Ông Gia-rô dẫn thống kê cho biết chỉ có 11% diện tích Trái Đất được coi là nguồn đất trồng trọt chủ yếu, nuôi sống dân số thế giới hơn 6 tỉ người hiện nay và dự kiến sẽ lên tới 8,2 tỉ người vào năm 2020. Tuy nhiên, tình trạng biến đổi khí hậu đang gây nên những trận hạn hán, lụt lội, lũ quét, bão cát, cháy rừng và hoang mạc hóa lan rộng, khiến cho diện tích đất trồng trọt ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến an toàn lương thực và cuộc sống của khoảng 250 triệu người, đe doạ hơn 1 tỷ người khác, trong đó nhiều người đã phải di cư khỏi nơi sinh sống truyền thống của mình.Theo báo cáo của WMO, con số l tỉ người bị đe doạ vì tình trạng biến đổi khí hậu làm suy kiệt đất trồng trọt tập trung tại hơn 100 nước, phần lớn là các nước đang phát triển, kể cả các nước nghèo nhất thế giới. Hoang mạc hóa là một trong những tiến trình đáng lo ngại nhất của tình trạng sa sút về môi trường. Hiện tượng đất đai suy kiệt diễn ra với tốc độ đáng báo động tại các nước phía Nam sa mạc Xa-ha-ra, nơi nguồn sống của người dân ở các vùng hạn hán luôn luôn bị đe dọa do sản lượng lương thực bị giảm sút. LHQ ước tính sản lượng lương thực của vùng này đã bị giảm ít nhất 20% trong vòng 40 năm qua do đất đai bị hoang mạc xâm lấn.
Các đại biểu dự hội thảo đã nêu bật tầm quan trọng trong công tác xử lý các vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước, đồng thời cho rằng cần phải thiết lập các hệ thống quan trắc ở cấp quốc gia, cấp khu vực và quốc tế, tăng cường khả năng dự báo và xử lí các tình huống bất trắc, phân tích các nguy cơ và thi hành các biện pháp phòng ngừa rủi ro, cũng như đẩy mạnh công tác phòng chống hạn hán.