Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VN kiện Mỹ về thuế chống bán phá giá tôm: Khả năng thắng là khả quan
11 | 03 | 2010
Đó là nhận xét của TS Peter Koenig, thành viên tổ tư vấn của Quốc hội Mỹ, tại buổi tọa đàm về các vụ kiện chống bán phá giá do hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 10-3.

Liên quan đến vụ Việt Nam kiện Mỹ ra tổ chức thương mại thế giới (WTO) này đã có nhiều câu hỏi của cử tọa đặt ra với ông Peter Koenig.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty TNHH Northern Viking Technologies tại KCN Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM - Ảnh: T.ĐẠM

>> Đề xuất kiện Mỹ ra WTO, thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh: “Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ”
>> Đề xuất kiện Mỹ ra WTO

* Việc Việt Nam kiện Mỹ ra WTO vì áp thuế chống bán phá giá tôm, theo kinh nghiệm của ông, khả năng thành công như thế nào?

- Mỹ đang rà soát cuối kỳ để xem có tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam năm năm kế tiếp không. Quyết định này sẽ căn cứ liệu việc bỏ áp thuế chống bán phá giá có làm tổn hại các nhà sản xuất ở Mỹ. Mỹ đã dùng phương pháp quy về 0 để áp thuế chống bán phá giá. Nghĩa là cùng mặt hàng có sản phẩm doanh nghiệp bán giá cao, có mặt hàng bán giá thấp.

Nhưng Mỹ chỉ tính những mặt hàng bán giá thấp. Việc này bị nhiều nước phản đối. Với vụ kiện tôm Việt Nam, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu tiếp tục áp thuế. Muốn được bỏ, Việt Nam cần chứng minh việc bỏ thuế không ảnh hưởng đến giá cả ở Mỹ và Việt Nam còn nhiều thị trường khác nữa, không chỉ tập trung vào Mỹ.

Ngày 23-3, bắt đầu thủ tục tiền tố tụng

Theo bà Nguyễn Chi Mai, trưởng ban tự vệ thương mại Cục Quản lý cạnh tranh, việc Việt Nam kiện Mỹ vì Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm, ngày 1-3, phái đoàn Việt Nam đã chính thức chuyển yêu cầu tham vấn cho đoàn Mỹ. Ngày 23-3 sẽ diễn ra phiên tham vấn chính thức của đại diện hai chính phủ tại Geneva.

Ngay khi Việt Nam gửi yêu cầu tham vấn, phái đoàn EU, Nhật Bản và Thái Lan cũng đưa ra yêu cầu tham gia cuộc tham vấn đó, nhưng phía Mỹ đã từ chối. Nếu tham vấn mà phía Mỹ vẫn không bỏ thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, Việt Nam có thể kiện Mỹ lên WTO. Bà nói: “Chúng tôi không khẳng định chiến thắng nhưng Việt Nam đã tính kỹ mới làm. Vụ kiện có cơ sở để tiến hành vì nhiều nước đã kiện và đã thành công”.

Về vụ Việt Nam kiện Mỹ ra WTO, theo tôi, khả năng chiến thắng là khả quan vì Mỹ đã thua trong nhiều vụ kiện tương tự. Do thua nhiều lần nên chiến lược hiện nay của Mỹ là không áp dụng đồng loạt kết quả các vụ kiện cho các quốc gia. Quốc gia nào muốn không bị áp phương pháp quy về 0 thì phải tham gia tố tụng. Vì nhiều nước đã kiện nên khi tranh tụng Mỹ sẽ gặp khó khăn do không thể đưa ra các câu trả lời không nhất quán trong các vụ kiện tương tự. Nên Việt Nam có thể cố gắng để có kết quả tốt trong vụ kiện này.

* Theo ông, mặt hàng nào tiếp theo của Việt Nam có thể sắp bị kiện?

- Khi có một vụ kiện của Mỹ với Trung Quốc về mặt hàng nào đó thì những mặt hàng tương tự từ Việt Nam cũng phải để ý. Tôi không có bằng chứng nào về khả năng các mặt hàng Việt cụ thể có thể bị kiện trong tương lai nên tôi không dự đoán. Tôi chỉ nhắc đến những mặt hàng đang được đề cập nhiều trên báo chí Mỹ gần đây, thuộc diện “nhạy cảm” của Việt Nam như dệt may, thép, đồ gỗ, đinh, ốc vít thép... Đặc biệt, đồ gỗ thì các nhà sản xuất ở Mỹ đang rất “căng” vì nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc không phải nhà xuất khẩu lớn nhất mà có thể là Việt Nam.

* Ông có lưu ý gì với các doanh nghiệp Việt Nam để bớt bị kiện và thiệt hại vì kiện?

- 2009 là năm kỷ lục về các vụ kiện trợ cấp không chỉ với Việt Nam của Mỹ. Quý IV các vụ kiện đã giảm xuống và hi vọng tiếp tục giảm. Nhưng sau khi nền kinh tế hồi phục thì số vụ kiện chắc lại tăng lên vì các doanh nghiệp có nhiều tiền cho kiện tụng. Thực tế phía Mỹ sẽ rất khó chứng minh những trợ cấp chung cho rất nhiều mặt hàng khác nhau. Khi bị kiện, nếu có, Việt Nam nên chứng minh việc trợ cấp không nhằm vào một thị trường cụ thể.

Cần chuẩn bị trước để có chứng minh được biên độ phá giá hoặc trợ cấp thấp vì mức thuế chống trợ cấp, phá giá sẽ tính trên biên độ này. Nếu Việt Nam chứng minh được vật liệu cho hàng xuất khẩu là từ nhập khẩu thì rất có lợi. Khi bị kiện bán phá giá các mặt hàng gỗ, Trung Quốc đã khéo léo chứng minh được hơn 30% nguyên liệu của họ là nhập khẩu. Biên độ bị áp thuế chống bán phá giá khá thấp, chỉ 7-8%. Các nhà sản xuất Hoa Kỳ vì thế mất động cơ khởi kiện các nhà sản xuất nước ngoài tiếp theo.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường