Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các nhà xuất khẩu cao su Việt Nam đã bỏ qua thị trường nội địa
20 | 05 | 2011
Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu mủ latex lớn thứ 4 thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 780 ngàn tấn, tương đương 2,3 tỷ USD. Năm 2010, giá mủ cao su đã tăng 82% so với năm 2009, đã giúp kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt mức gấp đôi so với năm 2009.
Tuy nhiên, để đáp ứng đơn hàng, các nhà xuất khẩu phải nhập khẩu mủ từ các nhà sản xuất khác để phục vụ sản xuất trong nước. Ông Đinh Ngọc Đạm, tổng giám đốc Công ty cao su Đà Nẵng cho biết các nhà sản xuất cao su chỉ tập trung thúc đẩy xuất khẩu, thay vì thị trường trong nước do giá thế giới đang tăng mạnh.

Công ty cao su Đà Nẵng đã hoàn tất việc xây dựng một nhà máy sản xuất lốp xe tại trung tâm thành phố Đà Nẵng. Nhu cầu mủ latex cho nhà máy mới này khoảng 20 ngàn tấn/năm và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu mua mủ cao su trong nước. Công ty đang nỗ lực mua cao su từ các khu vực trồng nhỏ lẻ, nhưng hoạt động này chứa đựng nhiều rủi ro, ông Đạm cho biết thêm.

Tuy nhiên, chủ tịch Tập đoàn Cao su Việt Nam Lê Quang Thung lại phủ nhận rằng các đối tác của tập đoàn không muốn bán mủ cho các nhà sản xuất nội địa, mà cho rằng nhiều công ty đã quay sang các nhà cung cấp khác và không chấp nhận giá chào bán của tập đoàn này.
Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, bà Trần Thị Thúy Hoa cho rằng vấn đề là ở các nhà sản xuất trong nước chỉ ký các hợp đồng tương đối nhỏ, trong khi đó các hợp đồng xuất khẩu lại có quy mô lớn hơn và dài hạn hơn.

Một thành viên Công ty Cao su Đắc Lắc cho rằng các nhà cung cấp mủ latex chỉ ưa thích các hợp đồng ký dài hạn với các đối tác nước ngoài, những khách hàng cam kết thực hiện hợp đồng bất chấp những thay đổi của giá thế giới. Ông cho biết, “Rất nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ tìm cách mua cao su khi giá tăng nhưng lại cố gắng không phải thực hiện hợp đồng khi giá xuống”.

Ông Lê Văn Huy, giám đốc công ty xuất khẩu MTV Huy Anh, cũng cho rằng các công ty nước ngoài sẵn sàng mua cao su ngay cả khi giá trên thị trường thay đổi, còn các doanh nghiệp trong nước thì luôn chần chừ khi giá xuống. Ông Huy cho biết chiến lược mua của các doanh nghiệp nước ngoài hiệu quả hơn với quy mô sản xuất lớn của họ. Ông nói: “Các doanh nghiệp nước ngoài mua có lộ trình tốt hơn những doanh nghiệp nội địa do họ có chiến lược kinh doanh dài hạn hơn. Đôi khi, các nhà cung cấp cao su phải chờ đơi suốt tháng để nhận được đơn hàng từ các doanh nghiệp mua nội địa, trong khi chỉ mất một ngày để nhận được đơn hàng cho khách hàng nước ngoài. Các công ty chế biến muốn chúng tôi bán cao su cho những khách hàng nội địa, nhưng chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường. Nếu một doanh nghiệp chào hàng cho chúng tôi cùng thời điểm với các doanh nghiệp nước ngoài và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi sẽ bán mủ lập tức cho họ”.

Kim Dung
Theo: Vietnam News


Báo cáo phân tích thị trường