Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vị chát của trà xuất khẩu
27 | 10 | 2009
Tuy đóng góp khiêm tốn trong hoạt động xuất nhập khẩu hằng năm, trà Việt Nam hiện nay, với kim ngạch chưa đến 400 triệu USD, vẫn được xem là sứ giả văn hóa ẩm thực phương Đông.

Mặt khác, không ít chuyên gia quốc tế đánh giá chất lượng của một số nhà máy trà có đầu tư tốt tại Việt Nam không hề thua kém so với sản phẩm cùng loại từ các nước có công nghiệp chế biến và xuất khẩu trà hàng đầu như Ấn Độ, Kenya, Sri-Lanka…

Thế nhưng đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa tận dụng triệt để ưu thế của một sản phẩm xuất khẩu hiện đứng hàng thứ năm thế giới, không chỉ do yếu kém về tiếp cận thị trường mà còn do nhiều nguyên nhân khác.

Lượng tăng, giá giảm

Nếu từ trước năm 1993, trà Việt Nam chỉ mới xuất khẩu sang ba nước Nga, Anh và Trung Quốc thì nay thị trường tiêu thụ đã mở rộng lên 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thị trường nhập khẩu trà của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh bao gồm Nga, Pakistan, Indonesia, Trung Quốc lục địa và Đài Loan.

Theo quy hoạch, đến năm 2010 cả nước sẽ có 100.000 hecta, nhưng đến nay diện tích trồng trà đã đạt 131.000 hecta và theo đà này thì đến 2015 sẽ tăng lên 150.000 hecta.

Trong chín tháng đầu năm 2009, sản lượng xuất khẩu trà ước đạt gần 100.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008; kim ngạch xuất khẩu 126 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là giá trà xuất khẩu lại liên tục giảm dần trong suốt 10 năm qua. Tại thời điểm năm 1998, giá xuất khẩu trà Việt Nam ngang với tám trung tâm đấu giá lớn trên thế giới. Đến năm 2009, trong khi giá thế giới tăng trên 15% so với thời điểm 1998 thì giá trà xuất khẩu của chúng ta chỉ còn khoảng 80% giá trị.

Cụ thể giá bình quân của trà Việt Nam vào năm 2008 là 1,8 USD/kg nhưng hiện nay chỉ đạt từ 1,2 đến 1,3 USD/kg mà thôi, trong khi giá bình quân trà nguyên liệu trên thị trường thế giới hiện là 2,2 USD/kg. Nếu so với Sri-Lanka đang bán với mức từ 2,4 đến 2,6 USD/kg, thì rõ ràng giá xuất khẩu trà của nước ta chỉ bằng một nửa.

Vì đâu nên nỗi?

Đơn giản, hiện 95% khối lượng trà nước ta được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô và chỉ 5% dưới dạng thành phẩm. Chênh lệch giữa giá bán thành phẩm và nguyên liệu là rất lớn, gấp từ năm đến mười lần. Chẳng hạn một số khách hàng tại Anh mua trà nguyên liệu của Việt Nam chỉ với giá 1,3 USD/kg, nhưng sau khi chế biến thành phẩm họ bán với giá 9,8 USD/kg.

Ngoài ra, cũng phải đề cập đến quy trình canh tác trà còn có vấn đề, rất nhiều nông dân lẫn doanh nghiệp của chúng ta lại lạm dụng thuốc kích thích để trà tăng trưởng nhanh, làm ảnh hưởng chất lượng trà.

Bà Salwa Dogheim, chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng trà cho biết, thống kê tại một nhà xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm 2009 đến nay, trong 38 mẫu trà được kiểm nghiệm có tới 27 mẫu không đạt tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu, về kim loại nặng…

Đó là chưa kể giới kinh doanh nước ngoài vào Việt Nam luôn chọn nơi nào bán rẻ để mua hầu kiếm lãi cao, còn các doanh nghiệp trong nước thì tranh nhau bán được càng nhiều càng tốt mà ít quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta có đến gần 700 nhà máy chế biến trà, chưa kể hàng vạn lò chế biến thủ công, trong khi với diện tích trồng trà hiện nay thì chỉ cần khoảng 200 nhà máy mà thôi. Điều này dẫn đến tình trạng có những vùng nguyên liệu chỉ đủ cung cấp cho một nhà máy nhưng có tới cả chục đơn vị tranh mua, vừa gây lãng phí đầu tư vừa tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Rồi các nhà máy do thiếu nguyên liệu nên phải quơ quào tứ tung để có hàng sản xuất, cũng là nguyên nhân đưa đến chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến uy tín của trà Việt Nam.

Để tìm lại giá trị đích thực cho trà Việt Nam

Ở nước ta cây trà đã được trồng tại 34 tỉnh và thu hút khoảng sáu triệu lao động. Chúng ta đang phấn đấu vào năm 2015 sẽ xuất khẩu 200.000 tấn trà/năm và đạt kim ngạch 400 triệu USD.

Muốn đạt mục tiêu ấy thì trước hết cần phải kiểm soát bằng được chất lượng sản phẩm.

Theo các chuyên gia, nếu phát triển được những giống trà mới đạt năng suất khoảng 12 tấn búp tươi/ha, tương đương với 2,5 tấn khô/ha, và giá xuất khẩu được cải thiện thì trà hoàn toàn có thể trở thành loại cây giúp xóa đói giảm nghèo.

Để làm được điều này, rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước do ngành trà hiện nay không chỉ thiếu về vốn để phát triển vùng nguyên liệu, mà máy móc và trang thiết bị chế biến lại vừa lạc hậu vừa không đồng bộ. Thêm vào đó, cần giúp cho người nông dân có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ cây trà.

Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, từng đề xuất ngành trà nên hướng đến việc xây dựng theo mô hình “nhà máy của nông dân, nông dân có nhà máy” để quyền lợi của người sản xuất và nhà chế biến gắn kết chặt chẽ với nhau. Điều này sẽ giúp tạo ra những sản phẩm trà mang thương hiệu Việt Nam thay vì phải bán nguyên liệu thô như hiện nay.

Trước đây, Nhà nước đã đồng ý cho ngành trà Việt Nam xây dựng thương hiệu quốc gia Cheviet. Chương trình được vận động trên phạm vi toàn quốc và đến nay thương hiệu Cheviet đã được đăng ký bảo hộ ở 77 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có gần 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia sản xuất trà theo đúng tiêu chuẩn của Cheviet.

Một hội nghị xúc tiến thương mại ngành trà lần thứ nhất đã được tổ chức vào hai ngày 15 và 16/10 vừa qua, đây là cơ hội để quảng bá trà Việt Nam với thế giới, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư và tìm phương hướng nâng cao giá trị trà Việt Nam.

Hướng đến tương lai

Theo dự báo của FAO, trong giai đoạn 2009-2010, nhập khẩu trà đen thế giới ước tính khoảng 1,15 triệu tấn, mức tăng trung bình khoảng 0,6%/năm. Các nước nhập khẩu chính như Anh, Nga, Pakistan, Mỹ, Nhật Bản… sẽ chiếm khoảng 60% tổng lượng nhập khẩu trà toàn thế giới vào năm 2010.

Tại thị trường Mỹ, mặc dù kinh tế đang trong thời kỳ suy giảm nhưng tiêu thụ trà chẳng những không giảm mà còn tăng mạnh, bởi người tiêu dùng đang chuyển từ những thức uống đắt tiền như cà phê, nước trái cây sang các sản phẩm rẻ hơn như trà. Kể cả tại thị trường châu Âu, các nước Đức, Anh, Nga đều có xu hướng tăng nhu cầu tiêu dùng trà trong thời gian tới.

Những dự báo trên đây cho thấy một tương lai sáng sủa cho ngành trà Việt Nam. Vấn đề còn lại là sự cố gắng tự thân của chúng ta.

Hiệp hội Chè Việt Nam cùng với Công ty tư vấn Landell Mills Limited cũng đã tiến hành một nghiên cứu khả thi về việc thành lập sàn đấu giá trà ở Việt Nam, do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ. Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, dự án cần bắt đầu ngay vào năm 2010.

Phân tích tình hình ngành công nghiệp trà Việt Nam trong hơn 20 năm qua, ông Lain Lang, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng việc thiếu một sàn đấu giá trà dẫn đến các nhà máy không xác định được giá trị sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước bị khách hàng nước ngoài ép giá.

Tuy nhiên, để xây dựng thành công sàn đấu giá trà tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đặc biệt cảnh báo nếu không có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng được các quy định của thị trường nhập khẩu, thì trà Việt Nam vẫn khó có thể xây dựng được uy tín và thương hiệu.



Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Báo cáo phân tích thị trường