Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cạnh tranh trên thương trường: Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp!
26 | 05 | 2010
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về WTO - ông Lương Văn Tự - hiện là Chủ tịch Hiệp hội Càphê cacao VN đánh giá về những "được -mất" sau 3 năm gia nhập WTO.
- Thưa ông, với tư cách nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về WTO, ông đánh giá thế nào về quá trình thích ứng với hội nhập WTO của VN sau 3 năm gia nhập?

- Sau 3 năm gia nhập WTO, nền kinh tế VN đã chịu cùng lúc 2 tác động (còn gọi là “tác động kép”). Thứ nhất, chúng ta vừa chịu tác động phải mở cửa thị trường, gia nhập WTO, hệ thống văn bản chính sách pháp luật liên quan của VN phải được sửa đổi cho phù hợp với các quy định của WTO.

Thứ hai là tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta trên cả 3 phương diện đầu tư, thương mại và tài chính. Tôi rất mừng vì mặc dù cả hai tác động đến cùng một lúc, nhưng nền kinh tế của chúng ta vẫn trụ được. VN vẫn là 1 trong 12 quốc gia có mức tăng trưởng dương. Tất nhiên, nếu như không có khủng hoảng thì nền kinh tế chúng ta sẽ còn tăng cao hơn, XK và đầu tư nhiều hơn.

Qua thử thách, các DN VN đã vững vàng hơn. Thị trường đã cũng có độ mở và mức độ thích ứng cao hơn, như thị trường tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, bất động sản... đã có dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng càng bộc lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế, cái này Chính phủ cũng đã nhìn ra và đang chỉnh sửa, hoàn thiện như chất lượng tăng trưởng thấp, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Bản thân các DN VN chưa sẵn sàng thích ứng với việc hội nhập...

- Một trong những kỳ vọng của chúng ta khi gia nhập WTO là sẽ có đột biến về XK, trong khi thực tế gia nhập thì chưa đạt được mong muốn, chúng ta vẫn nhập siêu là chủ yếu, thưa ông?

- Vào WTO tăng trưởng chủ yếu mới là đầu tư, trong khi XK đúng là chưa đạt như mong đợi. Tất nhiên, nếu đánh giá một cách khách quan thì ngay sau khi gia nhập WTO (2007), một số mặt hàng XK đã có kim ngạch tăng đột biến, tuy nhiên sang đến cuối năm 2008-2009 thì kim ngạch XK bắt đầu giảm, một phần do chịu tác động của khủng hoảng tài chính nên nhiều đơn đặt hàng bị huỷ bỏ. Tuy nhiên, muốn tăng nhanh XK thì còn cần phải đầu tư, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

Thông thường, một chu kỳ đầu tư vào sản xuất để XK ít nhất phải là 1 năm, dài hơn từ 3-5 năm. Nếu đã xác định được thị trường rồi, các nhà DN phải đầu tư để ra sản phẩm hàng hoá, đồng thời phải tăng xúc tiến thương mại (XTTM) để đẩy mạnh XK vào thị trường, tuy nhiên hiện XTTM của ta vẫn yếu, kinh phí năm rồi giảm so với trước.

Tôi nhớ trước kia XTTM chi 400 tỉ đồng/năm, giờ chỉ có 100 tỉ đồng là quá thấp. Trong điều kiện hiện nay, theo tôi muốn đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu thì các DN phải đẩy mạnh XK sang khu vực ASEAN và ASEAN mở rộng, thực tế cho thấy, nhập siêu chủ yếu nằm ở khu vực này.

Năm 2009, nhập siêu từ các thị trường này đã lên đến gần 30 tỉ USD, trong khi tất cả các nước còn lại, chúng ta đều xuất siêu. Vậy thì mấu chốt của “bài toán nhập siêu” không hoàn toàn là khả năng cạnh tranh trong WTO nữa, mà chính là cạnh tranh giữa các nước ASEAN và ASEAN mở rộng.

- Tuy thế thì trong ASEAN, cơ cấu XK của nhiều nước khá tương đồng, trong khi đó, các nước ASEAN mở rộng (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ...) đều là các quốc gia rất mạnh về XK, VN có lợi thế gì để cạnh tranh?

- Trong ASEAN, chỉ có VN, Thái Lan và Indonesia là có cơ cấu XK tương đối tương đồng như đều xuất khẩu gạo, hàng nông sản. Trong khi các nước khác trong khối đều phải NK như Philippines, Malaysia, Singapore, Brunei... Nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, họ cũng có giá thành cao hơn so với VN. Vì vậy, các DN VN đừng ngần ngại, bất cứ thị trường nào cũng luôn luôn có những “khoảng hở”, những cơ hội cho các DN biết khai thác tốt thị trường.

Cụ thể, DN VN cần phải đi khảo sát, nghiên cứu cụ thể từng mặt hàng để đề ra biện pháp thâm nhập thị trường. Nếu chỉ xem xét một cách hời hợt, chung chung rồi ngại lao vào những điểm nóng thì chính chúng ta bị thiệt, tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Theo đánh giá chung, thì các DN của chúng ta hiện nay vẫn chưa khai thác triệt để các hiệp định thương mại tự do song phương mà VN đã ký kết, nên nhiều thị trường khả năng vẫn còn có thể XK thì chúng ta chưa tận dụng được. Dự kiến đến năm 2020, Châu Á và Châu Úc sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do thì cơ hội cho hàng hoá VN càng co hẹp, nếu chúng ta không đẩy mạnh XK ngay từ bây giờ.

- Làm thế nào để các DN VN có thể chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu, khi mà các thế mạnh của VN (nhân công, hạ tầng cơ sở... ) đều tỏ ra yếu hơn so với các nước khác?

- Trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay, khả năng cạnh tranh là rất tương đối và thay đổi rất nhanh. Nếu các DN VN có khát vọng, có tri thức, mạnh dạn đầu tư vào kỹ thuật tiên tiến, đầu tư cho khâu nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường thì chắc chắn sẽ giúp tăng nhanh năng lực cạnh tranh.

Trước đây, có ai nghĩ ngành nông nghiệp VN có thể có vị thế trên thị trường thế giới, nhưng chúng ta có hơn 10 năm để làm được điều này. Tôi nghĩ để tạo ra sự thay đổi trong công nghiệp thì còn ngắn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bước đi. Nhà nước với vai trò định hướng mở cửa thị trường, các DN cần tham gia tích cực hơn nữa, không ai có thể làm thay họ được.

- Quá trình gia nhập WTO cũng cho thấy chúng ta chưa chủ động trong việc phòng vệ thương mại, khi mà các vụ khởi kiện liên quan đến hàng hoá của ta XK ngày càng tăng, trong khi ta chưa thiết lập được “rào cản” tương tự đối với hàng hoá các nước, thưa ông?

- Đây là những vụ việc khá phổ biến trong WTO khi mà hàng hoá của VN ngày càng đối mặt với nhiều hơn các vụ kiện thương mại. Tuy thế thì luật pháp của chúng ta lại chưa xây dựng được cơ chế chính sách để bảo vệ thị trường trong nước theo quy định của WTO. Vì thế, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hội nhập WTO, Chính phủ cũng sẽ phải xây dựng những quy định cụ thể theo chuẩn mực thế giới để kiểm soát việc nhập khẩu và lưu thông hàng hoá các nước trên thị trường nội địa.

- Xin cảm ơn ông!


TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN: DN VN phải có tư duy thâm nhập vào chuỗi giá trị cao toàn cầu

Các DN VN hiện nay mặc dù là đã tìm cách thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng do năng lực có hạn nên đang nằm trong top “đáy”. Muốn nâng tầm giá trị DN thì cách tốt nhất là phải đầu tư công nghệ hiện đại, gắn được vào mắt xích của các tập đoàn, Cty xuyên quốc gia nước ngoài.

Hiện nay, công nghiệp phụ trợ của chúng ta không phát triển mà nguyên nhân là tiềm lực của DN non yếu, đồng thời phải cạnh tranh với những nước láng giềng có tiềm lực mạnh.

Bên cạnh đó, muốn đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu thì buộc DN phải thay đổi cơ cấu XK. Lâu nay chúng ta XK hàng thô và tài nguyên là chính thì nay tái cơ cấu lại mặt hàng, giảm dần xuất thô, tăng mạnh XK CN chế biến, gắn sản xuất hàng XK với đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng tỉ lệ nội địa hoá sản phẩm.



Theo www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường