Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Credit Suisse cho rằng, các quỹ quản lý sẽ thận trọng hơn trong việc bơm tiền vào thị trường hàng hóa khi giá vừa trải qua quý giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Credit Suisse đã tiến hành khảo sát điều tra với 400 nhà đầu tư và các quỹ trên thế giới, kết quả là hầu hết những người được hỏi e ngại về biến động giá cả. Giá dầu Brent tại London đã tăng từ dưới 100 USD/thùng hồi đầu năm, lên trên 127 USD/thùng và đến cuối tháng 6 chỉ còn hơn 100 USD. Hay như giá ngô, mới đầu tháng 6 còn ở kỷ lục 8 USD/bushel thì đến cuối tháng đã mất hơn 20% chỉ còn 6 USD/bushel.
Tuy nhiên, phần đông những người được hỏi tin tưởng giá sẽ tăng trong dài hạn. Không ít người dự kiến sẽ tăng cổ phần của họ trong các tài sản liên quan đến hàng hóa trong năm tới dù sự biến động trước mắt có thể mang tới đôi chút sợ hãi.
Trong quý II vừa qua, chỉ số Reuters-Jefferies CRB của 19 hàng hóa nguyên liệu thô đã giảm 6% - quý giảm mạnh nhất kể từ quý cuối năm 2008, sau vụ sụp đổ của Lehman Brother. Chỉ số CRB tiếp tục đi xuống trong phiên giao dịch đầu quý 3, dẫn đầu là sự sụt giảm của ngũ cốc sau khi Goldman Sachs tỏ ra bi quan về triển vọng giá 3 tháng tới.
Dự báo của Goldman Sachs đến sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo thị trường ngũ cốc cho thấy dự trữ tăng nhanh, thay vì dự báo giảm trước đó, còn diện tích vụ mùa cũng ở mức cao nhiều năm.
Khảo sát của Credit Suisse còn cho thấy, nhà đầu tư tỏ ra rất lo lắng về thị trường hậu QE2 (chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) - vốn đẩy tăng giá hàng hóa và chứng khoán trong 9 tháng qua.
Jason Lejonvarn, chiến lược gia hàng hóa của quỹ Hermes Fund Managers ở London nhận định, những biến động về giá cả, đặc biệt ở những mặt hàng được triển vọng tăng trưởng ổn định, sẽ gây khó khăn trong xu hướng kinh doanh cho một số người. Tuy nhiên, biến động giá cả là một phần cố hữu của thị trường, quan trọng là nhà đầu tư biết cân nhắc kỹ lưỡng trước khi lựa chọn danh mục đầu tư.
Theo Cafef