Chiều 23-6, Sở Công thương TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) về tiến độ triển khai, những khó khăn vướng mắc sau hơn 2 tháng thực hiện chương trình bình ổn giá bán các mặt hàng thiết yếu năm 2011.
Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương, đến thời điểm này, giá bán nhiều mặt hàng bình ổn vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường 10%. Số lượng hàng hóa của các DN đưa ra thị trường đầy đủ, việc mở các điểm bán tại các huyện ngoại thành đang được triển khai ráo riết.
Các DN đều cho biết đang nỗ lực kết nối với các đối tác, thông qua việc ứng vốn để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa có giá phù hợp. Tuy nhiên, ở một số nhóm hàng do nguồn cung đang trở nên khan hiếm nên ảnh hưởng rất lớn đến việc định giá hàng bình ổn.
Ông Trần Tấn An, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, trong ngày 23-6, giá heo hơi tại TPHCM đã lên đến 63.000 đồng/kg (ở các tỉnh phía Bắc là 68.000 đồng/kg), kéo theo giá thịt đùi ngoài thị trường tăng lên 105.000 - 110.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán giá 130.000 đồng/kg. Giá các loại giò chả chế biến từ thịt heo cũng vượt mức 180.000 đồng/kg.
Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết, công ty có nhu cầu mua khoảng 2 triệu quả trứng/ngày, nhưng do nguồn cung từ các tỉnh đã giảm đến 30% vì Trung Quốc mua gom vịt thải và trứng vịt muối, phục vụ cho mùa bánh Trung thu sắp tới. Dù công ty đã cam kết thu mua và cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông trại, nhưng do giá trứng trên thị trường tăng quá nhanh khiến các đơn vị này không thể bán cho Ba Huân với mức giá rẻ hơn 5%.
Theo bà Huân, giá trứng vịt trên thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng từng ngày. Nhiều DN lo ngại, tháng 6, thị trường đang rơi vào giai đoạn mua sắm thấp điểm nhưng giá nhiều loại thực phẩm đã tăng rất cao. Từ tháng 9 đến Tết Nguyên đán, sức mua sẽ tăng kéo theo giá thịt heo và trứng gia cầm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.
Trước tình hình này, bà Lê Ngọc Đào yêu cầu các DN tiếp tục cung ứng, đưa hàng hóa ra thị trường theo đúng số lượng cam kết. Đối với các nhóm hàng có nguyên liệu đầu vào tăng, các sở ngành chức năng cũng sẽ xem xét lại giá bán cho phù hợp, theo hướng không tạo vùng trũng về giá đối với hàng bình ổn, đặc biệt là trứng gia cầm và thịt heo.
Để hàng bình ổn đủ sức chi phối trong thời điểm giá cả biến động, sắp tới sở sẽ bàn bạc kỹ với các DN về cách thức tổ chức nguồn hàng tăng số lượng, chủng loại hàng hóa, phục vụ cho những tháng cuối năm. Ngay cả mặt hàng sữa bột, TP cũng đang xem xét và phê duyệt thêm một số loại sữa Cô gái Hà Lan (cùng với NutiFood và Vinamilk), đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân TP.
Cùng với việc phát triển nguồn hàng, TP cũng tập trung phát triển các điểm bán, trong đó ưu tiên ở các huyện Hóc Môn, Cần Giờ, khu công nghiệp – khu chế xuất,… để người lao động có thể mua được hàng bình ổn.
Trong tháng 7, có 3 cửa hàng bình ổn do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn là chủ đầu tư, được khai trương tại huyện Cần Giờ. Đối với khu vực nội thành, TP không có chủ trương phát triển thêm các cửa hàng, mà tập trung vào việc nâng cấp hệ thống phân phối sẵn có của các DN, từ đó đa dạng hóa nguồn hàng, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng bình ổn cho người tiêu dùng.
* Do giá trứng vịt ngoài thị trường đã đứng ở mức 36.000-37.000 đồng/chục, từ ngày 22-6, giá trứng vịt trong chương trình bình ổn sẽ được điều chỉnh từ 29.500 đồng lên 32.500 đồng/chục.
|
Theo Thúy Hải
SGGP