Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường hồi phục: Triển vọng ngành cao su xuất khẩu Việt Nam
02 | 10 | 2009
Sản lượng cao su thế giới năm 2009 dự kiến chỉ đạt mức 9,35 triệu tấn, giảm 5,94% so với năm 2008, và giảm 1,58% so với mức dự kiến 9,5 triệu tấn tại tháng 1/09. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 16 năm qua, vì từ năm 1993 đến nay, sản lượng cao su thế giới mới giảm 2,6%.

Nguồn cung suy giảm

Hiện nay, có 7 nước sản xuất cao su lớn trên thế giới gồm: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Sri Lanka, với tổng sản lượng cao su chiếm gần 94% tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn thế giới đều có sản lượng giảm. Sản lượng cao su năm 2009 của những nước này sẽ giảm 3,2% so với năm 2008. Nguyên nhân một phần do việc chủ động cắt giảm sản lượng để nâng đỡ giá cao su, phần khác do thời tiết bất lợi, giảm diện tích thu hoạch, tranh thủ trồng mới các vườn cây cao su…

Tại ba nước sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới: Thái Lan, Indonesia và Malaysia, tổng sản lượng cao su tự nhiên của 3 nước này trong 6 tháng đầu năm 2009 lần lượt giảm 12,4%; 6% và 32,6% so với cùng kỳ năm 2008. Việc giảm sản lượng cũng diễn ra tương tự tại các nước sản xuất cao su chính khác trên thế giới trong 9 tháng đầu năm 2009 như Việt Nam giảm 5,8%; Ấn Độ giảm 6,6%; Sri Lanka giảm 3,1%.

Hình 1: Sản lượng cao su tự nhiên của 7 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, 2005-2009*: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Sri Lanka


Nguồn: AGROINFO, tổng hợp theo ANRPC

Giá cao su tăng do triển vọng hồi phục kinh tế

Giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới và giá cao su xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại trong tháng 1 và tháng 2/09 và có sự suy giảm trong tháng 3/09. Tuy nhiên, ngay từ tháng 4/09 cho đến nay, giá cao su đã liên tục trong xu hướng tăng. Khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm kinh tế thế giới được các chuyên gia đánh giá là có những dấu hiệu “thoát đáy”. Tính đến thời điểm cuối tháng 8/09, giá cao su RSS2 (FOB Bangkok) đã đạt mức 1.930 USD/tấn, tăng 14,7% so với tháng trước và tăng 41,6% so với tháng 12/08. Tương tự, giá cao su RSS3 (FOB Bangkok) tháng 8/09, cũng đã đạt mức 2.020 USD/tấn, tăng 15,9% so với tháng 7/09 và tăng 55,6% so với tháng 12/08.

Hình 2: Giá cao su RSS2 và RSS3 (FOB Bangkok), 2007-2009 và giá dầu thô thế giới


Nguồn: AGRODATA, AGROINFO, www.agro.gov.vn

Như vậy có thể thấy, giá cao su liên tục tăng trong ba quý đầu năm 2009 là do tác động của nhiều yếu tố. Trước hết đó là nhu cầu tiêu thụ cao su tăng, trong khi sản lượng cao su thế giới suy giảm. Nhu cầu tiêu thụ cao su tại Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới tăng do nước này muốn tăng lượng dự trữ sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/08. Hơn nữa, chính sách kích cầu cũng như việc Trung Quốc hỗ trợ người dân mua xe tải nhỏ đã làm tăng doanh số bán xe và lốp xe tăng. Cụ thể, doanh số bán xe tại Trung Quốc đã tăng 37% trong tháng 6/09. Phần khác, giá cao su còn được hỗ trợ bởi thông tin từ chính phủ Mỹ về việc doanh số bán xe của ngành công nghiệp ô tô Mỹ có thể sẽ tăng gần 15% trong năm 2010, chấm dứt 4 năm liên tiếp sụt giảm.

Đặc biệt, giá cao su đang theo xu hướng tăng giá của giá dầu và những hàng hóa khác. Giá dầu thô tính đến hết tháng 8/09 đang ở mức 71,1 USD/thùng, tăng 73,6% so với tháng 1/08. Ngoài ra, theo các số liệu mới được công bố của các tổ chức lớn trên thế giới, kinh tế thế giới có thể đang trên đà hồi phục. Thông tin này đã phần nào tác động đến việc gom hàng, đón trước nhu cầu tăng trở lại của các nhà đầu cơ.

Nhu cầu nhập khẩu cao su tăng, đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu cao su Việt Nam từ thị trường Trung Quốc

Nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên trên thị trường thế giới năm 2009 sẽ giảm khoảng 5,02% so với năm 2008. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên của thế giới đang có những dấu hiệu hồi phục do giá dầu tăng trở lại. Đặc biệt, Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới (chiếm hơn 26% tổng mức tiêu thụ toàn thế giới), dự kiến mức tiêu thụ cao su tự nhiên của nước này năm 2009 sẽ tăng 4,7% so với năm 2008.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác quan trọng trong hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 7 tháng đầu năm 2009, Trung Quốc là nước duy nhất có lượng nhập khẩu cao su từ Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2008. Cụ thể, tổng lượng cao su tự nhiên Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 7 tháng đầu năm 2009 đã đạt 33,6 nghìn tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2008.

Hình 3: Lượng và kim ngạch Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam theo đường chính ngạch, từ tháng 1/2008-tháng 7/2009


Nguồn: AGROINFO, tổng hợp theo số liệu GTIS

Nâng thuế xuất khẩu: nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc sẽ giảm?

Với quyết định nâng mức thuế suất cho mặt hàng lốp ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc lên 35% (sẽ có hiệu lực từ ngày 26/9/09) thay cho mức 4% như hiện nay được đánh giá là sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất lốp ô tô của Trung Quốc. Hơn nữa, động thái này sẽ có tác động đến thị trường cao su thiên nhiên thế giới, và khả năng sẽ có thể làm giảm nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là đối tác quan trọng nhất của xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội cao su Trung Quốc (tháng 6/09), thì tiêu thụ cao su tự nhiên của Trung Quốc năm 2009 dự kiến ở mức 2,65 triệu tấn, tăng 4,7% so với năm 2008. Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định đánh thuế của chính phủ Mỹ được công bố, Hiệp hội cao su Trung Quốc đã đưa ra con số dự báo mới, với mức nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm khoảng 250 nghìn tấn so với mức dự báo 2,65 triệu tấn trước đó.

Triển vọng xuất khẩu cao su Việt Nam những tháng cuối năm 2009

Báo cáo ngành cao su Việt Nam quý II/2009 của AGROINFO nhận định với những dự báo về khả năng kinh tế thế giới đang dần ổn định nhờ những chính sách hỗ trợ tài chính và kinh tế vĩ mô cũng như tác động của các gói kích cầu lớn của chính phủ các nước, kéo theo đó sẽ là tín hiệu cho sự hồi phục của giá dầu, tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô…Điều này sẽ có những tác động tích cực nhất định đối với thị trường cao su. Nếu cộng thêm yếu tố cung, cầu như việc nguồn cung suy giảm, trong khi nhu cầu vững từ Trung Quốc, cũng như nhu cầu gom hàng, thu mua cao su tự nhiên tăng trở lại…sẽ là những yếu tố nâng đỡ giá cao su không tiếp tục giảm và sẽ trong xu hướng tăng nhẹ trong những tháng cuối năm 2009.

Về mặt thị trường, việc đánh thuế của Mỹ đối với lốp xe của Trung Quốc sẽ có những ảnh hưởng đến xuất khẩu cao su của Việt Nam. Thực tế cho thấy, một trong những điểm yếu của thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam là chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Do đó, khi Trung Quốc có những tác động thay đổi về cơ chế, chính sách thì nhu cầu nhập khẩu cao su Việt Nam từ Trung Quốc cũng như giá nhập khẩu sẽ có những biến động theo. Chính vì vậy, với chính sách thuế của Mỹ mới được công bố sẽ có phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cao su Việt Nam từ Trung Quốc. Nói cách khác, ngành xuất khẩu cao su Việt Nam, cụ thể hơn là xuất khẩu cao su Việt Nam trong quý IV/09 có thể sẽ không đạt được mức cao như mong đợi trước đây.

Các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản mặc dù có sự suy giảm về nhu cầu nhập khẩu cao su của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2009 nhưng với những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục kinh tế, những tháng cuối năm 2009 sẽ có sự tăng trưởng về nhu cầu cao su trở lại từ những thị trường này.



- /AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường