Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nông nghiệp: Khi doanh nghiệp nắm thế chủ động
26 | 08 | 2007
Cuối tháng 12/2006, Công ty Cổ phần Việt Đức đã chủ động tổ chức một cuộc hội thảo tại tỉnh Điện Biên nhằm tìm hướng phát triển cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là lúa gạo.

Lâu nay, việc liên kết "4 nhà" trong lĩnh vực nông nghiệp gồm nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và Nhà nước vốn giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Song, mối liên kết ấy lại thường thiếu đi sự “kết dính”, khiến cho liên kết trở nên lỏng lẻo, hình thức và thiếu hiệu quả.

Do đó, việc một doanh nghiệp giành thế chủ động về mình sẽ mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực nông sản.

Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty Việt Đức, cho biết hy vọng động tác này của mình sẽ nhận được sự phối hợp của các nhà khoa học, chính quyền địa phương, người nông dân ở Điện Biên, nhằm quy hoạch một vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị của hạt gạo Điện Biên nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Ông cho biết công ty đã lập dự án quy hoạch thí điểm vùng lúa đặc sản khoảng 200ha tại cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên và tiếp tục triển khai tại các vùng lúa đặc sản khác.

"Để bà con nông dân yên tâm, doanh nghiệp chúng tôi phải ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón, mỗi ha khoảng 10-15 triệu đồng, đồng thời đưa kỹ sư trực tiếp nằm vùng tại vùng nguyên liệu hướng dẫn bà con nông dân làm theo đúng quy trình", ông Đức nói và cho biết thêm, hiện công ty đang tiếp tục đặt hàng với Viện Di truyền học để có được các giống lúa mới, chất lượng cao.

Theo GS. TSKH Lê Doãn Diên, Tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ không thể tạo ra được các sản phẩm tốt, nếu đầu vào sản xuất chỉ do các hộ nông dân cá thể cung ứng như hiện nay. Cho nên, cần có các doanh nghiệp đứng ra đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn.

Ngay lập tức, tỉnh Điện Biên - một địa phương có đặc sản gạo nổi tiếng - đã có những hồi âm tích cực.

Ông Bùi Viết Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, bày tỏ: "Thời gian qua tỉnh đã liên kết với các nhà khoa học thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công. Còn sự liên kết giữa nhà nông, chính quyền và nhà doanh nghiệp gần như chưa có. Chính vì vậy mong muốn của chúng tôi là thu hút được các doanh nghiệp về đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp để phát huy lợi thế của địa phương đặc biệt là gạo đặc sản Điện Biên.

Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, mặt hàng nông lâm sản vẫn được xác định là mũi nhọn. Về phía địa phương chúng tôi sẽ nỗ lực cải tiến thủ tục, tạo hàng lang pháp lý thông thoáng cho các nhà đầu tư".



vietnameconomy
Báo cáo phân tích thị trường