Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm vẫn sẽ tăng trong 10 năm tới
17 | 06 | 2011
OECD và FAO cùng nhận định, giá thực phẩm sẽ cao hơn trong thập kỷ tới, hơn những gì đã diễn ra trong 10 năm qua, vì sản lượng nông nghiệp tăng chậm hơn nhu cầu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Liên Hợp quốc (UN) cùng nhận định, giá thực phẩm vẫn cao hơn trong thập kỷ tới, hơn những gì đã diễn ra trong 10 năm qua, vì sản lượng nông nghiệp tăng chậm hơn nhu cầu.

Trong báo cáo thường niên về triển vọng nông nghiệp công bố hôm nay 17/6, OECD và Tổ chức Nông lương của UN (FAO) cho rằng sản lượng nông sản sẽ chỉ tăng bình quân 1,7%/năm đến năm 2020, so với mức tăng 2,6% của thập kỷ trước.

Báo cáo của hai tổ chức này ghi rõ “Sản lượng sẽ tăng chậm lại ở hầu hết các nông sản, đặc biệt là hạt có dầu và ngũ cốc. Nhu cầu trong khi đó không ngừng tăng và sẽ gây sức ép lên giá”.

Giá thực phẩm toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 2 năm nay, dựa trên chỉ số của 55 nông sản được theo dõi bởi FAO. Giá ngô đã tăng 73% trong vòng 12 tháng, lúa mì tăng 48% còn gạo tăng 27%.

Dự trữ ngô toàn cầu dự kiến sẽ giảm năm thứ ba liên tiếp trong vụ mùa 2011/12 và ở mức thấp nhất 3 năm, trong khi nhu cầu sẽ tăng lên mức kỷ lục, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Dự trữ đậu tương có thể giảm năm thứ 2 liên tiếp xuống mức thấp nhất của 18 năm.

FAO hồi tháng trước dự báo, dân số thế giới sẽ tăng lên 9,2 tỷ người vào năm 2050, so với 6,9 tỷ của năm 2010, cần thêm 70% sản lượng thực phẩm so với hiện tại. Giá ngô đã ở mức cao kỷ lục trong tháng 6 này vì nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi và sản xuất ethanol vượt qua khả năng sản xuất và làm cạn kiệt nguồn dự trữ.

Trong báo cáo công bố hôm nay, OECD và FAO cùng đưa ra khái quát giá nông sản năm qua và dự báo giá sẽ tăng tiếp trong 10 năm tới, mạnh hơn biến động của thập kỷ trước. Hai tổ chức này cho rằng giá hàng hóa cao có thể là dấu hiệu tích cực vì sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

OECD và FAO tuy nhiên thừa nhận rằng, giá hàng hóa tăng cao đang làm thay đổi chế độ ăn uống của người dân khắp thế giới, khiến lạm phát giá thực phẩm tăng ở hầu khắp các nước, làm giảm sức mua của các nước nghèo và làm tăng nỗi lo về ổn định kinh tế và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.

Tiêu thụ thực phẩm bình quân theo đầu người trong thập kỷ này sẽ tăng mạnh nhất ở Đông Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh vì thu nhập tăng lên. Giá dầu thực vật, đường, thịt và các sản phẩm từ sữa sẽ được lợi nhất.

Tình hình thiếu thực phẩm ở các nước hạ Sahara sẽ gia tăng vì dân số tăng nhanh vượt quá nguồn cung thức ăn.

Chế độ ăn uống cũng sẽ thay đổi theo thu nhập, với tiêu thụ bình quân theo đầu người đối với thịt và sữa cao hơn còn lúa mì giảm xuống.

Về cung cấp, mậu dịch gạo toàn cầu sẽ tăng trong 10 năm tới, chèo lái bởi xuất khẩu tăng từ Việt Nam – nước có thể vượt qua Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Xuất khẩu đường vẫn sẽ do Braxin quyết định, chiếm hơn nửa tổng mậu dịch đường toàn cầu. Trung Quốc sẽ là nước nhập khẩu đường lớn nhất thế giới cho đến tận năm 2020.

Theo Cafef



Báo cáo phân tích thị trường