Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi Hà Tây trước xu thế hội nhập của đất nước
01 | 07 | 2007
Năm 2006, một sự kiện có ý nghĩa to lớn, được nhiều người quan tâm, đó là Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu, với lộ trình cắt giảm thuế hàng nông sản, xuất, nhập, giao thương, buôn bán các sản phẩm nông nghiệp giữa các nước được đẩy mạnh, sẽ mở ra cho ngành nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng của nước ta những cơ hội để phát triển.

Bên cạnh đó phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó ngành chăn nuôi của các địa phương sẽ là những đối tượng chính, chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Trong xu thế chăn nuôi phát triển, chăn nuôi Hà Tây đang đứng trước nhiều lợi thế, thách thức và cũng có khó khăn đòi hỏi cần có những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập của đất nước.

Những lợi thế và cơ hội

Là tỉnh giáp Thủ đô Hà Nội, trên địa bàn có nhiều đơn vị trong ngành của Trung ương (các trung tâm nghiên cứu, trạm, trại...) xu thế hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội giúp cho người chăn nuôi Hà Tây tiếp cận với các tiến bộ khoa học công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại, quy trình phòng, chống dịch bệnh... nhằm nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tiến tới phát triển một ngành chăn nuôi công nghệ cao, có đủ sức cạnh tranh và từng bước hòa nhập được với các nước có ngành chăn nuôi tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Hà Tây có thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa lớn với 2,5 triệu dân (khoảng 45%), Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận (khoảng 55%), lượng xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn và sản lượng đạt rất thấp (năm 2005 chỉ xuất khẩu được 1.200 tấn thịt lợn, bằng 0,8% sản lượng thịt hơi của tỉnh sản xuất ra). Trong những năm tới, các khu công nghiệp, khu chung cư và đô thị đang hình thành, mở rộng và thu hút thêm nhiều lao động cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, thị trường tiêu thụ thực phẩm trong nước sẽ được mở rộng, tạo ra nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ cho các sản phẩm chăn nuôi của Hà Tây.

Với thế mạnh hiện có, là tỉnh có số lượng gia súc, gia cầm lớn (đàn lợn 1,13 triệu con, đàn bò 161 nghìn con, đàn gia cầm 10 triệu con, sản lượng thịt hơi các loại đạt 197 nghìn tấn), tăng trưởng chăn nuôi hàng năm cao (từ 7,5 - 8%/năm), giá trị chăn nuôi chiếm cơ cấu lớn trong nông nghiệp (đạt 46% GDP NLN năm 2006), trong những năm gần đây, chăn nuôi Hà Tây đã và đang phát triển theo hướng đi sâu vào chất lượng, chuyên canh, sản xuất hàng hóa, năm 2006: Đàn nái ngoại chiếm hơn 10% tổng đàn nái, tỷ lệ lợn lai chiếm hơn 70%; tỷ lệ bò lai sind đạt 70%; thụ tinh nhân tạo lợn đạt 30%, bò đạt 10%; có 600 hộ chăn nuôi lớn (trang trại, gia trại); 11 lò, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (trong đó có 2 cơ sở giết mổ lớn với công suất từ 500 - 1.000 lợn/ngày, 7.000 - 12.000 gà/ngày). Công tác phòng, chống dịch bệnh được đặc biệt coi trọng, hệ thống thú y được kiện toàn từ tỉnh xuống cơ sở với 10% số xã, phường, thị trấn có Ban chăn nuôi thú y (322 Ban chăn nuôi thú y xã, phường, thị trấn, Trưởng ban được hưởng phụ cấp từ ngân sách của tỉnh và đội ngũ hơn 1.660 thú y cơ sở làm dịch vụ). Người chăn nuôi Hà Tây vốn cần cù, chịu khó, ham học hỏi và tiếp thu kiến thức, điều kiện tự nhiên của tỉnh đa dạng, có nhiều vùng sinh thái khác nhau (vùng núi, vùng đồi gò, vùng trũng và bãi ven sông), công tác chỉ đạo, phát triển chăn nuôi có sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong tỉnh... đã khẳng định được thế mạnh cạnh tranh, tạo được uy tín đối với chăn nuôi trong nước, trở thành địa phương cung cấp một khối lượng lớn con giống và các sản phẩm chăn nuôi cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi của tỉnh trong những năm tới.

