Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu gạo: Hạn chế "tay không bắt giặc"?
17 | 11 | 2009
Điều kiện của dự thảo đòi hỏi vốn đầu tư rất cao, nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

Dự thảo nghị định kinh doanh, xuất khẩu gạo đang được Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng việc ra đời của nghị định nhằm ổn định thị trường xuất khẩu gạo là cần thiết nhưng với một số điều khoản mà dự thảo đưa ra phần nào hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu gạo quy mô vừa và nhỏ nhưng có đủ thực lực.

Doanh nghiệp nhỏ hết cửa làm ăn

Có lẽ điều tranh cãi nhiều nhất và cũng có ý kiến trái ngược nhất là điều kiện để được xuất khẩu gạo gồm: kho chứa, nhà máy xay xát, máy sấy và lượng gạo dự trữ lưu thông và khi ký hợp đồng. Tại hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo vừa diễn ra ngày 14-11 tại TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp lớn đều cho rằng kinh doanh xuất khẩu gạo nhất thiết phải có kho chứa để mua lúa gạo của dân. Doanh nghiệp nào không đáp ứng được điều kiện này sẽ không được kinh doanh.

Thậm chí GS Võ Tòng Xuân, một người có rất nhiều tâm huyết với nền nông nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có kho dự trữ 10.000 tấn thay cho 5.000 tấn quy định như trong dự thảo. Cơ sở chế biến gạo cũng phải đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, doanh nghiệp phải ký hợp đồng mua nguyên liệu gạo của nông dân và phải tự mình xây dựng từng thương hiệu gạo cụ thể.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, dự thảo cần phải nói rõ kho bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp chứ không phải đi thuê. Việc dễ dãi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã dẫn tới tình trạng thời gian qua có một số doanh nghiệp bán dưới giá sàn (kể cả thị trường tập trung) mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quy định. Điều này gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp làm ăn bài bản

Doanh nghiệp nhỏ có cách làm riêng

Có ý kiến cho rằng các điều kiện xuất khẩu gạo như kho chứa, máy sấy, nhà máy xây xát... làm hạn chề doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa. Ảnh: CTV

Ông Võ Thành Đô, Giám đốc Công ty Lương thực Phú Thọ, cho rằng một số điều kiện quá khắt khe của dự thảo chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn mà không chú y tới doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Đô, nên điều chỉnh điều kiện kho chứa xuống 3.000 tấn là vừa.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng hãy để vai trò của thương mại đúng vị trí của nó trong việc kinh doanh xuất khẩu gạo. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ có phân khúc thị trường riêng và chính số doanh nghiệp này trong thời gian qua góp phần làm đa dạng hóa thị trường.

Theo ông Long, với những quy định mà dự thảo đưa ra sẽ đẩy doanh nghiệp nhỏ tới chỗ khó khăn và trên thị trường sẽ kém đi tính cạnh tranh. Điều kiện của dự thảo đòi hỏi vốn đầu tư rất cao mà nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Hiện nay để đầu tư kho bãi có thể chứa 5.000 tấn gạo (bao gồm dây chuyền, nhà máy chế biến), doanh nghiệp cần phải đầu tư một số vốn tương đối lớn, tới 25-35 tỷ đồng. “Nên chăng cơ quan quản lý hạ bớt tiêu chí và nên kéo dài thời gian áp dụng của dự thảo để tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo. Có thể có quy định doanh nghiệp nếu không có kho bãi chỉ được xuất khẩu với lượng bao nhiêu. Để tránh tình trạng tranh mua tranh bán như hiện nay thì nhà nước cần quản lý giá sàn cho chặt” - ông Long gợi ý.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo (xin giấu tên) cho biết nếu nói doanh nghiệp gạo nhỏ “tay không bắt giặc” hay “chỉ bỏ nước bọt để buôn gạo” là không đúng. Các công ty nhỏ khi mua gạo cũng phải ứng trước cho bên cung cấp 80%-90% giá trị khi ký hợp đồng gạo, số còn lại sẽ được giao sau khi nhận hàng. Trong khi đó, muốn xuất khẩu doanh nghiệp nhỏ cũng phải mất từ 30 đến 45 ngày mới nhận được tiền từ đối tác nhập khẩu. Cho nên dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn khi muốn xuất khẩu gạo phải có sẵn một lượng vốn để quay vòng.

Nói về sức cạnh tranh hiện nay thì các doanh nghiệp nhỏ đã kém sức cạnh tranh so với doanh nghiệp lớn. Do đó, doanh nghiệp nhỏ phải nỗ lực hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường và chỉ nhắm đến những thị trường mà doanh nghiệp lớn đang bỏ trống. Hiện 65% lượng gạo luân chuyển trên thị trường thế giới đều thông qua các công ty thương mại mà không cần phải có kho bãi nhưng đổi lại họ có tiềm lực về vốn, khả năng thương thảo tốt cùng với thị trường đầu ra ổn định.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mê Kông (Cần Thơ), tán thành nên bỏ quy định về điều kiện kho bãi. Ngoài ra, nên rút lượng dự trữ từ 20% như dự thảo quy định xuống còn 10%. Lý do Việt Nam là nước sản xuất lúa liên tục và quanh năm, chưa kể ngoài dự trữ của doanh nghiệp còn có thêm kho dự trữ quốc gia vấn đề an ninh lương thực sẽ được bảo đảm. Chưa kể những điều khoản mà dự thảo đưa ra cần được áp dụng từ từ, tránh gây sốc cho doanh nghiệp.

Dự thảo nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo quy định: Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa gạo; dự trữ 20% số lượng gạo đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó. Ngoài ra, doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu khi có trong kho ít nhất 50% lượng gạo dự tính xuất khẩu.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường