Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các khu công nghiệp thèm lao động
06 | 10 | 2007
Thiếu lao động qua đào tạo, thiếu lao động phổ thông đang là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp tại các KCN, là một nghịch lý khi Việt Nam được coi là nước có nguồn nhân lực dồi dào.
Thiếu thợ lao động qua đào tạo

Phòng nhân sự Công ty Hoya Glass Disk cho biết, trong năm 2006 mới tuyển dụng được hơn 2.000 lao động. Dự kiến khi nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2007, công ty này sẽ cần thêm cả ngàn lao động. Cannon Việt Nam mới đây vừa công bố tuyển ít nhất 4.000 công nhân và cán bộ kỹ thuật trong năm 2007...

Khảo sát tại các KCN cận địa bàn Hà Nội thì nhu cầu tuyển dụng tại khu vực này rất lớn và có xu hướng tăng. Đó là tín hiệu mừng cho học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học.

Nhưng, mặc dù nhu cầu tuyển dụng lớn, nhiều doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm lao động có chuyên môn, thì nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp, ra trường rất vất vả tìm kiếm việc làm. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là chuyên môn của người lao động còn một khoảng cách khá xa đối với yêu cầu của doanh nghiệp.

Bà Ngô Bích Quyên - TPNS Công ty nhựa Đông Á (KCN Ngọc Hồi - Thanh Trì, HN) nói rằng: "Nhiều lao động được đào tạo có trình độ cao đẳng, đại học, khi thử việc lại kém hơn những lao động không qua trường lớp, nhưng đã có kinh nghiệm".

Công ty Canon áp dụng giải pháp đào tạo lại cho người lao động, coi đó là biện pháp hữu hiệu thu hút lao động. Ông Sachio Kageiama - Tổng GĐ Công ty Canon Việt Nam - cho rằng: "Lao động được tuyển dụng vào Công ty vẫn phải học nhiều về công việc, tác phong, kinh nghiệm và kỹ năng...".

Một số doanh nghiệp khác chấp nhận cho người lao động là học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp vừa làm, vừa học hỏi kiến thức. Những doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc thu hút lao động có tay nghề nan giải hơn nhiều, bởi khó đưa ra mức lương, điều kiện làm việc cạnh tranh, trong khi không có biện pháp đào tạo lại nghề cho người lao động.

Lao động phổ thông: Tìm cũng khó!

Tình cảnh chung mà nhiều công nhân tại các KCN đang gánh chịu là thu nhập thấp, chi phí thuê nhà, điện nước, ăn mặc cao, đời sống văn hoá, tinh thần thiếu thốn... Đó là nguyên nhân khiến cho mức độ trung thành của các lao động ngoại tỉnh rất thấp. Họ có thể nghỉ việc về quê bất cứ lúc nào, hoặc sẵn sàng bỏ doanh nghiệp cũ để sang làm việc cho một doanh nghiệp mới chỉ với thu nhập cao hơn vài chục ngàn đồng/tháng.

Chị Trần Thị Thoa (quê ở Phú Thọ) cho biết: Để giảm chi phí sinh hoạt, chị và hai cô bạn cùng quê thuê căn phòng trọ 10m2, với đồng lương công nhân may ít ỏi, các chị tằn tiện mới có thể đủ trang trải cuộc sống.

Điều này, ông Nguyễn Mạnh Thắng Phòng TCLĐTL Công ty giày Thụy Khuê (KCN Phú Diễn - Từ Liêm, HN) thừa nhận: "Cách đây mấy năm, mức lương trên dưới một triệu đồng/tháng thì người lao động có thể tiết kiệm được chút ít. Nhưng, giá cả sinh hoạt cao như hiện nay, ngay cả lao động lành nghề cũng khó tích luỹ". Vì thế, tìm kiếm lao động phổ thông cũng không phải là chuyện giản đơn...!



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường