Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều mặt hàng lại bước vào đợt tăng giá mới
16 | 12 | 2009
Hôm qua, Vissan đã tăng giá 33 mặt hàng các loại. Tính đến nay, chỉ riêng tại các siêu thị trên địa bàn TP.HCM đã có khoảng 500 mặt hàng tiêu dùng áp dụng mức giá mới.

Những mặt hàng tăng giá mạnh nhất thời gian gần đây chủ yếu rơi vào loại hàng tiêu dùng thường xuyên như thực phẩm, nước giải khát, thực phẩm chế biến… Trong đó có mặt hàng đã tăng tới 85% so với tết năm ngoái.

Đã tăng rồi, tiếp tục tăng nữa

Từ ngày 15.12, công ty Vissan áp dụng giá mới cho 13 mặt hàng đồ nguội, bảy mặt hàng giò và 13 mặt hàng đồ hộp, với mức giá tăng khoảng 500 – 5.000 đồng/hộp hoặc gói. Tính bình quân giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 5%. Lý do tăng giá, theo thông báo của công ty là “do giá cả nguyên liệu thị trường tăng nhanh”.

Trong nhóm hàng thực phẩm mà nhu cầu tiêu dùng tết sẽ tăng mạnh, thì nước ngọt đã tăng thêm khoảng 4.000 đồng/thùng (tăng gần 3%), bia tăng 15.000 đồng/thùng (khoảng 5 – 7%). Mức giá hàng tết 2010 của công ty Kinh Đô tăng khoảng 10% so với dịp tết trước.

Giá đường bán lẻ trên thị trường hiện nay đã vọt lên mức 19.500 đồng/kg. Như vậy, so với tháng 10.2009, giá đường đã tăng 17%, còn với thời điểm tết năm ngoái tăng trên 85%. Trong khi đó, theo một số hộ tiêu thụ, đường chiếm đến 20% trong cơ cấu giá thành của các mặt hàng bánh, chiếm 30% trong các mặt hàng nước giải khát có đường, chiếm 70 – 80% các mặt hàng mứt, kẹo… nên sẽ kéo theo hàng trăm sản phẩm khác tăng giá từ 5 – 30%.

Cụ thể, ngay từ đầu tháng 12.2009 này, Vinamilk tăng ba sản phẩm là sữa bột, sữa đặc có đường và sữa chua với mức 6% với lý do giá đường tăng. Tháng tới, Hancofood cũng tăng giá sữa khoảng 10 – 15% với lý do giá sữa nguyên liệu nhập tăng 50% so với năm ngoái. Riêng với sữa nước, công ty Vinamilk tuyên bố không tăng giá, nhưng giá bán lẻ trên thị trường đã tăng bình quân 1.000 đồng/hộp 1 lít hoặc lốc bốn hộp nhỏ. Dầu ăn tăng 2.000 đồng/chai, tính trên giá 23.000 đồng/chai, thì giá đã tăng gần 9%.

Nhiều doanh nghiệp nói “buộc phải tăng giá do giá đầu vào tăng”. Tuy nhiên, thịt heo, thịt gà, nguồn nguyên liệu của nhiều loại thực phẩm chế biến không tăng giá, thậm chí đứng ở mức rất thấp kể từ tháng 7 đến cuối tháng 11.2009. Cụ thể, giá heo hơi dao động từ 29.000 – 35.000 đồng/kg, thấp hơn chi phí giá thành đầu vào 2.000 – 5.000 đồng/kg; gà công nghiệp dao động 18.000 – 21.000 đồng, mức giá khiến nông dân lỗ chổng vó.

Giật mình với giá

Tính từ tháng 10 – 12.2009, giá gạo tăng từ 1.000 – 4.000 đồng/kg – tức tăng bình quân 15%. Còn nếu tính xa hơn, so với giá gạo đầu tháng 12.2007: gạo tẻ thường 15% tấm là 6.000 – 6.200 đồng/kg và 25% tấm là 5.600 – 5.800 đồng/kg, jasmin 7.200 đồng/kg, tấm thường 5.800 đồng/kg… thì đến nay giá gạo đã tăng từ 40 – 70% tuỳ loại. Những loại gạo ngon như thơm Thái, thơm Đài Loan, thơm đặc biệt tăng gần gấp đôi (từ 9.500 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg).

Giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới hiện nay khoảng 3.800 – 3.900 USD/tấn, còn khá thấp so với đỉnh 5.400 USD/tấn trong năm 2007. Thế nhưng giá bán lẻ sữa bột, sản phẩm từ sữa các loại đã tăng so với đỉnh điểm giá sữa thế giới từ 10 – 40%. Tương tự như vậy, giá dầu ăn đang quay trở lại mức đỉnh của cơn sốt nguyên liệu trên thế giới.

Tính đến nay, đã có khoảng 500 mặt hàng tiêu dùng ở các siêu thị áp dụng mức giá mới. Trong đó tăng giá chủ yếu rơi vào loại hàng tiêu dùng thường xuyên như thực phẩm, nước giải khát, thực phẩm chế biến với mức tăng khoảng 5 – 10%… Nhóm hàng gia dụng nhựa, nhôm, inox cũng nhích giá thêm 2 – 3%.

Nhiều gia đình cho biết, gánh nặng chi phí tăng gần gấp đôi trong vòng hai năm qua. Trong khi đó, tiền lương không tăng hoặc tăng không tương ứng với giá cả hàng hoá, nên đành phải thắt chặt mức chi tiêu.



Theo www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường