Những giai đoạn đầy biến động trên các thị trường hàng hóa
Các thị trường hàng hóa thế giới trong 3-4 năm qua đã trải qua những thời gian đầy biến động. Tính bất ổn đã trở thành một đặc trưng của các sản phẩm năng lượng, kim loại và nông sản. Những yếu tố đa chiều – tích cực hoặc tiêu cực – khiến cho thị trường luôn đi theo những hướng trái chiều.
Tính bất ổn trên các thị trường hàng hóa không chỉ quyết định bởi tăng trưởng nhu cầu bền vững hay những quan ngại về tăng trưởng chu kỳ, sự thiếu ổn định của nguồn cung, biến động tiền tệ, khủng hoảng nợ công, bất ổn địa chính trị như những thay đổi trong chính sách thương mại và thuế quan, mà còn bởi quá trình tài chính hóa ngày càng nhanh của các thị trường này. Mặc dù các thị trường hàng hóa nông sản vẫn giữ được sự cách ly tương đối so với sự xoay vần chung trên các thị trường khác, một loạt những diễn biến thời tiết bất thường, đặc biệt trong năm 2010, đã tác động mạnh đến giá hàng hóa nông sản.
Diễn biến thời tiết tiêu cực
Bắt đầu với thời tiết ẩm ướt bất thường tại Cananda, hạn hán lịch sử ở Nga, lũ lụt ở Pakistan và mùa mưa kéo dài tại Ấn Độ, đã tàn phá mùa màng. Sau đó, lũ lụt tại Úc và Brazil, hạn hán cục bộ tại một số khu vực của Trung Quốc đã cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Các nhà xuất khẩu truyền thống trên thế giới bắt đầu nhận thấy thặng dư xuất khẩu giảm dần, trong khi nhu cầu nội địa ngày một tăng.
Do lạm phát bắt đầu nhen nhóm trên các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, các nước này đã dần thắt chặt tiền tệ. Thậm chí tín dụng ngân hàng dần bị đóng băng tại các nước đang phát triển (chủ yếu để ngăn bong bong tài sản hoặc tình trạng kinh tế tăng trưởng nóng); trong khi đó, các nước đang phát triển, dẫn đầu bởi Mỹ, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, với việc giúp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và lãi suất gần như bằng 0.
Những động lực trên thị trường lương thực thực phẩm
Đối với những doanh nghiệp kinh doanh nông sản toàn cầu, những động lực chính trên các thị trường đều khá rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế bền vững và dân số tăng nhanh, đặc biệt là tại khu vực kinh tế đang phát triển như châu Á, cùng với thu nhập đầu người tăng, đã thúc đẩy nhu cầu đối với tất cả các mặt hàng nông sản. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa và thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm cùng lực lượng tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, cũng giúp tăng nhu cầu.
Các động lực thị trường khác cũng có tính hỗ trợ. Các chính sách nông nghiệp của những nước thuộc OECD, bao gồm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hay chính sách trợ cấp, giá dầu thô tăng, nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học tăng, sự khan hiếm đất đai, sự thiếu hụt nguồn nước, cũng như những mối đe dọa từ hiện tượng nóng lên toàn cầu, đang đẩy giá nông sản ngày một cao. Một nhân tố khác là vai trò của các luồng vốn đầu cơ (không liên quan đến các yếu tố cơ bản của thị trường) cũng đẩy giá cao một cách méo mó.
Năm 2011 bắt đầu với mức dự trữ thấp tại hầu hết các loại hàng hóa nông sản thiết yếu. Cộng với các diễn biến bất thường của thời tiết – El Nino và La Nina – cũng làm giảm nguồn dự trữ và các quốc gia buộc phải tính đến một giải pháp an toàn cho diễn biến giá vọt cao.
Những khuynh hướng đang nổi lên
Những khuynh hướng đang nổi lên trên các thị trường hàng hóa nông sản nhìn chung đã khá rõ ràng. Các nước đang phát triển sẽ tăng cường sản xuất, tiêu dùng và thương mại. Điều quan trọng là toàn bộ cơ cấu chi phí sản xuất nông nghiệp sẽ dịch chuyển theo khuynh hướng tăng cao hơn. Điều này đặc biệt được khuyến khích bởi giá dầu ngày càng tăng, khiến không chỉ chi phí đầu vào tăng lên mà chi phí phân phối và sản xuất thực phẩm cũng tăng theo. Giá nhiên liệu thô tăng cũng đẩy cao nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học. Điều này lại ảnh hưởng trở lại đối với nguồn cung nông sản, giá và các luồng thương mại của nhiều loại hàng hóa nông sản.
Theo sự vận động “nước lên thì thuyền cũng lên”, diễn biến này tác động lên cả những loại hàng hóa nông sản mà các yếu tố cơ bản trên các thị trường này có thể không quyết định đáng kể tới biến động giá. Thậm chí nếu một hàng hóa nông sản đang ở tình trạng thặng dư cung cầu – một giả thiết hầu như không xảy ra hiện nay – hiện tượng giá tăng bất thường của loại hàng hóa nông sản đó sẽ kéo theo diễn biến tương tự trên các thị trường khác.
Cần phải nhắc lại rằng châu Á sẽ là bắt nguồn cho hầu hết các thị trường hàng hóa toàn cầu. Nhu cầu đối với các hàng hóa lương thực – thực phẩm tại khu vực này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Thu nhập tăng lên, kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng. Không chỉ tại Trung Quốc và Ấn Độ, vấn đề cung cấp đủ lương thực cho các đất nước đông dân tại châu Á như Indonesia, Pakistan và Bangladesh vẫn là câu hỏi chưa có lời giải hiện nay.
Những bất ổn chính
Vấn đề thời tiết là một trong những bất ổn chính cần quan tâm hàng đầu. Liệu những diễn biến thời tiết khắc nghiệt trong năm 2010 có tiếp diễn trong năm 2011?
Vấn đề tiền tệ là vấn đề cần quan tâm thứ hai. Liệu đồng USD có tiếp tục yếu đi hay sẽ tăng lên? Khi nào chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ kết thúc và liệu thế giới có một trật tự tiền tệ mới hay không?
Liệu bất ổn địa chính trị hiện nay sẽ di theo hướng nào. Những bất ổn này sẽ tiếp tục leo thang hay được giải quyết trong thời gian tới.
Giá dầu thô sẽ phụ thuộc vào việc bằng cách nào vấn đề địa chính trị được dàn xếp và các nước đối phó với áp lực lạm phát ra sao. Một thực tế ít được chú ý hơn là tại Mỹ, các nhà điều tiết thị trường (SEC và CFTC) đang xem xét Luật Dodd-Frank, theo đó sẽ áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các thị trường chứng khoán và thị trường phái sinh hàng hóa. Hệ thống quy định ngặt nghèo hơn sẽ buộc các quỹ đầu cơ phải rời bỏ thị trường, có thể giúp làm dịu đi giá cả hàng hóa. Lạm phát tiếp tục là một vấn đề đau đầu tại nhiều nước, như Ấn Độ. Chính phủ nước này đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát giá lương thực.
Bất chấp sự bật tăng sản lượng mùa vụ 2010 – 2011 và nguồn dự trữ ngũ cốc công ngày một dồi dào, hiện vẫn không có bất cứ một tín hiệu ngừng tăng giá lương thực. Các nhà làm luật không thể tiếp tục lờ đi thị trường hàng hóa nông sản ngày một nóng lên. Do đó, cần có những nỗ lực không mệt mỏi để thúc đẩy sản lượng lương thực nội địa và giảm chi phí sản xuất. Giảm chi phí sản xuất có thể thực hiện thông qua tăng năng suất.
Kim Dung AGROINFO
Theo The Hindu Business Line