Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2006
14 | 07 | 2007
Có thể nói năm 2006 là năm của hạt nhân và dầu mỏ, khi mà có hai lần dầu mỏ và hạt nhân trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu. Nhìn chung nỗi buồn chiến tranh, mất mát và sự bất ổn là nét chủ đạo trong số các sự kiện nổi bật của năm 2006.
Dưới đây là 10 sự kiện do các biên tập viên và cộng tác viên thường xuyên của chuyên mục Thế giới báo Dân trí đánh giá và bình chọn.

1. Hamas giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Palestine

Chiến thắng áp đảo của Phong trào Hamas trong cuộc bầu cử Nghị viện Palestine hôm 25/1 không chỉ phản ánh thái độ của người dân trước thực trạng tại vùng lãnh thổ này mà còn làm đổi thay viễn cảnh hoà bình Trung Đông và đẩy cuộc xung đột Israel - Palestine vào một giai đoạn bất ổn mới.

Phong trào Hamas nhận được sự ủng hộ rộng rãi của

người Palestine trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 25-1.

Nguyên nhân chiến thắng rất rõ ràng: cử tri Palestine thất vọng vì sự thiếu hiệu quả và nạn tham nhũng trong nội bộ đảng cầm quyền Fatah cũng như trong Chính quyền Palestine suốt 10 năm qua và họ muốn thay đổi.

Trong lúc đó, mối quan hệ giữa hai nhóm chính trị lớn của người Palestine là Fatah và Hamas trở nên cực kỳ căng thẳng đến nỗi người ta đã phải chuẩn bị tư thế để gọi đó là một cuộc nội chiến.

Riêng đối với Israel, chiến thắng của Hamas là một thảm hoạ. Giờ đây, trong chiến lược tranh cử của các chính trị gia Israel, có thêm một nhân tố mới cần tính toán: Làm thế nào đối phó với Chính quyền Palestine do Hamas lãnh đạo?

2. Khủng hoảng dầu mỏ Nga - Ucraina

Chiếc đồng hồ đo Gaz của hệ thống

khí đốt ở Ukraine hôm 1-1, ngày mà

Nga quyết định ngừng cung cấp khí

đốt cho Ukraine.

Quyết định giảm xuất khẩu 120 triệu m3 khí đốt tự nhiên mỗi ngày cho Ucraina hôm 1/1, sau khi Nga - Ucraina không đạt được thỏa hiệp về mức giá khí đốt mới, là một "lá bài" của Nga nhằm gây sức ép về kinh tế đối với Chính phủ của tân Tổng thống Ucraina Viktor Yuschenko. Vô hình trung nó đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, làm nảy sinh mối lo ngại về tình hình "an ninh năng lượng" ở Liên minh châu Âu (EU).

3. Vấn đề hạt nhân Iran

Iran tái khởi động chương trình

hạt nhân.

Iran tái khởi động chương trình làm giàu uranium. Việc Iran kiên quyết theo đuổi công nghệ hạt nhân đã cho thấy một thế giới mà các cường quốc mạnh nhất không còn là những nước độc tôn nắm các lá bài hạt nhân.

Lệnh cấm vận kinh tế trừng phạt Iran mà Liên hợp quốc đưa ra hôm 23/12 không làm nước này chùn bước. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sau đó vẫn cứng rắn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình làm giàu uranium và khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ phải hối tiếc vì những biện pháp trừng phạt chống lại Tehran.

Trước đó, như đổ thêm dầu vào lửa, Iran đăng cai một hội nghị với mục đích phủ nhận sự tồn tại của lò thiêu người và nạn diệt chủng với người Do Thái khiến cộng đồng thế giới phản đối dữ dội. Tình hình tại Iran đang trở nên không khác một lò phản ứng.

4. Đánh bom nhà thờ Hồi giáo tại Samarra

Đền thờ Askariya là một trong những

ngôi đền linh thiêng nhất ở Iraq.

