Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tín hiệu tốt của ngành cá tra Việt Nam
25 | 06 | 2011
Theo Vasep, 45 vùng nuôi cá tra của Việt Nam vừa nhận chứng chỉ GlobalGAP. Việt Nam chiếm 95% thị phần cá da trơn phile trên thế giới.

Vasep cũng cho biết hiện 18 vùng nuôi khác cũng đang chờ kết quả xem liệu có đạt chứng nhận GlobalGAP – chứng chỉ quôc tế về đảm bảo xuất xứ nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm thông qua chuỗi cung ứng sản xuất cho hoạt động nuôi trồng, quản lý vật nuôi và nuôi cá.

Đồng thời, nhiều vùng nuôi cá tra của Việt Nam cũng đã nhận được các chứng nhận quốc tế khác, bao gồm AquaGAP, một tiêu chuẩn mới về thực hành nông nghiệp tốt và Thực phẩm an toàn (SQF – Safe Quality Food).

Nhờ đạt được những chứng chỉ quốc tế này, hiện uy tín của ngành cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới đang được cải thiện, giúp Việt Nam giành thị phần lớn hơn tại các thị trường truyền thống và mở ra cơ hội tại các thị trường khác.

Những yêu cầu đối với vùng nuôi theo các tiêu chuẩn này bao gồm việc áp dụng các mô hình nuôi mới, khu nuôi cá phải ở vị trí xa khu dân cư. Nguồn nước dùng cho hoạt động nuôi phải là nước sạch và được vệ sinh từ 2 – 3 ngày một lần trước khi được chuyển sang nuôi cá tra. Chất thải từ hoạt động nuôi phải được xử lý tốt trước khi thải ra môi trường nhằm đảm bảo không làm ô nhiễm. Ngành cá tra Việt Nam đã mở rộng gấp 5 lần trong thập kỷ qua, với mức tổng sản lượng hiện đạt 1,35 triệu tấn.

Trong quý 1/2011, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 153 ngàn tấn cá da trơn, trị giá 376 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Giá trị xuất khẩu hàng năm mặt hàng này của Việt Nam đã đạt 1,4 tỷ USD, so với 40 triệu USD cách đây một thập kỷ.

Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 1,8 tỷ USD trong năm 2011, 2,6 tỷ USD vào năm 2015 và 3,6 tỷ USD vào năm 2020.

Kim Dung AGROINFO

Theo fis.com


Báo cáo phân tích thị trường