Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch lợn tai xanh lan ra 12 tỉnh, thành
04 | 05 | 2010
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến ngày 3-5, dịch lợn tai xanh xuất hiện ở 131 xã, phường tại 25 huyện thuộc 12 tỉnh, thành trong cả nước (Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nam Định, Hà Nam, Lạng Sơn và Nghệ An).

Hiện có gần 40.000 lợn mắc bệnh, trong đó 16.000 con đã chết phải tiêu hủy.

Đáng lo ngại tình trạng vận chuyển lợn bệnh vẫn diễn ra. Ngày 29-4, Trạm kiểm dịch Gia Lách (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phát hiện ô tô (biển số 98 K - 3587) vận chuyển lợn bệnh từ Bắc Giang vào Hà Tĩnh.

Giấy chứng nhận vận chuyển chỉ có 40 con, tuy nhiên, kiểm tra thực tế trên xe có 61 lợn, trong đó có 2 con đã chết, số còn lại đều sốt cao. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, Cơ quan Thú y vùng III phát hiện 2 mẫu dương tính với virus bệnh tai xanh.

Ngày 2-5, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở NN&PTNT và các ban ngành liên quan tỉnh này thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh tai xanh ở lợn và chấn chỉnh công tác kiểm dịch động vật.

Theo ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Thú y, nguyên nhân chính làm dịch lây lan nhanh là do tư thương thu gom lợn ở các tỉnh, vận chuyển qua vùng có dịch.

Đặc biệt, tại các tỉnh đang có dịch, người dân bán, giết mổ lợn ốm, vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào các tỉnh miền Trung, miền Nam để tiêu thụ.

Trước diễn biến và mức độ lây lan nghiêm trọng của dịch lợn tai xanh, Cục Thú y vừa có Công văn số 657, gửi các cơ quan thú y địa phương, kiểm soát nghiêm ngặt vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn.

Theo đó, các chủ hàng trước khi vận chuyển lợn đi tiêu thụ, lợn phải được tập trung tại các điểm thu gom đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và được khử trùng tiêu độc hàng ngày.

Công văn trên cũng nghiêm cấm cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống, hoặc cấp giấy chứng nhận cho chủ hàng khi không trực tiếp kiểm tra và không rõ nguồn gốc và mục đích sử dụng, giấy chứng nhận kiểm dịch phải được ghi cụ thể địa điểm nơi đến...

Chi cục trưởng Chi cục Thú y phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ hàng, để xảy ra hiện tượng vận chuyển lợn ốm qua các trạm, chốt kiểm dịch động vật nội địa.

Đặc biệt, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế phải tăng cường kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên các tuyến đường, nhất là đường Hồ Chí Minh. 



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường