Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp tại vùng đô thị: Bắt đầu từ thay đổi tư duy
01 | 10 | 2009
“Nông dân sẽ mãi loay hoay trong thửa ruộng, mảnh vườn của mình, nhà khoa học sẽ ấp ủ mãi với kết quả nghiên cứu, còn nhà quản lý sẽ có lỗi với nông dân nếu không giải được bài toán nông nghiệp đô thị”.

Ông Trần Trọng Tuấn, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM, bộc bạch như vậy tại hội thảo “Nông nghiệp đô thị - thực trạng, tương lai và giải pháp”, do Ban chỉ đạo nông nghiệp nông thôn TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh và báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30-9.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân đã cùng mổ xẻ thực trạng nông nghiệp đô thị của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung để tìm hướng đi cho nền nông nghiệp đô thị trong tương lai.

Tổng kết sự tự phát

"Phát triển nông nghiệp đô thị là vấn đề cần phải được bàn đến ở tầm cỡ quốc gia. Nó đang đặt ra ở tất cả các TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... "

TS Nguyễn Đăng Nghĩa (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp)

Bàn về phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM, ông Trương Hoàng - phó Ban chỉ đạo nông nghiệp nông thôn TP.HCM - cho rằng hiện đã hình thành một số trung tâm giống cây trồng, vật nuôi - đặc biệt là heo giống - tại TP có quy mô và hiện đại nhất cả nước. Một số mô hình nông nghiệp đô thị (nuôi cá cảnh, cây cảnh, trồng hoa lan, rau sạch...) đã được hình thành, cùng với việc ra đời mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, những mô hình nông nghiệp đô thị được nêu ra hiện nay vẫn chỉ là sự tổng kết những cái tự phát của nông dân, mà chưa xác định được hướng đi rõ ràng, lộ trình ưu tiên cho việc phát triển sản phẩm gì. Theo ông Nghĩa, không nhất thiết phải chạy theo tất cả các sản phẩm, hàng hóa, mà chỉ phát triển trọng tâm vào những sản phẩm phát huy tối đa lợi thế của khu vực đô thị. Lợi thế của TP.HCM là tận dụng được công nghệ cao trong sản xuất, thị trường tiêu thụ trên 10 triệu dân, giảm được khâu đóng gói, vận chuyển, đảm bảo sự tươi ngon cho thực phẩm...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến nền nông nghiệp đô thị TP.HCM manh mún, tủn mủn, theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, là do đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh bản đồ quy hoạch nông nghiệp TP. Thậm chí việc giao cho từng quận, huyện làm phần việc của địa phương mình sẽ tạo ra một “bức tranh 24 mảnh” lắp ghép, không giống ai, muốn hiểu thế nào cũng được! Việc chậm trễ trong quy hoạch, định hướng làm hạn chế khả năng phát huy nội lực và sự phát triển của nông nghiệp đô thị.

Cũng lý giải nông nghiệp đô thị còn manh mún, ông Võ Văn Cương - chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM - cho rằng là do tư duy trong quản lý, quy hoạch nền nông nghiệp đô thị của TP chưa đúng tầm. Cũng theo ông Cương, làm quy hoạch nông nghiệp đô thị phải hướng về nông dân, chứ không phải chỉ làm cho các nhà quản lý.

Cần đột phá trong đầu tư

Theo ông Trương Hoàng, hiện các chính sách của TP.HCM vẫn chưa đủ mạnh để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị hiện đại. Đất đai giảm dần, hạ tầng yếu kém và việc đầu tư chưa thích đáng. Chẳng hạn, tại huyện Bình Chánh, hiện nay hệ thống kênh mương đã không còn phát huy vai trò làm thủy lợi mà biến thành nơi chứa nước thải của các nhà máy, xí nghiệp. Nhìn toàn TP, hạ tầng phục vụ nông nghiệp vẫn rất lôm côm. Do đó, cần phải đẩy mạnh đầu tư, xây dựng và cải tạo hạ tầng. Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đồng tình trước mắt phải cấp thiết hoàn chỉnh quy hoạch, mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Theo ông Võ Văn Cương, để phát triển thành công nền nông nghiệp đô thị của TP cần có sự nhất quán trong quy hoạch, chính sách phát triển. Không thể nay ủng hộ bà con trồng lan, hoa kiểng..., thời gian sau lại không đồng tình. Ngoài ra, khi đã xác định trồng cây lan, nuôi cá cảnh... thì phải có sự đột phá trong đầu tư những sản phẩm này. Phải tăng cường hỗ trợ vốn cho nông dân bởi nếu không, nông dân kiếm đâu ra cả tỉ đồng để đầu tư cho cây lan hay trồng rau công nghệ cao...

Để hạn chế nạn đầu cơ đất đai, ông Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng cần phải minh bạch hóa quy hoạch đất đai trung và dài hạn. Trong điều kiện nào nông nghiệp đô thị cũng vẫn tồn tại. Do vậy, quy hoạch đô thị cần bổ sung chức năng và định hướng cho các hoạt động nông nghiệp.

* Nghệ nhân Kiều Lương Hồng (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh):

Sợ... quy hoạch

Hiện tôi có hơn 1.500m2 đất đang trồng lan. Mặc dù đã thành công bước đầu, mỗi năm cho thu hoạch 200-300 triệu đồng nhưng hiện tôi rất ngại đầu tư tiếp vì... sợ quy hoạch. Tôi khởi đầu bằng việc nuôi cá gần quốc lộ 1A, sau đó bị giải tỏa nên về trồng lan. Trong năm năm qua, tôi đã đầu tư gần 3 tỉ đồng vào khu đất rộng 2ha tại xã Tân Kiên để trồng cây cảnh.

Vừa qua, địa phương đưa ra quy hoạch phải di dời trại cây cảnh. Nếu bắt tôi dời thì phải làm lại từ đầu, bỏ phí biết bao công sức mấy năm nay. Mọi kế hoạch đầu tư của tôi nay đang phải ngưng lại.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường