Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
G20 lập kế hoạch toàn cầu kiểm soát giá lương thực
18 | 06 | 2011
G20 sẽ lập một Hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp để theo dõi lượng lương thực mà khu vực nhà nước và tư nhân đang nắm giữ.

Các bộ trưởng nông nghiệp thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã nhất trí một Kế hoạch hành động toàn cầu nhằm kiểm soát giá lương thực vốn đã vượt tầm kiểm soát và ngày càng trở nên biến động từ năm 2008.

Trọng tâm của kế hoạch, sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp đầu tiên của G-20, dự kiến diễn ra tại Paris, Pháp trong hai ngày 22-23/6 tới, là việc thành lập một Hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp để theo dõi lượng lương thực mà khu vực nhà nước và tư nhân đang nắm giữ.

Hệ thống này được thiết kế nhằm tăng cường sự minh bạch và ổn định trên các thị trường lương thực thế giới.

Một số nước thường rất bí mật về số lượng lương thực mà họ đang có. Sự mập mờ này đang cản trở những nỗ lực nhằm đánh giá một cách chính xác khoảng cách cung-cầu lương thực toàn cầu và thổi phồng những biến động thị trường.

Những biện pháp khác là việc thành lập một Hệ thống dự trữ lương thực nhân đạo khẩn cấp, do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) quản lý, nhằm giảm nhẹ sự biến động và đảm bảo rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương có thể nhanh chóng tiếp cận được lương thực.

Các bộ trưởng Nông nghiệp G-20 cũng sẽ cam kết hủy bỏ những quy định hạn chế xuất khẩu lương thực và các khoản thuế đặc biệt đối với những hợp đồng mua lương thực vì mục đích nhân đạo, phi thương mại, đồng thời ủng hộ việc có những quy định quản lý tốt hơn các thị trường nông sản giao sau và phái sinh.

Trong báo cáo về "Triển vọng Nông nghiệp năm 2011-2020," Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định cộng đồng quốc tế đang đứng trước nguy cơ giá lương thực leo thang và giá hàng hóa trên các thị trường không ổn định.

Báo cáo cảnh báo trong thập kỷ tới, giá ngũ cốc thực tế có thể tăng trung bình khoảng 20% và giá thịt tăng khoảng 30% so với thập kỷ 2001-2010. OECD và FAO dự kiến sản xuất nông nghiệp toàn cầu trong thập kỷ tới tăng chậm hơn 10 năm qua, trong đó sản lượng nông nghiệp tăng trung bình khoảng 1,7%/năm, thấp hơn mức 2,6% trong thập kỷ qua.

Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf nhấn mạnh giá cả biến động có thể tiếp tục diễn ra trên các thị trường nông phẩm. Do đó, chính phủ các nước cần tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển khu vực nông thôn và áp dụng các chính sách thích hợp khác để giảm bớt tính không ổn định và các tác động tiêu cực của giá nông phẩm.

Theo Vietnam+

 
 


Báo cáo phân tích thị trường