Theo Hội đồng đồ gỗ Đông Nam Á (AFIC), Việt Nam, thành viên mới nhất của hội đồng gồm 7 hiệp hội đồ gỗ của các nước thành viên này đã trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất trong khu vực. Còn theo chuyên gia trong nước, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2011 có thể lên đến 4 tỉ đô la Mỹ.
Ông Vongkot Tangsubkul, Chủ tịch AFIC cho biết, với kim ngạch xuất khẩu lên tới 3,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2010 này, Việt Nam đã khẳng định vị trí xuất khẩu đứng đầu trong khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư trong ngành chế biến gỗ với lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ.
Ông Vongkot cho biết thông tin trên bên lề Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), đại diện cho thành viên mới nhất của Hội đồng các Hiệp hội đồ gỗ của các quốc gia trong khu vực.
Cũng theo ông này, trong giai đoạn phát triển 5 năm tới tỷ trọng trong cơ cấu xuất khẩu của các thị trường truyền thống như Mỹ hay các nước châu Âu sẽ giảm xuống mà thay vào đó bằng chính các nước trong khu vực nói riêng và châu Á nói chung.
“Theo lộ trình của Hiệp định thương mại tự do khu vực, đến năm 2015 thì các nước trong khu vực sẽ xoá bỏ các ngăn cách về thương mại, và đó cũng chính là điều kiện chín muồi cho xuất khẩu đồ gỗ phục vụ thị trường 700 triệu dân Đông Nam Á hay mở rộng ra một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…”.
Còn ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam “có thể nghĩ tới” kim ngạch xuất khẩu 4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011.
“Phân tích hầu hết thị trường chính của đồ gỗ Việt Nam sau suy thoái kinh tế đều cho thấy nhu cầu tăng trưởng ổn định. Trong khi các quy định được cho là rào cản chính với đồ gỗ Việt Nam là các luật Lacey và Flegt đều đã được doanh nghiệp lẫn cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ càng nên chắc chắn ngành chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ không gặp khó khăn trong thời gian tới”, ông nói.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hawa cho biết, từ năm 2011 sẽ đánh dấu việc các doanh nghiệp chế biến gỗ bước vào một giai đoạn phát triển mới theo chiều sâu, thay vì phát triển theo chiều ngang với đầu tư ào ạt và dàn trải như trước đây.
“Yêu cầu cần thiết nhất là việc nâng chất lượng lao động, tay nghề, kỹ thuật và trình độ quản lý tốt vì vấn đề lớn nhất ngành phải đối mặt trong năm tới chính là lao động và tạo ra giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn có những phân khúc thị trường có giá trị cao, đòi hỏi ở doanh nghiệp những điều nêu trên”, ông cho biết.