Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển bò sữa: Kinh nghiệm Đài Loan
06 | 10 | 2007
Với điều kiện khí hậu khá tương đồng, đã từng gặp những khó khăn như Việt Nam đang trải qua khi mở cửa thị trường cho sữa bột tràn vào, thế nhưng ngành chăn nuôi bò sữa Đài Loan đã vượt lên và phát triển. Hội thảo ngành bò sữa khu vực Đông Nam Á tổ chức ngày 13/12 đã đưa ra những kinh nghiệm hết sức hữu ích và mở ra hướng đi thực tế cho Việt Nam.
 

2 năm loại thải 70% tổng đàn bò thuần nhập khẩu

 

Ông Hsin Hao Chen- Chủ tịch Viện phát triển các sản phẩm Nông nghiệp chất lượng cao (Đài Loan) cho biết, khởi nguồn một người nông dân Đài Loan nuôi 2 con bò sữa như một nghề phụ, đến nay mỗi hộ đã nuôi trung bình 150 con, đây là một nghề chính nông thôn. Để có được kết quả như ngày nay, nền chăn nuôi bò sữa của Đài Loan cũng trải qua rất nhiều thăng trầm trong suốt 60 năm qua. Ngành công nghiệp sản xuất sữa Đài Loan đã trải qua 3 đợt khủng hoảng. Năm 1965 sản phẩm sữa trong nước không thể tiêu thụ do việc mở cửa cho sữa bột nhập khẩu, đến năm 1975 là sự đe dọa từ thịt bò nhập khẩu, đặc biệt là năm 2002 khi Đài Loan mở cửa thị trường sữa lỏng khi gia nhập WTO. Trong thời gian này, chính phủ Đài Loan đã thực hiện hàng loạt biện pháp như: Gây quỹ từ thu thuế nhập khẩu sữa bột, thành lập Ủy ban phát triển sữa, tiến hành các chương trình cung cấp sữa cho trường học, chính phủ đưa ra quy tác phân loại và định giá sữa, đưa ra mức giá thu mua sữa theo mùa...Ông Chu Li Chang- Giám đốc chi nhánh của Viện Nghiên cứu vật nuôi (Đài Loan) trong phần trình bày về việc sản xuất gia súc chất lượng cao đã đưa ra những số liệu khiến nhiều đại biểu Việt Nam giật mình. Để có được đàn bò chất lượng cao và thực sự thích hợp với khí hậu Đài Loan, việc chọn lọc bò sữa nhập khẩu rất nghiêm ngặt. Bò nhập về thường từ 3- 5 tháng tuổi. Từ khi bắt đầu nuôi đến khi bò được 1 năm tuổi, mặc dù chưa khai thác sữa đã tiến hành loại thải 25% tổng đàn. Sau khi hết chu kỳ sữa đầu tiên, những con cho sữa kém sẽ tiếp tục bị loại, số này chiếm khoảng 20% đàn. Đến hết chu kỳ sữa thứ 2, tức là sau 1 năm nữa sẽ loại tiếp 25%. Như vậy là sau 2 chu kỳ vắt sữa sẽ loại 70%. Ví dụ một tỉnh như Tuyên Quang, nhập về 3.000 còn bò, thì sau 2 năm cần thải loại 2.100, chỉ để lại 900 con đã thích nghi. Số bò đã thích nghi sẽ được nhân giống để tiếp tục gây đàn. Số này cũng có thể tiếp tục bị loại nhưng tỷ lệ rất thấp, có thể chỉ loại 5- 10 %/năm.

 

Chính phủ phải can thiệp

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang cho rằng, kinh nghiệm 60 năm phát triển bò sữa của Đài Loan rất thiết thực với Việt Nam. Nếu so sánh sự phát triển thì chúng ta đang tương tự như nền chăn nuôi bò sữa của họ trong những năm 80. Tức là chúng ta đang đi sau họ hơn 20 năm. Đài Loan đã làm bò lai sind vài chục năm, sau đó làm bò thuần. Họ nhập bò thuần từ New Zealand, Australia, Canada, Mỹ và đi tới kết luận là bò nhập từ Mỹ và Canada thích hợp nhất, cho năng suất sữa cao. Khi đó Đài Loan đã thực hiện quá trình chọn lọc bò thuần nhập khẩu rất nghiêm ngặt để giữ lại những con thích nghi với điều kiện khí hậu. Những con nào thích nghi thì giữ lại, con nào không thích nghi là bỏ ngay. Chúng ta hiện nay mới bắt đầu khởi động công việc này. Năng suất sữa bò thuần của họ những năm 80 khoảng 15 lít sữa/ngày thì hiện nay chúng ta cũng cho khoảng 15- 17 lít/ngày.

 

Theo ông Vang, từ thực tế Đài Loan, chúng ta đang đứng trước một loạt thách thức. Đầu tiên là cần có sự hiểu biết của người nông dân về kỹ thuật chăn nuôi thứ hai, phải có một chương trình chọn lọc giống, hiện nay Việt Nam chưa có và tới đây trong Chương trình giống vừa được duyệt thì mới có chương trình này. Thứ ba, cần xây dựng chương trình thức ăn, khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh. Điều này hiện chúng ta chưa làm. Chúng ta mới dừng ở khâu thí nghiệm mà thí nghiệm cũng không đẩy đủ. Ngoài ra, khi bắt đầu chương trình, quy mô đàn bò của Đài Loan cũng chỉ 2 con/hộ thì đến nay đã là 150 con/hộ. Tại Việt Nam quy mô trung bình là 5,8 con/hộ, phấn đấu đến 2010 là 20 con/hộ. Nhất thiết phải tăng quy mô lên mới giúp giảm chi phí.

 

Một vấn đề khác hết sức quan trọng mà kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, đó là việc điều chỉnh giá cả nhập khẩu và giá thu mua sữa. Giá sữa được điều chỉnh theo các mùa khác nhau, trung bình là 0,7 USD/lít (tương đương 11.200đ/kg). Trong khi ở ta giá thu mua chỉ từ 3.900- 4.600 đ/lít, tính trung bình là 4.300 đ/lít. Giá này đã được tăng lên sau khi báo chí lên tiếng về chất lượng sữa tươi tiệt trùng của các công ty, trước giá trung bình chỉ 3.600 đ/lít. Trong thời điểm nền chăn nuôi bò sữa như Việt Nam hiện tại, Đài Loan đã lập một hội đồng điều tiết giá sữa, chính phủ đưa ra quy tắc phân loại và định giá sữa thu mua của nông dân chứ không thả nổi theo cơ chế thị   trường. Việc nhập khẩu các loại sữa cũng được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo phát triển sản xuất trong nước. Mỗi năm Đài Loan chỉ chi ra 9,3 triệu USD để nhập sữa ngoại, trong khi chúng ta nhập tới 320 triệu USD/năm (đương nhiên chúng ta tái xuất được khoảng gần 100 triệu USD, nhưng trong đó đã bao gồm công lao động, lợi nhuận, thuế, bao bì, sản phẩm thực sữa chỉ chiếm 1/2 là 50 triệu USD). Như vậy mỗi năm chúng ta nhập 270 triệu USD tiền sữa để tiêu thụ nội địa. Chính việc chúng ta cho nhập sữa ngoại ồ ạt hiện nay, trong đó đa số là sữa bột đã gây khó khăn cho nền chăn nuôi bò sữa trong nước. Cuộc khủng hoảng bò sữa năm 2005 cũng do các DN lợi dụng vào sữa bột để ép giá mua sữa bò tươi của nông dân... 



Theo Báo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường