Sau thép, vật liệu xây dựng, giá phân bón từ đầu tháng 3 đến nay liên tục tăng giá. Các doanh nghiệp cho rằng, giá phân bón sẽ còn tăng, vì giá phân bón thế giới cao và nguồn cung khan hiếm, tuy nhiên Bộ Công thương khẳng định: Không có lý do để tăng giá phân bón
“Nối đuôi” tăng giá
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (HHPBVN), trên thế giới, các loại phân bón đang tăng giá so với đầu năm: DAP tăng lên 120 USD/tấn, urê: 25 USD/tấn, ammonias: 125 USD/tấn, sulphur: 130 USD/tấn. HHPBVN nhận định, giá phân bón thế giới tăng vì các nguyên liệu sản xuất ở Mỹ, Bắc Phi, Nga khai thác hạn chế, dự trữ thiếu hụt; nhiều nhà máy phân bón ở nước ngoài đã phải ngừng hoạt động; nhiều nước tăng mạnh sử dụng phân bón như Ấn Độ tăng 30%, Mỹ tăng 20% - 25%, Pakistan tăng 12% - 15%... Hiệp hội cho biết, cùng với số tồn kho, lượng phân bón nhập khẩu và sản xuất trong nước chỉ tạm đủ cung cấp cho vụ hè thu sắp tới. Tuy nhiên, giá có thể sẽ vẫn bị đẩy lên. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch HHPBVN cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị các doanh nghiệp (DN) tính toán lại lộ trình tăng giá phân bón, chứ không thể tăng ồ ạt theo kiểu “té nước theo mưa”. Hiện nay, phân bón cho vụ hè-thu không thiếu vì trước khi tăng giá điện, giá nước thì các DN đã nhập khẩu về rất nhiều…”.
Thực tế hiện nay, đa phần nông dân chưa dám mua phân bón vì thời tiết diễn biến khắc nghiệt, trong khi giá phân bón trên thị trường liên tục tăng. Đại diện nhiều công ty sản xuất, kinh doanh phân bón cho rằng, chi phí đầu vào từ đầu năm nay đã tăng so với năm ngoái nên chắc chắn giá phân bón sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, ông Trần Văn Mười, Tổng Giám đốc Cty cổ phần quốc tế phân bón Năm Sao - TP. Hồ Chí Minh cho biết, DN chủ động tính toán được diễn biến thị trường thì mới có khả năng cân đối được giá bán: “Đúng là giá nguyên liệu đầu vào của phân bón thời gian qua tăng cao, nhưng chúng tôi đã dự trữ trước nguyên liệu sản xuất trong vòng 4-5 tháng, đồng thời tiết giảm mọi chi phí trong sản xuất, vận chuyển nên giá phân bón chúng tôi bán cho bà con nông dân không tăng” - ông Mười nói.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, các DN phân bón Việt Nam chưa hợp tác chặt chẽ với nhau nên không tạo được sức mạnh chung để đối phó với các đối tác nước ngoài. DN nước ta lâu nay hoạt động riêng lẻ, nhập phân bón theo kiểu “mạnh ai nấy làm” với giá luôn ở mức cao nên nông dân thường chịu thiệt thòi, nhất là thời điểm vào vụ mùa. Ngoài việc khắc phục điểm yếu này, đã đến lúc DN phân bón phải tổ chức lại hệ thống phân phối, để giảm chi phí. Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm: “Mở rộng hệ thống bán hàng đến các vùng nông thôn để phân bón đến tay bà con nông dân nhanh. Khi nhập thì nhập đón đầu mùa vụ để giảm áp lực chịu lãi ngân hàng và áp lực chịu phí lưu kho, không chịu rủi ro nhiều do thị tr�ờng phân bón thế giới biến động vì trong 3 năm trở lại đây giá ure trên thế giới biến động theo hình sin
Không có lý do để tiếp tục tăng giá
Trong khi các DN phân bón đề nghị tăng giá, thì ngược lại, Bộ Công thương khẳng định, không có lý do gì phải tăng giá phân bón, gây ảnh hưởng đến nông dân. Khác với thông tin từ HHPBVN, Bộ Công thương cho biết, giá phân bón trên thế giới từ giữa tháng 3 năm nay đã bắt đầu giảm và đang có xu hướng giảm tiếp. Bộ Công thương cho rằng, các DN phân bón điều chỉnh tăng giá bán là không hợp lý và Bộ sẽ vào cuộc.
Bộ Tài chính đã chính thức công bố kết quả kiểm tra giá bốn mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, gồm: thép, đường, phân bón và gas. Đáng lưu ý trong báo cáo này, các công ty kinh doanh phân bón đã tăng giá trong năm 2009 và đầu năm 2010 vẫn tăng giá thêm từ 2-6,3%. Các DN phân bón đều có lãi, cá biệt có đơn vị lãi trên 1.500 tỉ đồng. Tỉ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu tại nhiều DN cũng rất cao, từ 22 - 45%./.