Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vàng đen” chưa có thương hiệu
21 | 05 | 2010
Sản lượng tiêu VN xuất khẩu hiện chiếm phân nửa sản lượng tiêu thế giới. Thế nhưng, dù có chất lượng tốt được thế giới công nhận, giá trị xuất khẩu tiêu VN vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực vì thiếu công nghệ chế biến và thương hiệu.

Từ một loại cây cứu đói, giờ đây hồ tiêu đang thật sự trở thành “vàng đen” của người dân tại nhiều địa phương. Hiện giá xuất khẩu lẫn giá bán trong nước đều tăng rất nhanh.

Liên tục tăng giá

Anh Nguyễn Văn Tuấn, nông dân trồng tiêu tại huyện Chư Pưh (Gia Lai), đang rất phấn khởi vì từ đầu năm đến nay giá tiêu trong nước tăng liên tục. Hồi đầu năm giá tiêu chỉ ở mức 43.000 đồng/kg, nay đã tăng lên đến 56.000-57.000 đồng/kg. Theo anh Tuấn, dù vụ tiêu năm nay năng suất có giảm chút ít do thời tiết bất lợi từ năm ngoái, đổi lại giá bán tiêu cao nên người dân vẫn có lời hơn nhiều loại cây trồng khác.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), từng thời điểm cụ thể giá tiêu cao thấp khác nhau, nhưng tính chung cả vụ có thể nói trong các ngành sản xuất nông nghiệp, khó tìm được ngành nào mà cả người dân và doanh nghiệp chưa bao giờ phải bán dưới giá thành sản xuất như ngành hồ tiêu.

Về xuất khẩu, vụ tiêu 2009 được đánh giá là năm thành công lớn của ngành hồ tiêu VN. Với khối lượng tiêu xuất khẩu đạt 134.264 tấn, kim ngạch trên 348 triệu USD là năm có khối lượng và giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, lượng tiêu xuất khẩu của VN hiện chiếm trên 50% lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu.

Ông Phan Minh Thông - tổng giám đốc Công ty Phúc Sinh, nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất VN - cho rằng chỉ trong sáu năm qua ngành hồ tiêu VN đã vươn lên hàng đầu thế giới, có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.

“Hiện tiêu là một trong số ít loại nông sản của VN bán ra quốc tế với tên gọi tiêu VN được khách hàng tin tưởng vào chất lượng” - ông Thông khẳng định.

Tỉ lệ xuất khẩu tiêu thế giới năm 2009

Nguồn: IPC (Hiệp hội Hồ tiêu thế giới)


Vẫn chủ yếu xuất thô

VN đang vững chắc ở vị trí nhà xuất khẩu tiêu số một thế giới về sản lượng. Thế nhưng theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu ngành tiêu còn có thể tăng cao hơn nữa nếu biết đầu tư vào công nghệ chế biến và thương hiệu của loại “vàng đen” này.

Hiện phần lớn tiêu VN xuất khẩu vẫn dưới dạng thô, giá trị thường thấp hơn so với các nước trong khu vực khoảng 500-800 USD/tấn (tùy loại).

Theo ông Trần Đức Tụng, chánh văn phòng VPA, có tới 70% sản lượng tiêu VN đạt chất lượng tốt (trọng lượng 500 gam/lít trở lên), đó là nguyên liệu tốt cho chế biến tiêu chất lượng cao, nhưng vẫn có tới 70% lượng tiêu xuất khẩu dưới dạng thô.

Khâu chế biến, tạo giá trị gia tăng còn hạn chế so với tiềm năng sản xuất và công suất các nhà máy cũng như nhu cầu thị trường. Chính vì thế, giá tiêu VN luôn thấp khá xa so với thị trường chung thế giới.

Các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc là những quốc gia sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu lớn nhưng hiện vẫn nhập tiêu đen, tiêu trắng của VN để chế biến, xuất khẩu trở lại với giá cao hơn VN.

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2010, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia đều tăng cường nhập khẩu tiêu VN. “Họ có công nghệ chế biến tốt, có thị trường nhưng thiếu hàng. Qua đây các doanh nghiệp cần đi sâu vào khâu chế biến để tăng chất lượng và giá trị sản phẩm xuất khẩu” - ông Tụng khẳng định.

Theo ông Đỗ Hà Nam - chủ tịch VPA, con số trên 50% sản lượng tiêu xuất khẩu toàn cầu có ý nghĩa rất lớn. Tuy VN chưa thể áp đặt được giá tiêu thế giới nhưng với bất kỳ biến động nào của ngành tiêu trong nước cũng tác động đến cán cân thương mại tiêu toàn cầu. Còn ông Nguyễn Đức Thụ, giám đốc Công ty Trường Lộc

(TP.HCM), cho rằng chỉ cần các nhà xuất khẩu trong nước đoàn kết với nhau, không tranh mua nguyên liệu khi giá lên và tranh bán khi giá xuống thì VN có thể điều tiết được giá tiêu thế giới hoặc ít ra sẽ không bị các khách hàng nước ngoài ép giá như thời gian qua.

Không nên ồ ạt trồng hồ tiêu

Ông Hoàng Phước Bính, phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: “Với lợi nhuận hiện nay của ngành hồ tiêu, nếu không có sự quản lý tốt, người dân lại đổ xô đi trồng tiêu sẽ là một điều rất nguy hiểm. Khi nguồn cung quá nhiều thì giá sẽ giảm xuống”.

Trong khi đó, ông Trần Đức Tụng cũng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng tiêu vì không phải vùng đất nào cũng trồng được.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường