Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa ngoại bán gấp đôi giá nhập
23 | 12 | 2009
Từ cuối năm 2008, giá vốn sữa nhập có xu hướng giảm, thuế nhập khẩu cũng ổn định nhưng giá sữa trên thị trường vẫn không giảm mà luôn ở mức cao

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận đợt thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và thuế tại một số doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sữa. Kết quả thanh tra phần nào lý giải nguyên nhân giá nhiều loại sữa ngoại nhập trên thị trường luôn ở mức cao.

Gấp 1,7-3,2 lần giá nhập

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, Công ty TNHH Nestlé VN bán các loại sữa ngoại thông qua gần 100 nhà phân phối cả nước với giá thường cao gấp khoảng 2 lần so với giá nhập, dao động từ 1,7 đến 3,2 lần.

Sáu tháng đầu năm 2009, giá mua vào theo nguyên tệ của Nestlé VN không tăng mà có xu hướng giảm: Sữa NAN 1NW từ 42,96 euro còn 39,2 euro/thùng; sữa GAU 1 từ 59,16 USD còn 51,22 USD/thùng; sữa Lactogen 1 từ 29,65 USD còn 26,91 USD/thùng; sữa Lactogen 3 từ 52,34 USD còn 47,39 USD/thùng...

Thế nhưng, giá bán ra đối với các mặt hàng này của Nestlé VN vẫn giữ nguyên như thời điểm năm 2008: Sữa Lactogen 3 loại 900 g có giá nhập 66.950 đồng, cộng thuế 5% (3.347 đồng) nhưng giá bán lẻ 131.800 đồng; Nestlé GAU 1 loại 900 g có giá nhập 72.361 đồng, cộng thuế 5%, giá bán 220.000 đồng...

Tại Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition VN (nhập các sản phẩm Enfagrow, Enfakid), giá bán đến nhà phân phối được xác định như sau: Lấy giá vốn cộng thêm 40%-50% lãi gộp, cùng với tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng. Mức chênh lệch giá bán - giá nhập C&F từ 101% đến 211%, chênh lệch giữa giá bán - giá nhập kho từ 96% đến 197%.

Cụ thể, tháng 6-2009, công ty này nhập sữa Enfagrow 900 g giá 108.150 đồng, cộng 5.407 đồng thuế (5%), giá bán lẻ công bố 266.818 đồng/hộp; sữa Enfakid 900 g giá nhập 102.893 đồng, cộng thuế 5.144 đồng thành tiền bán lẻ 229.545 đồng/hộp...


Nặng chi phí quảng cáo, tiếp thị


Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Tài chính, từ cuối năm 2008, giá vốn của sữa nhập có xu hướng giảm, thuế nhập khẩu (đã tính đến biến động tỉ giá) cũng ổn định nhưng giá sữa trên thị trường vẫn không giảm. Nguyên nhân được xác định là do các doanh nghiệp đã chi phí quá nhiều vào quảng cáo, hoa hồng, lương, quản lý...


Tại Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến (trực tiếp nhập khẩu sữa của Mead Johnson Thái Lan về bán và là nhà phân phối các sản phẩm sữa của Mead Johnson Nutrition VN), chi phí bán hàng trên tổng chi phí 6 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm 2008 tăng từ 62,65% lên 85,08%. Trong đó, tiền lương tăng từ 29,53% lên 35,84%, chi phí quảng cáo tiếp thị tăng từ 21,21% lên 42,75%.

Đáng lưu ý, từ ngày 1-2 đến 15-3, Tiên Tiến được Mead Johnson Nutrition VN chiết khấu giảm giá 25% trên giá thực mua đối với một số mặt hàng nhưng công ty này vẫn không giảm giá bán. Số tiền chiết khấu giảm giá được công ty hạch toán giảm giá vốn.


Đối với Mead Johnson Nutrition VN, kết quả thanh tra cho thấy chi phí bán hàng và quảng cáo luôn ở mức cao, năm 2008 là 53,46% và 6 tháng đầu năm 2009 là 36,22% trên tổng chi phí. Ngay cả nhóm chi phí thuộc mức khống chế (10% như đối với quảng cáo) cũng vượt 10 - 19 lần trong năm 2009 và 2008. Đối với Nestlé VN, chi phí quảng cáo tiếp thị chiếm tới 30% chi phí kinh doanh.


Từ kết quả thanh tra tại cả ba doanh nghiệp, Thanh tra Bộ Tài chính kết luận giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu có thể giảm nếu doanh nghiệp tiết giảm được các chi phí quảng cáo, tiếp thị. Một biện pháp nữa có thể áp dụng để giảm giá bán là doanh nghiệp nhập khẩu phối hợp với nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến tay người tiêu dùng.

Quản lý giá sữa khá phức tạp

Theo TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, vấn đề quản lý giá sữa khá phức tạp.


“Chúng ta chỉ biết giá sữa ngoại bán ở thị trường trong nước rất cao, muốn kéo xuống phải biết tại sao giá cao, cao ở khâu nào, lúc đó mới bàn và đưa ra được giải pháp phù hợp. Để quản lý giá sữa, phải lật ngược lại, từ giá bán lẻ trên thị trường đến doanh nghiệp nhập khẩu. Quan trọng là tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tại sao giá bán lẻ ở thị trường trong nước chênh lệch nhiều so với giá thế giới, phần chênh lệch đó ai được hưởng? Nếu do chi phí thì phải kiểm soát; nếu chênh lệch do doanh nghiệp bảo đó là lợi nhuận thì phải xem có kiểm soát được lợi nhuận đó không và dùng biện pháp nào để giảm lợi nhuận đó xuống” – TS Ánh nhận xét.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường