Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Hậu thắng thầu” xuất khẩu gạo
08 | 01 | 2010
Xác định giá sàn xuất khẩu như thế nào, từ đó định hướng giá mua lúa hợp lý để nông dân có lợi thỏa đáng, nhưng không gây ách tắc xuất khẩu gạo là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng.

Mặc dù đến cuối tháng này mới có thể biết được kết quả cuối cùng, nhưng có thể nói, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II), đại diện duy nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta, đã thắng lớn trong chuỗi 4 cuộc đấu thầu xuất khẩu gạo sang Philippines
Việc xuất khẩu một khối lượng gạo không nhỏ như vậy với giá không hề thấp sẽ tác động nhất định đến thị trường lúa gạo trong nước, nhưng nếu khéo điều tiết, thì chắc chắn sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực có thể phát sinh.


Bước đầu thắng lớn

Trước hết, cho tới thời điểm hiện tại, tuy mới có 2 trong tổng số 4 cuộc đấu thầu dồn dập để mua 2,05 triệu tấn gạo được nước chủ nhà Philippines công bố, nhưng vẫn có thể khẳng định rằng, phần thắng của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta là rất lớn.

Cụ thể, theo như kết quả đã công bố, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã thắng thầu 150.000 tấn trong cuộc đấu thầu mua 250.000 tấn ngày 4/11, với giá C&F 480 USD/tấn (quy giá FOB khoảng 420 USD/tấn) và trong cuộc đấu thầu mua 600.000 tấn đầu tiên ngày 1/12 tiếp tục thắng thầu 3 lô 100.000 tấn, với giá C&F bình quân 622,7 USD/tấn (quy giá FOB khoảng 560 USD/tấn).

Tiếp theo, tuy khả năng lại một lần nữa thắng thầu cả ba lô 100.000 tấn, với giá C&F bình quân 663,7 USD/tấn (quy giá FOB khoảng 600 USD/tấn) trong cuộc đấu thầu mua 600.000 tấn thứ hai ngày 8/12 như nhiều báo chí nước ta đưa tin là không chắc chắn, bởi trong đó có một lô 100.000 tấn của doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta có giá cao hơn giá của hai đối thủ cạnh tranh, trong khi ngân sách của nước chủ nhà không đủ để mua 500.000 tấn, mà tổng khối lượng của 5 lô gạo chào bán lên tới 525.000 tấn, nhưng gần như chắc chắn, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta lại “ẵm gọn” cả gói do bỏ thầu cả lô 600.000 tấn trong cuộc đấu thầu cuối cùng ngày 15/12, với giá C&F 664,9 USD/tấn (quy giá FOB trên 600 USD/tấn).

Tính chung, nếu như Philippines không điều chỉnh tăng ngân sách cho cuộc đấu thầu ngày 8/12, thì tổng khối lượng gạo trúng thầu sẽ chỉ là 1,854 triệu tấn, với tổng trị giá 1,167 tỷ USD (giá C&F). Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta trúng thầu 1,319 triệu tấn, chiếm 71,14% (giá trị khoảng 837 triệu USD, chiếm 71,71%, với giá C&F bình quân 634,6 USD/tấn, cao hơn 17,2 USD/tấn so với giá bình quân của các đối thủ cạnh tranh còn lại).

Đó là thắng lợi không thể phủ nhận của Vinafood II trong cuộc đua xuất khẩu gạo vào thị trường này. Chính Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan đã nói với Reuters ngay sau ngày đấu thầu mua 600.000 tấn gạo thứ ba của Philippines: “Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ giành được toàn bộ gói thầu. Không ai biết họ sẽ chào giá dưới 700 USD/tấn và chúng tôi hơi bị sốc”.

Tất nhiên, chuyện thắng hay thua còn tùy thuộc vào diễn biến của giá gạo thế giới. Có người từng dự báo về việc tái lập giá kỷ lục năm 2008, thậm chí có thể còn tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo đánh giá mới nhất của Chính phủ Ấn Độ, với việc sản lượng lúa của nước này dự báo sẽ tăng thêm 2,2 triệu tấn, còn ngũ cốc nói chung sẽ tăng 4,4 triệu tấn so với dự báo cách đây một tháng, thì khả năng về cơn sốt nóng giá gạo thế giới do Philippines kích hoạt sẽ càng khó trở thành hiện thực, mà ngược lại, giá gạo có thể sẽ hạ nhiệt. Giá các loại gạo trắng của Thái Lan ngay sau phiên đấu thầu mua gạo cuối cùng của Philippines vừa qua cũng đã đồng loạt giảm.


Vững vàng an ninh lương thực, nhưng cũng cần linh hoạt

Có thể nói, trong hơn hai năm xuất khẩu gạo với quy mô lớn vừa qua của nước ta, các nhà quản lý chưa bao giờ để xảy ra tình trạng “quá đà”, khiến thị trường trong nước thiếu gạo, mà ngược lại. Có nhiều bằng chứng thực tế chứng thực điều đó. Trong đó, hai bằng chứng sau đây có lẽ thuộc loại “kinh điển”:

Thứ nhất, sau bước tăng đột biến 2,78 triệu tấn lúa năm 2008 (tương ứng khoảng 1,4 triệu tấn gạo), sản lượng lúa cả nước năm nay, theo ước tính của các nhà quản lý, chỉ tăng vỏn vẹn 0,5 triệu tấn (tương ứng với 0,25 triệu tấn gạo). Thế nhưng, xuất khẩu gạo lại “lệch pha” quá mức so với mức gia tăng sản lượng, bởi xuất khẩu gạo năm 2008 chỉ tăng chưa tới 200.000 tấn, trong khi năm nay sẽ tăng ít nhất 1,3 triệu tấn để đạt kỷ lục chưa từng có 6 triệu tấn. Thực trạng này có nghĩa là, chính trong năm 2008 - năm sốt nóng giá gạo kỷ lục cả trên thị trường thế giới lẫn trong nước, chúng ta đã tăng thêm dự trữ để tăng xuất khẩu trong năm nay.

Thứ hai, kịch bản nói trên cũng chính là “bản sao” được phóng đại hơn của kịch bản đã từng diễn ra trong năm 1998 - năm được bình chọn là “El Nino thế kỷ”. Bởi lẽ, cho dù thiên tai cực kỳ gay gắt, nhưng do được kích thích rất mạnh bởi sốt nóng giá gạo thế giới trong nhiều năm liên tục trước đó, nên sản lượng lúa năm 1998 vẫn tăng ngoạn mục 1,62 triệu tấn (tương ứng với ít nhất 800.000 tấn gạo). Do sốt nóng giá gạo trong nước cũng đã lên tới mức kỷ lục kể từ năm 1992, nên lệnh ngừng xuất khẩu đã buộc phải áp dụng và kết quả là gạo xuất khẩu trong năm đó chỉ tăng vỏn vẹn 155.000 tấn, tức là đã có thêm nhiều trăm nghìn tấn gạo nằm trong kho để đẩy mạnh xuất khẩu và đạt kỷ lục 4,55 triệu tấn trong năm 1999.

Do vậy, trong điều kiện khối lượng gạo hàng hoá đã nằm gọn trong kho của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào cuối năm nay vẫn lên tới 1,45 triệu tấn, nếu cộng với khối lượng gạo hàng hoá khoảng 3 triệu tấn của vụ đông - xuân sẽ bắt đầu ngay từ tháng 1/2010, trong khi khối lượng xuất khẩu sang Philippines chỉ khoảng 1,32 triệu tấn, còn các thị trường khác thì vẫn “án binh bất động” trong suốt thời gian Philippines tổ chức đấu thầu, cho nên tin đồn chúng ta sẽ thiếu gạo trong khi tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong quý I/2010 ước sẽ chỉ ở mức 1,6 - 1,7 triệu tấn rõ ràng là không ngoài mục đích “đục nước béo cò”.

Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, việc thắng thầu với khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines chiếm trên dưới 80% tổng khối lượng xuất khẩu của nước ta ra thị trường thế giới trong quý I/2010 là thắng lợi bước đầu nâng đỡ thị trường trong nước theo hướng có lợi cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đồng thời, trong điều kiện thị trường gạo thế giới có nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt như đã nói ở trên, thì việc đạt được mức giá cao như đã thắng thầu ở Philippines sẽ là rất khó.

Do vậy, xác định giá sàn xuất khẩu như thế nào để định hướng giá mua lúa ở mức hợp lý để nông dân có lợi thỏa đáng, nhưng không làm ách tắc việc xuất khẩu gạo sang các thị trường khác rõ ràng là bài toán không dễ.



Theo Hoàng Nguyễn // Báo đầu tư
Báo cáo phân tích thị trường