Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá "tử thần"
21 | 10 | 2009
Cá nóc - loài được mệnh danh là cá "tử thần" vì đã gây ra không ít cái chết thương tâm thời gian qua - đang được các nhà nhập khẩu nhiều nước tìm tới đặt hàng.

Sau một số tỉnh miền Trung, tỉnh Kiên Giang cũng vừa có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công thương trình Chính phủ cho thực hiện thí điểm khai thác, thu gom, chế biến và bảo quản cá nóc để xuất khẩu. Loại cá "tử thần" vốn bị cấm dùng làm thực phẩm nay bỗng nhiên có đầu ra đầy hứa hẹn. Ngư dân và các doanh nghiệp thu mua, chế biến hải sản ở Kiên Giang - tỉnh có sản lượng đánh bắt cá biển lớn nhất nước - đang rất phấn khởi trước thông tin này.

Thị trường cá nóc chợ đen

Theo ông Phạm Minh Tâm, Phó chánh tranh tra Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, tỉnh này thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện người ăn cá nóc bị ngộ độc. Trong đó có nhiều ngư dân thừa kinh nghiệm nhưng lại chủ quan. Ông Tâm cho biết, từ đầu năm trở lại đây, Thanh tra y tế tỉnh cùng với lực lượng chuyên ngành phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển, sơ chế cá nóc với khối lượng lớn. Tổng cộng đã có trên 48 tấn cá nóc bị tịch thu, tiêu hủy ở Kiên Giang. Chủ của số cá này khai rằng họ mua cá nóc về làm thức ăn nuôi cá bè. Tuy nhiên, theo ông Tâm, có tin nhiều nơi đã lén lút thu mua cá nóc để sơ chế rồi bán cho bạn hàng Trung Quốc.

Ông Nguyễn Hữu Vĩnh, chủ cơ sở chế biến thủy hải sản Vĩnh Trang (ấp Tân Điền, xã Mỹ Lâm, Hòn Đất, Kiên Giang) thừa nhận với Thanh Niên rằng, do có nhà xưởng rộng, trước đây ông đã từng cho bạn hàng người Trung Quốc thuê mặt bằng để chế biến hải sản. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra đột xuất, ông mới té ngửa khi biết đối tác đã mua cá nóc về để chế biến tại cơ sở của ông. Ngoài chỗ ông Vĩnh, nhiều nơi khác rải rác ở  Kiên Giang như Châu Thành, Hòn Đất, Rạch Giá cũng bị phát hiện chế biến cá nóc bất hợp pháp. Trong đó, một số lượng không nhỏ được trung chuyển từ Tắc Cậu (H.Châu Thành, Kiên Giang) - cảng cá lớn nhất khu vực ĐBSCL. Một chủ vựa thu mua hải sản tại cảng Tắc Cậu cho biết, số cá nóc bị cơ quan chức năng phát hiện chỉ là phần nhỏ. Ông này ước tính, mỗi ngày có hàng chục tấn cá nóc, thậm chí lúc vào mùa có trên 100 tấn cá nóc được giao dịch tại cảng.

Khi cập cảng, cá nóc không được bốc lên ngay như nhiều loại hải sản khác, mà vẫn giữ dưới khoang tàu. Khi thỏa thuận được giá, cá mới được chuyển đi. Nếu bị phát hiện, cá vẫn còn dưới ghe đánh bắt thì chủ ghe chịu, còn khi đã sang phương tiện khác thì người mua chịu tổn thất khi bị tịch thu, phạt.

Cá nóc được đánh bắt nhiều tại vùng biển tiếp giáp với vịnh Thái Lan bởi các tàu hành nghề cào đôi, cào chiếc. Ông C., một chủ thu mua tại cảng Tắc Cậu cho biết, với giá chợ đen là 6.000đ/kg, thì dù cho chở 3 chuyến, bị bắt 2 chuyến vẫn còn lời. Đối với ngư dân đánh bắt cá nóc, mức giá này tuy thấp nhưng "chấp nhận được". Trước đây, khi bắt được cá nóc người ta chỉ trộn lẫn với các loại cá tạp khác để bán cá phân, giá chưa tới 4.000 đồng/kg.

 Mở đường xuất khẩu

Cá nóc đông lạnh

"Nếu được cho phép, tôi sẽ mua cá nóc với giá 10.000 đồng/kg", ông Cao Hương Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Mai Sao, có trụ sở tại cảng Tắc Cậu tuyên bố. Hai tháng trước, doanh nghiệp của ông Thiên đã gửi tờ trình lên các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang để xin được triển khai thí điểm xuất khẩu cá nóc đông lạnh sang Hàn Quốc.

Ông Thiên cho rằng, vì cá nóc bị cấm mua bán nên ngư dân phải bán "chui" với giá rẻ. Cũng theo ông Thiên, có đối tác Hàn Quốc đến khảo sát nguồn cá nóc ở Kiên Giang và đặt vấn đề thu mua cá nóc với doanh nghiệp của ông. Nếu được phép, phía Hàn Quốc cam kết sẽ cử chuyên gia sang tận nơi để giúp phân loại, chế biến, kiểm soát..., bảo đảm an toàn.

Mai Sao là doanh nghiệp đầu tiên ở Kiên Giang chính thức đề đạt nguyện vọng cho chế biến, xuất khẩu cá nóc. Trước đó, một số tỉnh miền Trung như Nghệ An, Bình Định đã trình Chính phủ xin phép khai thác, chế biến, xuất khẩu cá nóc. Từ năm 2004 đến 2008, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (NAFIQAD), Bộ NN-PTNT cử nhiều chuyên gia Hàn Quốc sang Việt Nam để hướng dẫn phân loại, định danh, chế biến... cá nóc cho cán bộ, kỹ thuật viên, công nhân tại Nghệ An và Bình Định. NAFIQAD cũng đã cấp chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho 3 lô hàng cá nóc nguyên con đông lạnh cho các doanh nghiệp tại Bình Định và Nghệ An xuất khẩu thí điểm sang Hàn Quốc.

Tiếp đến, cuối tháng 5.2009, Bộ NN-PTNT đã chủ trì một hội nghị thí điểm khai thác, thu gom, chế biến và xuất khẩu cá nóc. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương đã đánh giá "cá nóc là nguồn lợi quan trọng cần được khai thác và sử dụng có hiệu quả". Bộ này cũng đã giao Hội nghề cá Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ để xây dựng đề án tổng thể về khai thác, thu gom, chế biến, xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để trình Thủ tướng. Nhiều tỉnh như Nghệ An, Bình Định, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kiên Giang được lựa chọn để thực hiện đề án này.

Theo Viện thông tin khoa học và kỹ thuật Canada - CISTI, trên thế giới bộ cá nóc Tetraodoniformes có 9 họ, gồm 425 loài, thuộc 103 giống.

* Vùng biển Việt Nam có gần 70 loài cá nóc, trữ lượng ước tính khoảng 37.000 tấn. Trong đó khoảng 20 loài có thể khai thác xuất khẩu.

* Chất tetrodotoxin trong cá nóc có độc lực cao gấp 1.200 lần xyanua. Tuy nhiên, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu bữa ăn tối khắp toàn cầu sử dụng loại cá này.

* Ở Việt Nam, do có nhiều trường hợp ăn cá nóc bị ngộ độc, nên ngày 25.5.2003, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành lệnh cấm khai thác, chế biến, tiêu thụ loài cá này dùng làm thực phẩm.



Theo www.thanhnien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường