Theo các nhà quan sát, hiện nay vấn đề đàm phán đa phương chủ yếu tồn tại ở 3 đối tác: Mỹ, EU, Úc; trong đó Úc có những yêu cầu giống Mỹ, và EU thì theo Bộ trưởng Trương Đình Tuyển "không còn vấn đề gì trong đàm phán đa phương nữa". Trong cuộc gặp ngày 12 - 13.9 ở Washington, Việt Nam và Hoa Kỳ đã rút ngắn được rất lớn những vấn đề còn khác nhau, dù vẫn còn một số vấn đề mà đối tác Mỹ đặt lại và đưa ra yêu cầu mới. Theo nguồn tin của Thanh Niên, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà phía Mỹ nêu ra đó là quyền kinh doanh. Hiện nay quyền kinh doanh là vấn đề Việt Nam đã cam kết trong WTO: tổ chức, cá nhân muốn thực hiện quyền kinh doanh phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam để được cấp giấy chứng nhận quyền kinh doanh, sau đó đăng ký mã số thuế và có quyền kinh doanh. Tuy nhiên phía Mỹ yêu cầu ngay cả khi doanh nghiệp của họ chưa có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam vẫn được quyền tổ chức mạng lưới phân phối, đại lý, bán lẻ hàng tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng cho rằng một số đối tác đưa ra những vấn đề "hơi vô lý, có những vấn đề trước đây thông qua rồi nay lại đặt lại", đó là những lý do mà đàm phán chưa thể hoàn tất.
Từ 20.9, đoàn đàm phán Việt Nam đã sang Geneva (Thụy Sĩ) để tiếp tục chuẩn bị cho phiên đàm phán được dự kiến vào ngày 8 - 9.10. Những ngày cuối tháng 9 vừa qua, Việt Nam và các bên cũng đã thảo luận thống nhất nội dung và ngôn ngữ của bảng biểu cam kết đa phương trong lĩnh vực dịch vụ, sau đó sẽ hoàn thiện để tiếp tục lưu chuyển tới các thành viên Ban công tác. Phiên đa phương này chủ yếu sẽ tập trung hoàn thiện văn bản của Ban báo cáo gia nhập của Việt Nam, và theo lời Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thì hy vọng đây sẽ là phiên cuối cùng.