Ngày 22/2, vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo, có vòm bằng vàng tại Samarra đã khởi đầu cho cơn bùng phát bạo lực không dứt tại Iraq và đẩy tình hình tới mức không thể kiểm soát.

Vụ tấn công đã phá hủy toàn bộ điện thờ Askariya, một trong những khu vực được coi là linh thiêng nhất của người Shitte ở Iraq, nơi lưu giữ thi hài của hai lãnh tụ Hồi giáo dòng Shiite vào thế kỷ 10 và thế kỷ 11, được xem là hai hậu duệ của đấng tiên tri Mohamed.

Sau đó, người Shitte không còn kiềm chế trước "hành động khủng bố" của người Sunni. Trong vòng ít ngày có tới hàng trăm người bị giết hại và hàng chục nhà thờ của người Sunni tại Iraq bị tấn công.

Trong năm 2006, hàng nghìn người người Iraq và khoảng 800 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, gần một triệu người phải sống trong cảnh tị nạn. Các phương tiện truyền thông đã bắt đầu sử dụng cụm từ "nội chiến" cho cuộc xung đột giáo phái ở đây. Cuối năm 2006, dư luận Mỹ đã quay lại chỉ trích mạnh mẽ chính phủ nước này về cuộc chiến tranh Iraq. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của Tổng thống Bush đã xuống mức thấp chưa từng thấy với một Tổng thống Mỹ trong thời gian chiến tranh.

5. Cuộc chiến Libăng

Ngày 12/7, chiến tranh nổ ra tại Libăng, khơi mào từ việc hai người lính Israel đã bị bắt cóc và 3 người khác bị các tay súng của lực lượng du kích Hezbollah giết hại.

Đống đổ nát tại một khu dân cư ở thành phố Beirut,

Libăng sau cuộc không kích của Israel.

Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah tại miền Nam Libăng đã dẫn tới một cuộc chiến tranh kéo dài 34 ngày đẫm máu, gây thương vong lớn cho dân thường, khiến quốc tế phẫn nộ. Cuộc chiến tranh này đã khẳng định quan điểm của những người coi Israel như một nguyên nhân chính gây bất ổn định tại khu vực Trung Đông.

Nhưng cuộc chiến tranh Libăng cũng chứng minh cho lập luận của những người coi sự nổi lên của Iran như một nhân tố gây bất ổn định nhất khu vực.

Đến 14/8, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel – Hezbolla chính thức có hiệu lực. Hậu quả của cuộc xung đột là hơn 900 người Libang thiệt mạng và thiệt hại kinh tế lên đến hơn 1 tỷ USD.

Việc Israel không thể tiêu diệt Hezbollah càng làm tăng thêm lòng tin của Iran, gây ra do những khó khăn cho Mỹ tại Iraq, làm cho giá dầu mỏ tăng vọt. Sau cuộc chiến uy tín của Hezbollah lại tăng mạnh khiến cho mâu thuẫn giữa chính phủ có quan điểm chống Syria và các lực lương thân Syria do Hezbollah lãnh đạo trở nên căng thẳng. Trong thời gian cuối năm, Hezbollah lại dồn sức ép lên chính phủ thân phương Tây tại Libăng với các cuộc biểu tình trên diện rộng dẫn đến lo ngại sẽ xảy ra một cuộc nội chiến đẫm tại đây.

6. Khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Liên tiếp trong các ngày 4-5/7/2006, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành phóng thử 7 quả tên lửa, trong đó có 2 quả tên lửa tầm xa. Tiếp đó, ngày 9/10/2006, Bình Nhưỡng tuyên bố đã tiến hành một vụ thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất. Liên hợp quốc sau đó đã thông qua nghị quyết về các biện pháp trừng phạt nước này.

Mô hình tên lửa Scud-B của CHDCND Triều Tiên

Dưới sức ép căng thẳng của cộng đồng quốc tế, CHDCND Triều Tiên vẫn kiên quyết đòi được có quyền thực hiện chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, ngày 18/12, sau những cuộc thương lượng tay đôi bí mật tại Bắc Kinh với Mỹ, Bình Nhưỡng đã quyết định quay lại bàn đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, với việc cả hai phía Washington và Bình Nhưỡng đều có thái độ cứng rắn không chịu nhượng bộ, tương lai của cuộc đàm phán 6 bên vẫn mù mịt. Năm 2006 dường như là một năm buồn với hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân.

7. Đảo chính Thái Lan

Đêm 19/9/2006, phe quân sự ở Thái Lan do Tướng Sonthi Boonyaratkalin cầm đầu đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Sinawatra.

Quân đội Thái tiến vào Toà nhà chính phủ, xe tăng được

triển khai bao quanh toà nhà.

Đây là lần đảo chính quân sự thứ hai ở Thái Lan trong vòng 15 năm. Tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, tại Thái Lan đã có hàng chục cuộc đảo chính.

Sự kiện đảo chính là kết cục của một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng ở Thái Lan. Trước đó, phe đối lập đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình rầm rộ để đòi ông Thaksin từ chức với lời cáo buộc ông này lạm quyền, tham nhũng và lừa dối sau khi ông bán tập đoàn truyền thông Shin Corp. của mình cho một công ty của Singapore với giá 1,9 tỷ USD mà không chịu thuế.

Sau cuộc đảo chính phe quân sự đã lập ra chính quyền lâm thời và tiến hành nhiều biện pháp để xây dựng cơ chế chính trị mới cho đất nước Thái Lan nhưng vẫn chưa thể đem lại ổn định thật sự cho nước này. Trong khi đó, tình hình bạo lực tại miền Nam Thái Lan vẫn liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các tỉnh tại khu vực này.

8. Scandal biếm họa đấng tiên tri Mohamed

Cơn giận dữ của người Hồi giáo liên quan tới tranh biếm hoạ nhà tiên tri Mohamed đã bùng lên dữ dội khi tháng 9/2005, tạp chí Jyllands-Posten tại Đan Mạch đã cho đăng 12 bức biếm hoạ nhà tiên tri Mohamed,. Vào đầu năm 2006, một loạt tờ báo khác ở Châu Âu đăng lại những bức biếm hoạ này. Trong số các bức biếm hoạ, có một bức vẽ cảnh nhà tiên tri quấn một chiếc khăn hình một trái bom đã châm ngòi, bất chấp việc luật Hồi giáo nghiêm cấm vẽ hình Mohamed.

Tín đồ Hồi giáo phản đối tranh biếm họa

Mohamed ở thành phố Karachi, Pakistan

Các cuộc biểu tình của người Hồi giáo phản đối tranh biếm hoạ Nhà tiên tri Mohamed đã lan rộng và trở thành một "hiện tượng mang tính toàn cầu" từ châu Âu sang châu Á.

Dư chấn của cơn phẫn nộ này vẫn còn âm ỉ, và suýt nữa có dịp bùng trở lại vì một câu nhỡ miệng của Giáo hoàng Benedict XVI, khi ông dẫn lại một câu nói từ thời Trung Cổ trong đó liên hệ Hồi giáo với bạo lực khiến cho cộng đồng Hồi giáo toàn thế giới phẫn nộ.

Biểu tình phản đối chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Giáo hoàng Benedict tại Istanbul

Dù người đứng đầu Nhà thờ Công giáo La Mã sau đó đã cải chính và xin lỗi nhưng dường như mối thâm thù giữa hai tôn giáo vốn đã trải qua hàng nghìn năm lại đang ngày một khơi sâu.

9. Thắng lợi của đảng Dân chủ

Nếu có một cuộc bầu cử quốc hội nào được cả thế giới nhìn vào thì đó là cuộc bầu cử của nước Mỹ. Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, phe Dân chủ giành thắng lợi lần đầu tiên sau 12 năm, giành quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện.

Thượng Nghị sĩ Hilary Clinton mừng thắng lợi của Đảng

Dân chủ cùng chồng, cựu Tổng thống Bill Clinton.

Cuộc bầu cử này được coi như sự phản đối của cử tri Mỹ đối với cuộc chiến tranh Iraq. Một ngày sau cuộc bầu cử, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã từ chức. Và quan điểm cho rằng cuộc bầu cử sẽ không thể dẫn tới sự thay đổi chính sách của Mỹ tại Iraq có vẻ bị lung lay hơn vào cuối năm nay. Tác nhân cho khả năng thay đổi của Mỹ trong chính sách Iraq là bản báo cáo của Nhóm nghiên cứu Iraq (ISG).

Khi nhận được bản báo cáo này đầu tháng 12, ông Bush có vẻ không muốn chấp nhận những đề nghị chính trong bản báo cáo là tiến hành đối thoại với Iran và Syria, đồng thời giảm lực lượng Mỹ tại Iraq. Song có lẽ đây là một thời điểm lớn, được coi như bước ngoặt trong những năm qua và người ta hy vọng việc Mỹ giảm bớt sự can dự tại khu vực sẽ giúp cho tình hình Trung Đông trở nên ổn định hơn.

10. Khủng hoảng giá dầu

Lại một lần nữa, giá dầu trở thành tâm điểm sự chú ý của thế giới. Căng thẳng giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran đã đẩy giá dầu thế giới tăng cao, với giá dầu thô tại thị trường Mỹ ở mức 66,91 USD/thùng. Điều này do Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ 2 của OPEC với sản lượng khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, đe dọa sẽ ngưng cung cấp dầu nếu chương trình hạt nhân của nước này bị đem ra trước Hội đồng Bảo an.

Cảnh xếp hàng chờ mua xăng ở tỉnh

Quảng Đông, Trung Quốc.

Bên cạnh đó, bạo lực tại Nigeria, nước xuất khẩu dầu đứng thứ 8 trên thế giới, cũng khiến giá dầu "nóng" lên, khi những nhóm nổi loạn tại nước này đe dọa tiến hành tấn công nhằm phá hoại các nhà máy dầu.

Bạn đọc sẽ thắc mắc rằng trong danh sách trên có vấn đề bị bỏ quên: sự vươn lên Châu Á mạnh mẽ. Nhưng sự nổi lên của Châu Á trong đó có Việt Nam là một tiến trình, chứ không phải là một sự kiện xảy ra đột ngột không tiên liệu.

Thế nhưng, giữa một châu Âu lục địa thu mình, một Trung Đông bất ổn, một châu Phi bạo lực triền miên và một nước Mỹ luôn luôn lo sợ, chúng tôi muốn giành một vài lời để nói về miền đất của hy vọng này.

Như Dominique Moïsi đã từng nói trong tiểu luận "Sự va chạm của các cảm xúc toàn cầu", hay nhà báo Thomas Friedman của New York Time cũng đã từng nhận xét: châu Á là hiện thân của hy vọng.

Chưa ở đâu và chưa bao giờ, có nhiều người nhanh chóng thoát khỏi nghèo đòi nhiều và nhanh bằng châu Á hiện tại.

Sự phát triển kinh tế phi thường tại Ấn Độ và Trung Quốc có thể là phát triển chính trị và kinh tế quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Hai nước có mức tăng trưởng được dự báo là cao nhất thế giới trong giai đoạn 2006-2010 là hai nước láng giềng châu Á: Trung Quốc và Việt Nam.

Và cũng vì thế, chúng ta có quyền mong đợi sẽ có một vài sự kiện bất ngờ, đẹp đẽ, huy hoàng xảy ra ở Châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung trong năm 2007 tới sau suốt 356 ngày qua chứng kiến quá nhiều máu và nước mắt.



(Theo Dan Tri)
Báo cáo phân tích thị trường