Những khó khăn và thách thức

Tuy vậy, chăn nuôi Hà Tây còn phân tán nhỏ lẻ, tận dụng, xen kẽ trong khu dân cư với một phần lớn chiếm 70% số hộ chăn nuôi, việc phát triển chăn nuôi chủ yếu vẫn là tự phát theo tư duy, tập quán cũ, chưa gắn với quy hoạch cụ thể lâu dài theo vùng phù hợp; năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi thấp, vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường luôn thường trực đe dọa tới người chăn nuôi, đây là những trở ngại lớn trước sự đòi hỏi cao, rất khắt khe của thị trường về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong những năm tới. Các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vẫn chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng thô hoặc giết mổ thủ công, phân tán, các cơ sở giết mổ, chế biến còn ít, do đó không nâng cao được chất lượng, giá trị kinh tế của sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa cũng như thương hiệu cơ sở sản xuất nên không thâm nhập được các thị trường có sức tiêu thụ lớn, ổn định. Tiến bộ khoa học công nghệ về con giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh... chưa được áp dụng một cách đồng bộ, rộng rãi do đó năng suất và chất lượng chăn nuôi thấp, giá thành chăn nuôi cao trong khi các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu thấp hơn, có sức cạnh tranh cao hơn sẽ là yếu tố tác động trực tiếp đến lợi nhuận của người chăn nuôi.

Một số giải pháp cơ bản

Giải pháp có tính chiến lược và cơ bản nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi của tỉnh thông qua 4 yếu tố: Năng suất, chất lượng, giá thành sản phẩm và xây dựng thương hiệu, với những nội dung cụ thể là:

Công tác quy hoạch: Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi theo vùng chuyên canh, phù hợp với truyền thống sẵn có và điều kiện tự nhiên, sinh thái của từng vùng để chăn nuôi mang tính sản xuất hàng hóa, ổn định lâu dài vốn đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của mỗi vùng. Định hướng quy hoạch trong những năm tới sẽ là:

- Vùng núi, vùng bãi sông Hồng, sông Đáy sẽ tập trung phát triển chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò, dê..;

- Vùng đồi gò, tập trung phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm;

- Vùng trũng tập trung phát triển thủy sản, thủy cầm, các mô hình kết hợp như lợn - thủy sản, thủy cầm - thủy sản.

Khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có đủ tiềm lực tăng quy mô, phát triển trang trại, gia trại tạo thành những vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, khu du lịch và khu công nghiệp, đô thị.

Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất con giống, các cơ sở giết mổ tập trung, nhà máy chế biến thực phẩm, các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hạ tầng cơ sở kỹ thuật để nâng cao chất lượng, tăng giá trị kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Công tác khuyến nông: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật để nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường... để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt cần đẩy mạnh xây dựng các mô hình hộ chăn nuôi điển hình, vùng chăn nuôi điển hình và các biện pháp nhân rộng mô hình trong khu vực.

Công tác thú y: Nâng cao năng lực của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, các sản phẩm động vật, có kế hoạch tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc môi trường hàng năm để chủ động phòng ngừa dịch bệnh; đẩy mạnh triển khai xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh để tiến tới xây dựng tỉnh an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc... nhằm tạo uy tín, niềm tin đối với các sản phẩm chăn nuôi Hà Tây của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công tác giống và quản lý giống vật nuôi: Đẩy mạnh công tác lai tạo và ứng dụng các giống mới, đồng thời, cần quan tâm đến con giống truyền thống, ví dụ: Cá chép, trắm, rô phi đơn tính, cá quả, tôm càng xanh, cá rô đồng, một số giống đặc sản như ba ba, cá sấu.... vừa tận dụng các sản phẩm chăn nuôi, vừa có tính đặc thù và nâng cao giá trị thu nhập kinh tế cho hộ chăn nuôi.

Tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi, trước mắt trong những năm tới phải đẩy mạnh việc kiểm kê, rà soát, bình tuyển, chọn lọc và đưa vào quản lý toàn bộ số gia súc giống (đặc biệt là giống đực) của tỉnh, quản lý chặt chẽ các cơ sở cung cấp con giống gia cầm, thủy sản, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người chăn nuôi để tạo ra những sản phẩm tốt, an toàn, nâng cao lợi ích riêng của mỗi người chăn nuôi và lợi ích chung của cộng đồng.

Công tác thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức các hội thảo, tham gia hội chợ, triển lãm hàng hóa nông sản. Thành lập các chi hội, hội, HTX chăn nuôi để thúc đẩy các hình thức liên kết, hợp tác, khuyến khích các cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu cơ sở, tạo uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm chăn nuôi của Hà Tây trên thị trường.

Trong những năm tới, sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, nhưng chúng ta tin tưởng rằng với thế mạnh sẵn có, sự cần cù, năng động của các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp, các ngành, chăn nuôi Hà Tây sẽ tiếp tục phát triển góp phần thực hiện thành công nghị quyết của Tỉnh ủy đưa giá trị chăn nuôi lên 55% vào năm 2010.



Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT
Báo cáo phân tích thị trường