty sẽ bỏ vốn, xin đất trồng rừng để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản phẩm.

Cũng nằm trong mục tiêu tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, Công ty cổ phần giấy Tân Mai đã đứng ra làm đầu mối nhập khẩu gỗ nguyên liệu về phân phối cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Hay như Doanh nghiệp tư nhân Đức Minh, ngoài việc chế biến các sản phẩm gỗ, còn mở thêm cơ sở sản xuất bao bì carton phục vụ đóng gói hàng xuất khẩu cung cấp cho các doanh nghiệp khác... Hiệp hội chế biến lâm sản đang quan hệ hợp tác với Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuẩn bị thành lập showroom tại huyện Trảng Bom nhằm giới thiệu rộng rãi các sản phẩm và dịch vụ của ngành sản xuất và chế biến lâm sản Đồng Nai.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư lớn như trên chưa nhiều, vì trên thực tế không ít cơ sở không đủ điều kiện đầu tư, hoặc không nắm bắt được thị hiếu khách hàng nên không mạnh dạn đầu tư, không mở rộng được thị trường.

Theo các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, để ngành gỗ Đồng Nai tiếp tục phát triển, ngoài việc cơ cấu lại ngành chế biến gỗ, tập trung phát triển những mặt hàng trọng điểm; xây dựng chiến lược mặt hàng... Nhà nước cũng nên có cơ chế ưu đãi khuyến khích giao đất trồng rừng cho doanh nghiệp. Có như thế họ mới chủ động được nguyên liệu đầu vào và ổn định sản xuất.



Theo ĐN
Báo cáo phân tích thị trường