Trong tháng 11 vừa qua, Công ty Kiều hối Đông Á (thuộc Ngân hàng Đông Á - EAB) đưa ra dự báo khá lạc quan về lượng kiều hối chuyển về trong năm nay; đặc biệt trong những tháng cuối năm, với mức tăng sẽ lên tới 50%.
Công ty Kiều hối Đông Á, hiện đang chiếm 25% thị phần trên thị trường, dự kiến cũng sẽ đạt doanh số 780 triệu USD, tăng 15% so với năm 2005. Nếu tính theo thị phần và doanh số của Kiều hối Đông Á, lượng kiều hối chuyển về năm nay sẽ đạt ít nhất trên 3,2 tỷ USD. Và một con số khác được đề cập trong thời gian gần đây là 4 tỷ USD.
Ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Kinh tế Khoa học và Công nghệ (Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài), nói với VnEconomy rằng năm nay con số đó nhiều khả năng sẽ đạt trên 4 tỷ USD; vì trong năm 2005, lượng kiều hối chuyển về đã đạt tới 4,29 tỷ USD và năm nay lại có thêm nhiều thuận lợi mới.
Kiều hối là một nguồn lực lớn và gần như tăng liên tục trong thời gian qua (năm 1991 có 35 triệu USD, năm 1992 có 136,6 triệu, năm 1993 có 141 triệu, năm 1994 có 249,5 triệu, năm 1995 có 285 triệu, năm 1996 có 469 triệu, năm 1997 có 400 triệu, năm 1998 có 950 triệu, năm 1999 có 1.200 triệu, năm 2000 có 1.757 triệu, năm 2001 có 1.820 triệu, năm 2002 có 2.200 triệu, năm 2003 có 2.600 triệu, năm 2004 vượt 3.800 triệu USD, gấp 85,7 lần năm 1991, tăng tới 40,8%/năm - một tốc độ tăng gần như không có chỉ tiêu nào đạt được trong thời gian tương ứng).
Nếu tính cả lượng kiều hối dự kiến năm nay, thì tổng cộng trong 16 năm, từ 1991 đến 2006, đã có hơn 23 tỷ USD kiều hối chuyển về Việt Nam, bằng khoảng 60% tổng vốn FDI thực hiện tính từ năm 1988.
Theo ông Ngọc, bên cạnh cơ chế thông thoáng trong những năm gần đây (đặc biệt là việc bỏ thuế đối với nguồn thu này), năm 2006, Việt Nam đã có nhiều thay đổi quan trọng thuận lợi cho việc thu hút các nguồn vốn đầu tư và cả thuận lợi cho nguồn kiều hối.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức thành công APEC 2006, hình ảnh Việt Nam ngày càng nổi bật hơn trên thế giới. Đây là sự hỗ trợ gián tiếp đối với hiệu quả lao động của người Việt Nam ở nước ngoài. Hình ảnh Việt Nam tốt hơn, giá trị lao động của người Việt Nam đang và sẽ được đánh giá cao hơn.
“Nếu nhìn vào sự chuẩn bị của các ngân hàng, các công ty kiều hối trong thời gian vừa qua và hiện nay thì có thể thấy kiều hối năm nay sẽ khả quan hơn”, ông Ngọc nói.
Ngay từ tháng 10/2006, các dịch vụ chuyển tiền trong và ngoài nước đã bắt đầu sôi động. Ngoài Kiều hối Đông Á với vị trí dẫn đầu trên thị trường, các ngân hàng thương mại đã bắt đầu chú trọng đầu tư cho dịch vụ này. Ngân hàng Công thương (Incombank) triển khai nhận kiều hối qua hệ thống thẻ E-Partner; Ngân hàng Wells Fargo & Co tại Mỹ thiết lập kênh chuyển tiền về Việt Nam; Ngân hàng Quốc tế (VIB Bank) kịp thời thiết lập quan hệ với các đối tác mới…
Ông Trịnh Thanh Bình, Phó tổng giám đốc VIB Bank, cho biết chỉ sau một năm tham gia thị trường kiều hối, ngân hàng đã có quan hệ với 8 đối tác chuyển tiền trên toàn thế giới. Là một đầu mối mới nhưng tốc độ tăng doanh số kiều hối qua VIB Bank đã có mức khá mạnh, từ 30 – 40% mỗi tháng.
Ông Bình cũng cho rằng con số trên 4 tỷ USD kiều hối năm nay là hiện thực. Đó là con số chính thức qua hệ thống ngân hàng và các công ty kiều hối, chưa tính đến các kênh khác.
Hiện tại, lượng kiều hối qua các kênh của VIB Bank cũng như một số đầu mối khác tập trung chủ yếu từ Mỹ, Nga, Anh và Australia. Ngoài ra, đại diện một số ngân hàng cho biết những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về còn được hỗ trợ từ những thị trường mới như Đài Loan, Hàn Quốc, những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam trong thời gian qua.
Thêm thị trường mới, kiều hối càng có thêm thuận lợi để tăng mạnh. Nhưng, theo quan điểm của ông Tạ Nguyên Ngọc, “đó là nguồn ngoại tệ quan trọng đối với kinh tế trong nước, là công sức lao động của người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng sẽ ý nghĩa hơn nếu nó có chiều sâu đầu tư. Tức là người nhận tiền có đầu tư vào nền kinh tế hay không?”.
Ông Ngọc đưa ra một con số đáng chú ý (được đề cập tại một hội nghị đầu tư diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 9 năm nay): Trong số 4,29 tỷ USD kiều hối năm 2005, chỉ có chưa đến 1 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế.