Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
11% mẫu thịt lợn có tồn dư chất kích thích
10 | 10 | 2007
Kết quả xét nghiệm tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho thấy, có tới 47/428 mẫu thịt lợn xét nghiệm có tồn dư hoóc môn kích thích tăng trưởng. Lượng tồn dư này cao gấp 3-60 lần tiêu chuẩn an toàn.

Thông tin trên được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam công bố tại Hội thảo "Doanh nghiệp... nói không với chất kích thích tăng trưởng", do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tổ chức hôm 5/12, tại Hà Nội. Các nghiên cứu của viện này chứng tỏ, tình trạng sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi đang ở mức báo động, đe dọa trực tiếp sức khỏe của người tiêu dùng.

Ông Lã Văn Kính, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết, hiện có khoảng 10 loại chất kích thích tăng trưởng khác nhau được sử dụng trong chăn nuôi, phổ biến nhất là ClenbuterolSalbutamol.

Kết quả nghiên cứu 428 mẫu thịt gia súc, gia cầm (từ 12 tỉnh, thành, thời gian từ 20/6-1/11) do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chuyển đến, Viện Khoa học Kỹ thuật  Nông nghiệp miền Nam đã phát hiện 11% số mẫu (47 mẫu) có chứa hoóc môn kích thích tăng trưởng. Trong đó, thức ăn cho lợn chiếm tới 96,5%, cho gà 3,5%. Như vậy, hầu hết những loại chất kích thích này đều được tích tụ lại trong cơ thể vật nuôi. 

Kết quả phân tích định lượng cũng đưa ra những con số đầy lo ngại khi hàm lượng trung bình của các loại hoóc môn tăng trưởng đạt trung bình từ 50-125ppb. 

Trong một đợt xét nghiệm 5 mẫu thịt lợn bán tại TP.HCM khác của viện, tồn dư hoóc môn tăng trưởng còn cao gấp 3-60 lần tiêu chuẩn an toàn, trong khi tiêu chuẩn quốc tế quy định mức tồn dư hormon tăng trưởng ở thịt lợn là 0 ppb.

Tiếp tục phân tích mẫu lấy từ 9 con lợn trong một trang trại chăn nuôi, các nhà khoa học lại phát hiện dấu hiệu của hoóc môn tăng trưởng. 17/86 mẫu máu lấy từ 1 một lò giết mổ lớn ở TP.HCM cũng phát hiện có hoóc môn tăng trưởng. 

Theo Viện trưởng Kính, ở một số nước chỉ thấy hoóc môn này trong thức ăn cho lợn thịt giai đoạn vỗ béo, song, tại Việt Nam, số mẫu có phản ứng dương tính với hooc môn tăng trưởng được phát hiện ở tất cả các loại thức ăn dành cho các loại lợn, từ lợn con sau cai sữa đến lợn nái; tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là lợn thịt. Thức ăn cho vịt, ngan, cá, tôm không phát hiện thấy nhóm hoóc môn này.

Ông Kính nhận định, những kết quả nghiên cứu trên chứng tỏ các chất kích thích tăng trưởng đang được sử dụng bừa bãi tại khu vực phía Nam, với nguồn cung cấp chủ yếu từ Trung Quốc, một số ít từ Thái Lan, Malaysia. Điều này đang trở thành một mối đe dọa lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Các loại chất kích thích tăng trưởng sẽ gây hại cho người sử dụng, như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư. 

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn khi phạm vi của các xét nghiệm thức ăn chăn nuôi mới dừng ở các tỉnh phía Nam, trong khi tốc độ phát triển chăn nuôi các tỉnh phía Bắc cũng rất nhanh.



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường