Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vùng mía nóng ngày càng... nóng hơn
16 | 03 | 2010
Ngày 12/3, NNVN đã có bài phản ánh chuyện cây mía ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị “ngăn sông cấm chợ”. 2 hôm sau (14/3), chúng tôi bí mật trở lại vùng mía giáp ranh Bình Định- Phú Yên thuộc xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) mới nhận ra chuyện “ngăn sông cấm chợ” ngày càng nóng bỏng hơn.

Trong khi người trồng mía những địa phương khác đang tưng bừng thu hoạch mía trong niềm hân hoan tột cùng bởi giá thu mua của các NM Đường tăng tốc từng ngày thì nhiều hộ trồng mía ở huyện Đồng Xuân đang ngửa mặt than trời. Bởi lẽ mía đốn xong nằm thẳng cẳng dưới nắng chang chang mà chẳng tư thương nào dám mua vì biết chắc không thể nào “lọt” được cái “chốt chặn” tại làng Soi Nga, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) với lực lượng hùng hậu gồm CSGT, Thanh tra giao thông cùng “lủ khủ” dân phòng xã túc trực tại đây cả ngày lẫn đêm. 

Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông cùng “lủ khủ” dân phòng xã túc trực ngày đêm tại “chốt mía” làng Soi Nga, Xuân Lãnh

Bây giờ chuyện “ngăn sông cấm chợ” không chỉ bằng cách chặn xe chở mía đi về hướng Bình Định vì lỗi quá khổ quá tải mà còn “tấn công” vào tận ruộng mía của những hộ nông dân không nhận đầu tư của Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam với hy vọng được bán mía tự do với giá cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Thanh quê ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn (Bình Định) vào Đồng Xuân thu mua mía của những ruộng mía “tự do” mang về bán cho Cty CP Đường Bình Định than thở: “4 chiếc xe tải của tôi đang chất mía tại các ruộng mía thuộc xã Xuân Quang 2 (Đồng Xuân) thì cán bộ của Cty KCP đến tận ruộng mía gặp tôi và bảo “Nếu chở mía về bán cho KCP thì không vấn đề gì xảy ra. Còn nếu chở về Bình Định thì sẽ có CSGT “thăm hỏi”. Không còn cách nào cho xe đi lọt tôi đành đánh 4 xe mía chạy về bán cho KCP với giá rẻ".

Nhưng đau hơn theo anh Thanh "Về đến bãi, KCP để 4 xe mía tôi nằm ngoài nắng từ sáng đến chiều mới tiến hành cân và chỉ mua với giá 760.000đ/tấn, trong khi đó tôi đã mua của nông dân đến 780.000đ/tấn lại còn bị trừ tạp chất đến 5% nên tính rốt ráo, giá bán mía chỉ còn có 680.000đ/tấn. Nếu chở được về bán cho Cty Đường Bình Định với giá hơn 800.000đ/tấn và chỉ trừ tạp chất 1% thì tôi còn có lãi, đằng này bán cho KCP 4 xe mía này tôi bị lỗ đến 6 triệu. Không chỉ vậy, bây giờ tôi đành “nằm chơi xơi nước” vì phải 10 ngày sau KCP mới thanh toán tiền”. 

Chiếc xe của anh Nguyễn Thái Hòa đã bị CSGT gỡ biển số

Cả những nông dân địa phương tìm kế sinh nhai bằng nghề mua bán mía nhỏ lẻ nhằm xóa đói giảm nghèo cũng bị chính quyền địa phương “sờ gáy”. Anh Phan Đình Long ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) ngán ngẩm: “Tôi không có vốn làm ăn lớn, chỉ dạo mua dăm ba đám mía của những hộ không “dính” đầu tư của KCP bán lại kiếm chênh lệch mỗi đầu tấn. Thế nhưng mới đây, khi vừa đốn mía xong tôi liền bị UBND xã Xuân Lãnh mời đến bảo là không có giấy “lưu thông mía” nên không cho tôi chở mía ra ngoài địa bàn. Tôi giải thích là tôi mua mía ở những hộ không nhận đầu tư thì tôi muốn bán đâu thì bán, nhưng “mấy ổng” không thông, gây khó dễ đủ bề. 2 xe mía 30 tấn của tôi chặt đã ngày thứ 5 rồi mà vẫn bị “giam” đến khô móp”.

Vào lúc 22 giờ ngày 14/3, đóng vai người buôn mía, PV NNVN ngồi trước cabin chiếc xe chở chừng 10 tấn mía đi từ Xuân Lãnh về huyện Vân Canh (Bình Định). Xe chở mía chạy đến “chốt mía” thuộc thôn Soi Nga thì bị hơn 10 CSGT, TTGT và dân quân xã chặn lại. Thấy xe mía chất thấp là vậy mà cũng bị CSGT bắt, hàng chục người dân địa phương đang ngồi hóng mát dọc đường bức xúc ùa ra phản ứng dữ dội. Chiếc xe CSGT lập tức nổ máy, chạy ào qua để thoát khỏi đám đông và biến mất. Chạy chừng 500m, chiếc xe CSGT dừng lại, đứng chắn ngang giữa đường để chặn xe mía.

PV NNVN ngồi trên cabin xe mía đã kịp dùng máy ảnh quay được 1 đoạn video clip cảnh làm việc “rất tích cực” của những nhà chức trách trong đêm tối và chiếc xe CSGT đứng ở vị trí rất…vi phạm luật giao thông để chặn những chiếc xe mía. Trong khi trước đó, theo ghi nhận của PV thì những chiếc xe chở mía của KCP chất mía cao “ngút trời” vẫn ung dung lưu hành suốt ngày mà không bị ngăn trở nào. Do trời tối lại không dám quay công khai nên hình ảnh không được đẹp, tuy nhiên video clip ngắn này cũng là bằng chứng không thể chối cãi về việc người trồng mía đang bị...hành khổ sở thế nào.

Có nghe thêm chuyện kể của anh Lê Thái Hòa (1966) ở thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê (Gia Lai), chủ chiếc xe tải 81L-4826 thì mới biết "hiệu lực kiểm tra” của CSGT Phú Yên nhằm vào những chiếc xe chở mía ra ngoại tỉnh “quyết liệt” đến mức nào. “Tôi có thằng em tên Võ lỡ mua mía ở xã Xuân Lãnh, mía đốn đã lâu nhưng vì CSGT chặn bắt gắt quá nên thuê giá cao mấy cũng không xe nào dám chở, mía đốn rồi để khô. Thương tình, tôi đánh xe xuống chở dùm. Xuống tới đây tối hôm 14/3 nhưng do trời tối thuê công chất lên xe không có. Sáng 15/3, khi đang chất mía thì thấy mấy "ông” CSGT lượn như chim én nên chất xong tôi không dám chạy xe ra, đã dừng xe núp vào bờ sông rồi nhưng vẫn bị “mấy ổng” tìm đến tháo biển số xe mất tiêu".

Cuối cùng anh Hoà kết luận: "Tôi cũng đã có 5 năm làm cán bộ CA xã Thành An và đã có 7 năm làm tài xế vận chuyển mía từ An Khê về NM Đường Bình Định nhưng tôi chưa thấy nơi nào có chuyện CSGT chặn bắt mía “ngang xương” thế này”.

Anh Phạm Văn Võ (30 tuổi) ở xã Giang Bắc, huyện ĐăcBơ (Gia Lai), người thuê anh Hòa chở mía tâm sự: “Nếu không đi được mía cứ nằm dưới nắng gay gắt như thế này chắc chắn cứ 10 tấn mía mỗi ngày sẽ bị hao hụt mất 1 tấn vì mía khô. Tiền đi mua bán mía toàn vay, chuyến này lỗ to không biết lấy gì trả nợ”.

ĐỌC BÁO NNVN BỊ CÔNG AN MỜI LÊN ĐỒN... TRA HỎI

Chuyện xảy ra với ông Phạm Thành Đô (1960) ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân) mới thật sự là 1 “bi hài kịch”.

Số là sau khi NNVN có bài phản ánh về chuyện cây mía ở địa phương này bị “ngăn sông cấm chợ” khiến người trồng mía khóc đứng khóc ngồi, có người đọc được bài báo này mách lại, người trồng mía ở Xuân Lãnh rất phấn khởi vì có báo chí chia sẻ nỗi khó khăn nên ai nấy đều tìm báo đọc. Được người bạn cho mượn, ông Đô mang báo về chia sẻ với bà con trong xã. Nhưng không ngờ chuyện đọc báo khiến ông “rước họa vào thân”.

Giấy mời của UBND xã Xuân Lãnh mời ông Đô đến làm việc vì tội… đọc báo

Sáng ngày 13/3, ông Đô nhận được giấy của UBND xã Xuân Lãnh mời ông ngay chiều hôm ấy đến trụ sở UBND xã làm việc dù đó là ngày nghỉ. Làm việc với ông Đô là 1 cán bộ CA huyện Đồng Xuân. Tinh thần của buổi làm việc xoay quanh việc ông Đô có biết bài báo viết gì không và vì sao ông Đô giới thiệu cho nhiều nông dân trong vùng đọc bài báo đó?

Bức xúc quá, ngay tối hôm ấy ông Đô đã làm đơn gửi đến NNVN trình bày vụ việc trên. Lá đơn trình bày của ông Đô viết: “Báo Nông nghiệp VN là của cơ quan Nhà nước, chẳng lẽ nông dân chúng tôi đọc lại sai hay sao mà sau buổi làm việc đó, ông cán bộ Công an huyện còn nói để xem thử xếp tội tôi vào khung nào, lại còn bảo tôi sáng thứ hai tuần tới (15/3-PV) xuống huyện làm việc tiếp”.

Cũng xin nói rõ, khi thực hiện bài biết phản ánh thực trạng cây mía ở Đồng Xuân bị “ngăn sông cấm chợ” không có nghĩa là chúng tôi cổ súy cho người trồng mía ở đây bán mía cho các NM Đường Bình Định. Trước sau quan điểm của NNVN chỉ muốn có sự công bằng cho người trồng mía. Sẽ chẳng có gì để nói nếu KCP cạnh tranh nguyên liệu bằng cách nâng giá mía cao ngang bằng các NM đường trong khu vực và không thu mua “ép” nông dân bằng cách trừ tạp chất cao chứ không phải như cách KCP đang áp dụng hiện nay. 1 vụ mía kéo dài cả năm trời, đầu tư lớn, giờ mía bị “chặn” không bán được cầm bằng những người trồng mía ở Đồng Xuân đã lâm vào “cửa tử”.



Theo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường