Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập thịt dơ và ngành chăn nuôi nhỏ lẻ
01 | 09 | 2009
Liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8 năm 2009, người tiêu dùng Việt Nam phập phồng lo lắng trước hàng loạt thông tin xấu về chất lượng thịt gia súc và gia cầm nhập khẩu. Phần lớn các vấn đề của thịt nhập khẩu được phát hiện thuộc khâu phân phối và bảo quản trước khi tới tay người tiêu dùng ở Việt Nam. Trong khi đó, theo báo Kinh tế nông thôn trong năm qua, lượng thịt gia súc và gia cầm nhập không ngừng tăng và cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm chăn nuôi trong nước về mặt giá cả. Cũng theo bài báo này, hình thức chăn nuôi nông hộ, nuôi thả vườn hiện ít bị ảnh hưởng. Vậy đâu sẽ là hướng phát triển cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay để có thể cạnh tranh ngay trên sân nhà: hiện đại hoá ngành chăn nuôi để tăng năng suất và giảm giá thành hay phát triển nhỏ lẻ với chi phí cao?

Tại sao thịt nhập từ Hoa Kỳ lại rẻ?

Nếu bỏ qua vấn đề chất lượng và phân loại thịt mà doanh nghiệp Việt Nam nhập về để phục vụ người tiêu dùng bao gồm cả việc nhập các loại sản phẩm thứ cấp mà xem xét yếu tố chi phí sản xuất, thì ngành chăn nuôi ở những nước phát triển, mà cụ thể ở đây là Hoa Kỳ có giá thành rẻ hơn. Có các lý do sau:

1) Trợ cấp nông nghiệp

Chính phủ Hoa Kỳ trợ cấp rất lớn cho việc trồng bắp, vốn là sản phẩm đầu vào quan trọng cho ngành chăn nuôi và ngành công nghiệp thực phẩm. Theo ấn bản điện tử của báo Time ngày 21.8. 2009, Chính phủ Hoa Kỳ đã bơm hơn 50 tỉ đôla vào ngành trồng bắp trong 10 năm qua. Trợ cấp nông nghiệp gián tiếp này đã góp phần tạo ra một ưu thế về giá cho ngành chăn nuôi của Hoa Kỳ khi so sánh với một số nước công nghiệp khác ở châu Âu, Úc, và châu Á. Ngoài ra, chúng ta có thể xem vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi không được xử lý là một dạng trợ cấp của Chính phủ Hoa Kỳ vì hiện nay nó vẫn chưa được tính vào giá thành sản phẩm.

2) Quy trình sản xuất

Với quy trình nuôi được công nghiệp hoá cao và nhằm mục đích đạt lợi nhuận tối đa, đa số những nhà chăn nuôi theo mô hình công nghiệp tại Hoa Kỳ không ngần ngại sử dụng những biện pháp như tăng số lượng nuôi trên cùng diện tích chuồng, tăng lượng kháng sinh để phòng bệnh, tăng lượng chất kích thích sinh trưởng. Mặc dù bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tích cực kiểm soát vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gà, và nhiều công ty chăn nuôi gà cũng tuyên bố họ không sử dụng thuốc kháng sinh, song một số vụ ngộ độc thực phẩm gần đây cũng như các nghiên cứu độc lập về lượng kháng sinh trong thịt gà cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn chưa thể an tâm khi nào quy trình sản xuất trên vẫn tồn tại.

Với hai lý do chính trên, thịt gia súc và gia cầm từ Hoa Kỳ nhập vào Việt Nam sẽ có ưu thế về giá so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần xác định rằng lợi thế giá rẻ của các sản phẩm chăn nuôi Hoa Kỳ là do giá thành sản xuất chưa được tính đúng và do chất lượng sản phẩm không tốt. Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước, người chăn nuôi và người tiêu dùng có quyết định phù hợp.

Làm sao để ngành chăn nuôi Việt Nam có thể cạnh tranh trên sân nhà?

Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước gặp nhiều thử thách từ dịch bệnh, giá thức ăn tăng, và cạnh tranh về giá của sản phẩm nhập khẩu, câu hỏi được đặt ra là đâu là hướng phát triển cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam. Câu trả lời là phải duy trì mô hình nuôi công nghiệp để đáp ứng một phần nhu cầu và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển theo hướng tăng giá trị sản phẩm.

Thực tế cho thấy là mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ theo kiểu gia đình còn rất phổ biến ở Việt Nam. Cách thức nuôi này mặc dù sẽ không đem lại hiệu quả cao so với phương pháp chăn nuôi được xem là hiện đại và chỉ đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng, nhưng nó có một số ưu điểm và tiềm năng quan trọng bao gồm:

1. Gia súc và gia cầm nuôi không bị nhốt trong điều kiện công nghiệp với mật độ cao, làm giảm nhu cầu thực tế phải sử dụng các loại hoá chất khử trùng và thuốc kháng sinh với liều lượng lớn.

2. Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở khu vực nông thôn và một phần thành thị.

3. Có nguồn gốc tương đối rõ ràng, tránh được những vấn đề liên quan tới thời gian và điều kiện bảo quản, vận chuyển như trường hợp nhập khẩu.

4. Có thể tận dụng lao động nông nhàn hoặc dư thừa ở nông thôn.

5. Có thể tạo ra giá trị cao.

Trong tình hình hiện nay, yếu tố 3 và 5 nếu được người tiêu dùng và chính quyền quan tâm, chắc chắn sẽ đem lại ích lợi cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi.

Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền cần cân nhắc nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan tới chất lượng thực phẩm và kiên quyết xử lý vi phạm. Điều này sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần những sản phẩm tốt và không có hại cho sức khoẻ. Đồng thời nó cũng sẽ chặn lại những sản phẩm kém phẩm chất từ nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất trong nước cần bán được sản phẩm có chất lượng tốt. Nâng cao hàng rào kỹ thuật đối với thịt nhập sẽ đưa giá thịt nhập khẩu gần hơn với giá không có trợ cấp và giá thịt sản xuất trong nước. Như vậy giá thịt tuy cao lên nhưng nó sẽ là cái giá kích thích sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh vai trò chủ động của Nhà nước trong việc quy hoạch những vùng cung cấp thịt xung quanh các đô thị, nhằm hạn chế việc bảo quản và vận chuyển đường dài. Những biện pháp khuyến nông nhằm tạo ra nông sản sạch, ưu đãi về thuế đất nông nghiệp có thể được sử dụng để khuyến khích những người nông dân giữ đất cho chăn nuôi.

Về mặt tiêu dùng, người tiêu dùng phải tự ý thức về sức khoẻ để có quyết định đúng khi chọn mua một sản phẩm. Đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu, người tiêu dùng phải đòi hỏi được cung cấp những thông tin quan trọng về sản phẩm mà họ mua như nguồn gốc, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng, v.v… Người tiêu dùng, thông qua báo chí, cũng cần trang bị cho mình kiến thức rộng về các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Người tiêu dùng cũng cần đoàn kết qua những tổ chức bảo vệ quyền lợi, qua báo chí để có tiếng nói gây ảnh hưởng đến nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Trong tình hình chăn nuôi trong nước bị ảnh hưởng do dịch bệnh, người tiêu dùng phải chấp nhận thực tế giá cả thịt tăng cao và điều chỉnh theo hướng giảm nhu cầu thịt thay vì chấp nhận sản phẩm kém phẩm chất từ nhà sản xuất và nhập khẩu thiếu lương tâm.

TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan
đại học Maryland, USA



Theo www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường