Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chiến tranh lương thực: Bàn tay Phố Wall
23 | 05 | 2011
Cung cầu đương nhiên ảnh hưởng đến cơn sốt giá lương thực, nhưng có một nguyên nhân khác khiến giá mặt hàng này tăng chóng mặt thời gian qua: nạn đầu cơ ở Phố Wall.

Các “phù thủy” Goldman Sachs

Những bộ óc thông minh của Ngân hàng Goldman Sachs từ lâu đã nhận ra một thực tế đơn giản rằng không thứ gì giá trị hơn những bữa ăn hàng ngày. Và nơi nào có giá trị, nơi đó có thể làm tiền.

Năm 1991, Ngân hàng Goldman, dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Gary Cohn, cho ra đời một sản phẩm đầu tư mới, một sản phẩm phái sinh bao gồm 24 loại nguyên liệu thô, từ kim loại quý và năng lượng đến các loại nông sản như cà phê, ca cao, gia súc, bắp, lợn, đậu nành và lúa mì.

Bằng những “thủ thuật” nhà nghề họ “hô biến” một tập hợp hỗn độn những mặt hàng này thành một công thức toán học có thể biểu diễn bằng một con số duy nhất, được biết đến với tên gọi Chỉ số Hàng hóa Goldman Sachs (GSCI).

Các thị trường tương lai trong truyền thống gồm 2 nhóm. Một bên là nông dân, chủ kho và các nhà phân phối lương thực. Nhóm này không chỉ bao gồm những người trồng bắp ở Iowa hay nông dân lúa mì ở Nebraska, mà có cả những công ty đa quốc gia như Pizza Hut, Kraft, Nestlé, Sara Lee, Tyson Foods, và McDonald - những công ty có cổ phiếu tăng hay giảm phụ thuộc vào khả năng mang lương thực của họ đến cửa sổ xe hơi, siêu thị hay nhà hàng.

Lực lượng còn lại là các nhà đầu cơ. Những người này không sản xuất, tiêu thụ hay cất trữ lương thực. Các nhà đầu cơ kiếm tiền thông qua những hoạt động buôn bán truyền thống, tức mua rẻ bán đắt.

Chỉ có mua và mua

Cấu trúc của GSCI đã không hề chú trọng đến những hoạt động truyền thống hàng bao thế kỷ qua của thị trường là mua-bán/bán-mua. Thực tế, sản phẩm phái sinh của họ thuộc dạng “chỉ có dài hạn”, tức được hình thành từ các loại hàng hóa được mua và chỉ mua mà thôi.

Chiến lược này nhằm mục đích biến sản phẩm đầu tư thành một loại tài sản giống như chứng khoán, có thể để cả hàng thập niên mà không hư hại. Một khi thị trường hàng hóa được “hô biến” trở nên giống thị trường chứng khoán, các ngân hàng có thể mong chờ dòng tiền chảy vào. Nhưng chiến lược dài hạn này phá hỏng những bản chất tự nhiên của các thị trường hàng hóa. Thay vào đó, nó khiến các ngân hàng chỉ lo đi mua cho dù giá cả như thế nào. Và như vậy, giá hàng hóa chỉ có tăng và tăng.

Các ngân hàng bắt đầu nhận thấy đây là cơ hội có thể kiếm lời tốt. Hàng chục nhà đầu cơ ở Phố Wall đã theo chân Goldman Sachs, trong đó có những tên tuổi lớn như Barclays, Deutsche Bank, Pimco, JP Morgan Chase, AIG, Bear Stearns, và Lehman Brothers. Làn sóng đầu cơ này không chỉ tạo ra những cơn “sóng thần” ở thị trường Hoa Kỳ, mà trên cả thế giới.

Từ sau sự đổ vỡ của bong bóng công nghệ năm 2000, số tiền chảy vào các quỹ đầu cơ hàng hóa tăng gấp 50 lần. Năm 2003, tổng giá trị đầu cơ vào các thị trường hàng hóa tương lai ở Hoa Kỳ chỉ đạt 13 tỷ USD. Nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường chứng khoán sụp đổ năm 2008 và các loại ngoại tệ chính như USD, bảng Anh, EUR... đều bị mất niềm tin, hàng hóa (trong đó có lương thực) trở thành một nơi lý tưởng cho các quỹ mạo hiểm, hưu trí và các quỹ đầu tư quốc gia.

Tăng 1.900 lần

Chỉ trong 55 ngày đầu tiên của năm 2008, giới đầu cơ đổ 55 tỷ USD vào các thị trường hàng hóa và đến tháng 7 cùng năm, có 318 tỷ USD đổ vào các thị trường này. Diễn biến này dĩ nhiên đẩy giá lương thực toàn cầu lên chót vót. Lúa mì đỏ cứng mùa xuân thường được bán với giá 4-6USD/giạ (36 lít), nhưng cùng làn sóng đầu cơ, đã tăng chạm đỉnh 25USD/giạ.

Từ năm 2005-2008, giá lương thực thế giới tăng 80%. Nghiên cứu của Viện Chính sách trái đất (EPI) cho biết giá lương thực càng tăng, dòng tiền đầu cơ vào các mặt hàng này càng nhiều. Từ năm 2003-2008, dòng tiền đầu cơ của các quỹ mạo hiểm và ngân hàng đổ vào thị trường lương thực phái sinh tăng tới 1.900%!

Trả lời trước Thượng viện Hoa Kỳ về vấn đề này, Mike Masters (thuộc Masters Capital Management), giải thích: “Chúng tôi bắt đầu ý thức về hiện tượng đầu cơ này từ năm 2006. Trong 2 năm 2007-2008, nó phát triển mạnh. Hiện nay 70-80% các vụ mua bán nông sản đều có tính đầu cơ. Thị trường đã bị các ngân hàng làm méo mó.

Thí dụ: Một nơi nào đó trên thế giới mất mùa. Khi ấy giá gạo sẽ tăng khoảng 1USD (thùng 13 lít). Nhưng khi một thị trường có mức đầu cơ lên đến 70-80%, giá gạo sẽ tăng 2-3USD để chi trả các phí tổn phụ. Sự gia tăng đầu cơ đã khiến thị trường lương thực càng mất ổn định”. Theo nghiên cứu của EPI, nhóm thứ 2 (các nhà đầu cơ) trước đây chỉ bằng 1/5 nhóm thứ nhất (gồm nông dân, chủ kho và các nhà phân phối lương thực) trong thị trường lương thực phái sinh. Nhưng nay, tỷ lệ này đã đảo chiều ngoạn mục thành 4/1.

Ngày nay, các ngân hàng và nhà giao dịch chiếm vị trí cao nhất trong “chuỗi thức ăn”, ăn hết lợi nhuận của mọi người. Gần dưới đáy chuỗi này là nông dân. Đối với họ, giá lương thực cao hiển nhiên là điều đáng mừng. Nhưng giới đầu cơ hàng hóa đã khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn đối với nông dân, từ hạt giống đến phân bón và dầu diezel (để chạy máy nông nghiệp).

Dưới đáy chuỗi này là người tiêu dùng. Đối với người Hoa Kỳ và công dân các nước phát triển, nơi chỉ dùng 8-12% thu nhập cho thức ăn, chuyện tăng giá lương thực chẳng ảnh hưởng mấy. Nhưng với hơn 2 tỷ người ở các nước đang phát triển, nơi người dân chi hơn 50% thu nhập cho thức ăn, hậu quả từ hoạt động đầu cơ rất lớn. Năm 2008, thế giới có thêm 250 triệu người rơi vào cảnh thiếu ăn do giá lương thực tăng cao.



Theo cafef.vn
Báo cáo phân tích thị trường