Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Còn thiếu cú hích cho doanh nghiệp
26 | 06 | 2011
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 84 về một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách này liệu có tạo ra sức hút lớn đối với doanh nghiệp vào lĩnh vực được cho là chưa thực sự hấp dẫn này?

Có tạo cú huých cho doanh nghiệp?

Theo thông tư của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp đầu tư những dự án nông nghiệp như trồng rừng, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản; sản xuất, khai thác, tinh chế muối, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản… sẽ được hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn đầu tư, quản lý, chuyển giao công nghệ…Thậm chí doanh nghiệp sẽ được ứng trước 30% vốn để đầu tư mới cho dự án sản xuất thử nghiệm (nếu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt). Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có sản phẩm đầu ra phục vụ cho thị trường trong nước thì được hỗ trợ 50% kinh phí vận tải với số tiền tối đa không quá 500 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp ngành nông nghiệp, đã có rất nhiều văn bản, quyết định của chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trên địa bàn nông thôn nhưng triển khai các chính sách đó lại không được theo dõi, giám sát khiến cho doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi này không dễ, hiệu quả chưa thực sự rõ ràng. Thậm chí, doanh nghiệp từ vị trí được khuyến khích, ưu đãi thành người phải chạy vạy, xin - cho…

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) Phạm Quang Hiển cho rằng, chính sách thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn bất nhất, với trường hợp của Vinafor thì càng rõ nét. Điển hình là Nhà nước đã có cơ chế quy hoạch sử dụng đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người trồng rừng, nhưng việc thực thi cấp giấy này quá chậm khiến doanh nghiệp khó đầu tư vốn cho nông dân trồng và chăm sóc rừng.

PGS.TS Nguyễn Đình Tài - chuyên gia Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Những việc Nhà nước và chính quyền các cấp phải trực tiếp làm để thúc đẩy đầu tư nhiều hơn nữa về nông thôn là tháo gỡ được các khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể được tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn tài nguyên đất đai, mặt nước, rừng, biển. Nhà nước cần xây dựng, công bố rõ ràng quy hoạch các ngành, các sản phẩm để doanh nghiệp có thể đầu tư theo từng vùng, địa phương. "Cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất thu hút các doanh nghiệp đầu tư vốn về nông thôn" - ông Tài nhấn mạnh.

Cần những thay đổi lớn về cơ chế chính sách!

Làm thế nào để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tương xứng với tiềm năng của nó. Phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Đào Quang Thu - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ KHĐT).

Thưa ông, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (NN-NT) của chúng ta hiện nay còn quá thấp, ông đánh giá điều này như thế nào?

- NN và phát triển NT luôn là các lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư trong chiến lược phát triển quốc gia. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước, kể cả vốn đầu tư nước ngoài vào NN-NT thời gian qua còn hết sức hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp VN. Thiếu vốn đầu tư khiến cho NN và kinh tế NT chậm phát triển, chênh lệch giàu nghèo giữa NT và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi ngày càng doãng ra. Sản xuất NN vẫn mang nặng tính chất của một nền sản xuất nhỏ và manh mún. Hệ thống hạ tầng NT còn lạc hậu và đang xuống cấp...

Năm 2011, dự kiến tổng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước bố trí cho khu vực NN-NT sẽ vào khoảng 68.920 tỷ đồng, bằng 45,3% tổng vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, tăng 22,4% so với kế hoạch năm 2010. Tất nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng, mức vốn dự kiến bố trí kế hoạch 2011 như trên là còn thấp so với nhu cầu phát triển của khu vực NN-NT, do vậy chúng ta cần có cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư về
NT.

Ông Đào Quang Thu

Vậy chúng ta cần phải có những thay đổi gì để cải thiện tình hình này, thưa ông?

-Tôi cho điều đầu tiên là phải có những thay đổi lớn về cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (DN) thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào NN-NT. Hiện nay, các biện pháp khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT chưa đủ mạnh để tạo ra động lực cho DN đầu tư và hạn chế rủi ro khi đầu tư vào NN-NT.

Danh mục ngành nghề NN chưa được chú trọng đúng mức trong các chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành. Các biện pháp khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT còn tản mạn tại các văn bản pháp lý khác nhau, nhiều khi các chính sách còn chưa nhất quán, thủ tục chưa rõ ràng, khiến DN khó tiếp cận tới các ưu đãi khi đầu tư vào NN-NT.

Nếu chỉ có khuyến khích DN đầu tư vào NN-NT thì vẫn chưa đủ mà Nhà nước cũng cần phải có những đầu tư lớn, đầy đủ và thích đáng vào khu vực NN-NT. Ông nghĩ như thế nào về điều này?

- Nhà nước tạo ra cơ chế chính sách thuận lợi thì sẽ thu hút được vốn đầu tư của DN cũng như mọi thành phần kinh tế vào NN-NT, từ đó tăng mức đầu tư cho NN-NT lên. Thông qua đó, Nhà nước cũng sẽ có "kênh" để tăng đầu tư của mình về NN-NT.

Theo tôi, chỉ có phát triển mạnh các DN NN mới có thể tăng cường thu hút được các nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho NN-NT áp dụng khoa học công nghệ, các cơ chế quản lý tiên tiến, hiện đại có khả năng tăng nhanh được năng suất lao động, đất đai; tăng nhanh khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập, tạo ra sức bật mới, động lực mới cho NN-NT. Chỉ có phát triển mạnh DN thì mới có thể tăng nhanh được giá trị của ngành NN, chuyển dịch được cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân...



Báo cáo phân tích thị trường