Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mía đường tăng giá, ai được lợi?
23 | 10 | 2009
Giá mía nguyên liệu tăng giúp người trồng mía có lãi nhưng cũng là cơ hội để thương lái, nhà đầu cơ lũng đoạn thị trường

Gần 2 tháng nay, giá đường liên tục tăng và đứng ở mức rất cao. Hiện tại, dù đang trong vụ mía đường nhưng giá đường trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Giá bán buôn đường tinh luyện của các nhà máy hiện nay dao động từ 14.200 đồng - 14.500 đồng/kg, tăng 300 đồng - 700 đồng/kg so với đầu tháng 10-2009. Giá bán lẻ tại các chợ ở TPHCM từ 16.000 đồng- 17.000 đồng/kg, còn tại các trung tâm thương mại, siêu thị là 17.700 đồng- 18.000 đồng/kg.


Giá mía tăng kỷ lục


Hiện tại, giá mía nguyên liệu khu vực ĐBSCL dao động từ 700 đến 780 đồng/kg, cao kỷ lục từ khoảng chục năm nay. Tỉnh Hậu Giang có vùng nguyên liệu mía lớn nhất khu vực ĐBSCL với hơn 15.000 ha, trong đó, huyện Phụng Hiệp là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực hiện nay với hơn 10.000 ha. Chỉ vài tuần qua, giá mía mua tại nhà dân đã tăng từ 700 lên 780 đồng/kg, có nơi mía tốt, giá còn lên đến 850 đồng/kg.

Những hộ dân trồng mía lâu đời ở đây khẳng định: Chưa bao giờ thấy cảnh thương lái ráo riết vô tận nhà dân mua mía như hiện nay. Ông Dương Văn Hùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, nói: “Giá mía cả khu vực tăng cao là do diện tích trồng mía giảm mạnh sau 3 vụ liên tiếp thua lỗ. Chỉ riêng huyện Phụng Hiệp, năm 2000, vùng nguyên liệu này có khoảng gần 20.000 ha thì nay chỉ còn hơn phân nửa. Vì vậy, khi các nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, giá đường lại đang tăng cao... thì giá mía phải tăng theo”.


Tuy nhiên, người được hưởng lợi nhiều không phải là người trồng mía mà chính là giới thương lái. Ông Trần Văn Minh (ở Bến Tre), một thương lái có thâm niên hơn 7 năm trong nghề, đang mua mía tại vùng nguyên liệu huyện Phụng Hiệp, tiết lộ: Năm nào cũng vậy, hầu hết thương lái đều phải đặt cọc trước với dân để có mía giao cho nhà máy.


Thu hoạch mía ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: L.PHÚC


Nhưng năm nay, đa số thương lái đặt cọc giữ mía trước rồi mới gọi điện ra giá với nhà máy. Giới am hiểu thị trường mía đường khu vực phía Nam nhận xét: Hiện giới thương lái ĐBSCL đã “ôm” ít nhất 60% diện tích mía đang chờ thu hoạch trong dân bằng cách “đặt cọc giữ chỗ” nên họ rất dễ làm giá. Mức giá họ cam kết mua với nông dân thường dao động từ 700 – 750 đồng/kg (loại mía ROC14), trong khi đó, đại diện một số nhà máy đường lớn ở khu vực cho hay hiện thương lái đang chào bán với giá 800 đồng/kg. Thậm chí, một số nhà máy cạn nguyên liệu, cánh thương lái còn hợp nhau nâng giá lên đến 850 đồng/kg...


Trước tình hình trên, một số nhà máy áp dụng cách đưa ghe vào tận nhà dân thu mua mía, nhưng cũng không mấy hiệu quả vì không nhà máy nào đủ đội ghe để thu mua hàng trăm tấn/ngày. Hơn nữa, lượng mía trong tay thương lái đã rất lớn nên họ vẫn găm hàng nhằm nâng giá cao hơn.


Đường Thái tràn sang


Các nhà máy đường cho biết họ không có đủ mía nguyên liệu nên phải hoạt động cầm chừng. Bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Mía đường Long Mỹ Phát (Cần Thơ), cho hay: Với mức giá mía bị đẩy lên quá cao như hiện nay, nhà sản xuất sẽ không có lãi, khó cạnh tranh với đường nhập lậu từ Thái Lan.


Thực tế cũng cho thấy, giá  đường trong nước đang ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg, trong khi đó, giá đường Thái Lan quy đổi hiện chỉ ở mức 7.000 – 8.000 đồng/kg nên đường nhập lậu đang tràn qua biên giới nhiều địa phương. Theo một người dẫn đường đưa khách sang chợ gò Tà Mau, đối diện thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, mùa nước nổi rất thuận lợi cho cánh buôn lậu, nhất là đường cát Thái Lan.

Hiện nay, đầu nậu tải đường cát bằng ghe bầu qua các ngả Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang theo đường sông về Châu Đốc. Để tránh các lực lượng chống buôn lậu, hầu hết ghe chở đường lậu đi vào ban đêm, mỗi ghe khoảng 80 - 90 tấn, khoảng trên 10 ghe/đêm. “Với giá đường cát ngoài thị trường tăng cao như hiện nay, buôn lậu đường cát Thái Lan trên tuyến biên giới sẽ diễn biến hết sức phức tạp”- một cán bộ chống buôn lậu nhận định. 

Cần cơ  cấu lại ngành mía đường

Nhiều nhà máy cho biết do thiếu nguyên liệu nên hiện nay họ chỉ hoạt động hơn nửa công suất và hoạt động này cũng chỉ có thể kéo dài khoảng một tháng nữa. Hiện thương lái đang neo ghe chờ nhà máy chủ động gọi điện “cầu cứu”. Đã có nhà máy không còn cầm cự nổi, quay sang đàm phán với thương lái, chấp nhận mua giá cao, chạy lỗ để quay vốn...


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mía đường Cần Thơ (CASUCO), đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu hơn 13.000 ha nguyên liệu. Các nhà máy có vùng nguyên liệu ổn định sẽ ít gặp khó khăn hơn. Song hiện nay trong toàn khu vực chưa có đơn vị nào làm được điều đó.

Thậm chí có nhà máy còn không thèm ký bao tiêu một cây mía nào với nông dân. Khi thiếu mía, họ sẵn sàng nhờ thương lái chạy khắp nơi lùng sục, mua mía nguyên liệu ngay trong vùng bao tiêu của nhà máy khác...

Đại diện nhiều nhà máy cho rằng: Nếu không có sự tính toán, cơ cấu lại, các nhà máy đường trong khu vực sẽ vẫn tiếp tục tranh giành nhau và tự đặt mình vào thế bí. Đây chính là bi kịch của ngành mía - đường nước ta.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường