"Là người làm công tác chuyên môn, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức, nhưng lãnh đạo không ủng hộ thì rất khó cho anh em", ông Tâm trần tình.
Hiện 80% gia cầm tiêu thụ tại Hà Nội do các tỉnh cung cấp. Nếu muốn đảm bảo an toàn dịch thì thủ đô phải đầu tư xây lò mổ ở địa phương lân cận. Việc này được các địa phương, như Nam Định, rất ủng hộ. Thế nhưng, dự án này vẫn không được Hà Nội triển khai.
"Xây lò mổ ở tỉnh bạn là để phục vụ cho Hà Nội, không phải là giúp đỡ, hỗ trợ như nhiều người nghĩ. Nhưng đó chỉ là ý kiến của chúng tôi, còn việc thực hiện hay không lại phụ thuộc lãnh đạo thành phố", ông Tâm nói. Phó giám đốc Tâm đề nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về việc này.
Đại diện ngành nông nghiệp Bắc Giang cho rằng, muốn chống cúm gia cầm hiệu quả thì lãnh đạo từ trung ương xuống cấp cơ sở phải thông suốt, phải quyết tâm đến cùng. "Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho dân chủ quan, mà ngay cả chính quyền cơ sở còn rất thờ ơ với dịch cúm gia cầm. Tại Bắc Giang, giết mổ tập trung chỉ duy trì được thời gian ngắn, nay đã trở lại giết mổ nhỏ lẻ tại chợ, tại đường", ông này phản ánh.
Vị đại diện này cũng nhắn nhủ với người tiêu dùng Hà Nội: "Tuần nào Ban chỉ đạo cúm gia cầm của tỉnh cũng họp, các chốt kiểm dịch vẫn hoạt động 3 ca liên tục, nhưng phải thừa nhận là chúng tôi chỉ kiểm soát được khoảng 20% gia cầm lậu từ Trung Quốc, vượt qua cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, để về Hà Nội".
Phải giám sát gia cầm tới từng hộ chăn nuôi
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm Cao Đức Phát, bên cạnh 3 giải pháp khác là phát động tháng tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, tiêm phòng bổ sung gà, vịt ngay trong tuần này và tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, nhất là ở vùng biên giới. .
Ông Phát cảnh báo cúm gia cầm đe dọa cả nước. Đơn cử ấp Rạch Lùm B, nơi dịch cúm gia cầm tái phát đầu tiên trong năm nay, là vùng heo hút nhất của xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ấp này chỉ cách vịnh Thái Lan 9 km và rất gần mũi Cà Mau. "Trước đây chúng ta vẫn cảnh báo cúm gia cầm thường xảy ra ở đô thị, đông người qua lại, nhưng từ ổ dịch này cho thấy chẳng có chỗ nào là an toàn", Bộ trưởng Phát nói.
Theo báo cáo của Cục Thú y, từ điểm phát dịch đầu tiên ngày 6/12 tại ấp Rạch Lùm B, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, đến nay tỉnh Cà Mau đã phát hiện cúm gia cầm ở 8 ấp của xã Khánh Hưng, Khánh Hải, An Xuyên, Khánh Lâm, thuộc huyện Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau. Tại Bạc Liêu, dịch đã lan ra 6 hộ chăn nuôi ở 3 ấp của xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình.
Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy trong vùng dịch là gần 8.000 vịt và hơn 1.100 gà.