Hiện các nhà nhập khẩu lớn của thế giới đang chuyển hướng chiến lược sang việc đa dạng hoá thị trường nhập khẩu đồ gỗ thay vì chỉ phụ thuộc vào một số thị trường quen thuộc trước đây. Điều này đang mở ra những cơ hội và tiềm năng phát triển rất lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Đồ gỗ Việt Nam với mẫu mã cải thiện và chất lượng ngày càng được tăng đã có mặt trên 120 nước. Năm 2005, ngành chế biến gỗ đã xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, năm 2006 kim ngạch đạt 2,2 tỉ USD và trở thành một một trong 4 quốc gia xuất khẩu gỗ chế biến lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tiềm năng lớn nhưng sức ép cạnh tranh cũng gia tăng, đặc biệt từ Trung Quốc, Đài Loan và các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia… Chất lượng và mẫu mã sản phẩm đồ gỗ Việt Nam còn bị hạn chế, chưa thật phong phú, đa dạng do vậy còn thiếu sức cạnh tranh.
Các doanh nghiệp đồ gỗ còn phụ thuộc vào mẫu mã của nước ngoài. Một khó khăn nữa mà các doanh nghiệp gỗ sẽ phải đương đầu trong thời gian tới là phải ổn đinh nguồn nguyên liệu gỗ. Vì phần lớn nguyên liệu gỗ để chế biến phải nhập khẩu do Chính phủ cho phép khai thác rừng tự nhiên rất hạn chế. Do vậy các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất, duy trì và mở rộng thị trường.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam phát triển thành một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn tạo nhiều kim ngạch cho đất nước. Dưới đây là một số giải pháp:
+Tiếp tục phát triển, cần duy trì và phát triển các thị trường truyền thống (cả thị trường trung chuyển và thị trường người tiêu dùng trực tiếp), thông qua đó uy tín và chất lượng của sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sẽ tiếp cận nhanh hơn tới người tiêu dùng.
+Tập trung phát triển mạnh một số thị trường mục tiêu, có nền kinh tế phát triển ổn định, sức mua mạnh và nhu cầu liên tục tăng, các thể chế và kinh doanh, thương mại hoàn thiện, hệ thống phân phối rộng khắp và năng động, bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản và Nga.
+Khách hàng chủ đạo đối với các sản phẩm gỗ Việt Nam được xác định là các nhà nhập khẩu và các nhà phân phối, do đó, việc sử dụng các kênh phân phối hiện có và khả năng phát triển thị trường của các nhà phân phối và nhập khẩu tại các thị trường của các nhà phân phối và nhập khẩu tại các thị trường lớn là giải pháp hữu hiệu nhất để tăng sản lượng thâm nhập thị trường đồng thời tiết kiệm chi phí cho công tác tiếp thị.
+Để cung ứng đủ gỗ nguyên liệu cho sản xuất, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam trông đợi Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về mặt đất đai, vốn, giải quyết rủi ro… để tạo điều kiện cho họ hình thành khu chợ gỗ ở 3 vùng Bắc, Trung, Nam.
+Hiệp hội đề nghị các bộ Tài chính, KH&ĐT, NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nhóm dự án chế biến gỗ lâm sản XK vào danh mục đối tượng được vay vốn đầu tư tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển với lãi suất 6,6%/năm trong Nghị định số 106/2004/NĐ-CP ngày 1/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đầu tư phát triển và theo tinh thần Chỉ thị số 19/2004/CT-TTg ngày 1/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ thiết bị.