Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thịt
08 | 09 | 2007
Thị trường thịt thế giới năm 2007 dự báo sẽ dần hồi phục sau khi chịu tác động của các đợt dịch bệnh bùng phát ở động vật trong những năm qua bao gồm bệnh xốp não ở bò (BSE-một dạng của bệnh bò điên), bệnh lở mồm long móng (FMD) và cúm gia cầm (AI).
Trong khi lòng tin của người tiêu dùng dần được khôi phục cùng với kinh tế tăng trưởng mạnh là động lực kích thích nhu cầu thịt thế giới gia tăng, thì khả năng cung ứng sẽ phần lớn phụ thuộc vào giá thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng tăng lên ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngành. Ngoài ra, triển vọng mậu dịch thịt thế giới còn phụ thuộc vào tiến độ dỡ bỏ các lệnh cấm thương mại liên quan đến các dịch bệnh ở động vật và sự phục hồi tiêu thu vững chắc. Tuy nhiên, điểm mấu chốt đối với tăng trưởng cả về tiêu thụ và mậu dịch vẫn là phản ứng của người tiêu dùng trong trường hợp có bất kỳ đợt dịch bệnh nào bùng phát.

XU HƯỚNG GIÁ CẢ

Mặc dù có những dự đoán tiêu thụ và mậu dịch thịt sẽ dần hồi phục trong năm 2007, nhưng giá thịt trong hầu hết năm 2006 vẫn ở mức thấp, với chỉ số giá của FAO đến hết tháng 9/06 đạt 115 điểm, giảm so với 127 điểm vào giữa năm 2005, mức giảm cao nhất kể từ năm 1990.

+ Giá gia cầm

Sau khi tăng hơn 30% trong bối cảnh nguồn cung dành cho xuất khẩu giảm do tác động của dịch cúm gia cầm kể từ năm 2003, giá gia cầm đã sụt giảm trở lại gần 20% kể từ giữa năm 2005 khi dịch cúm gia cầm được phát hiện tại hơn 40 nước ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi (trước đó chưa có cúm gia cầm). Giá gia cầm tại Mỹ và Braxin, hai quốc gia chiếm tới 70% lượng mậu dịch thế giới, từ giữa năm 2005 đến tháng 4/06, đã lần lượt giảm 40% và 25%. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại đã giúp giá xuất khẩu vững dần lên, nhưng vẫn chưa đạt tới các mức trước khi có dịch cúm gia cầm xảy ra.

+ Giá thịt lợn

Năm 2006, nguồn cung dồi dào đã kéo giá thịt lợn giảm 16% vào giữa năm 2006 so với đầu năm 2005. Đặc biệt, tồn kho nhiều ở Nhật Bản, nước chiếm 1/4 thị phần nhập khẩu thịt lợn toàn cầu, đã khiến cho giá nhập khẩu của Nhật Bản suy giảm đáng kể. Trong khi năm 2007 giá thức ăn gia súc cao có thể đẩy giá thịt lợn tăng, nhưng nguồn cung tiếp tục tăng của Mỹ và tỉ giá hối đoái có lợi sẽ phần nào tác động đến đà tăng giá này. Với nguồn cung tăng vững, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm 2007 có khả năng chiếm 25% thị phần xuất khẩu thế giới, tăng so với 16% năm 2003.

+ Giá thịt bò

Đến giữa năm 2006, giá thịt bò bình quân của FAO đã giảm nhẹ so với mức 3.507 USD/tấn năm 2005, mặc dù nguồn cung hạn hẹp trước tác động của các lệnh cấm thương mại do bùng phát dịch bệnh lở mồm long móng tại Braxin và bệnh xốp não ở bò tại Bắc Mỹ cũng như lệnh cấm xuất khẩu của Áchentina. Năm 2007, trong khi tiêu thụ và nhập khẩu dự đoán phục hồi mạnh ở châu Á sẽ hỗ trợ cho giá thịt bò, thì xuất khẩu tăng ở một số nước Nam Mỹ có thể hạn chế khả năng tăng giá này.

SẢN LƯỢNG

Năm 2007, sản lượng thịt thế giới dự báo tăng khoảng 8 triệu tấn (trên 3%) lên đạt 285 triệu tấn (bao gồm cả thịt cừu) trong bối cảnh lòng tin người tiêu dùng phục hồi. Châu Á và Nam Mỹ, lần lượt chiếm 42% và 12% sản lượng thịt thế giới, có thể chiếm tới 70% sự gia tăng trên. Trong khi nhu cầu tiêu thụ cao và kinh tế tăng trưởng mạnh là nguyên nhân giúp sản lượng gia tăng ở châu Á, thì ở Nam Mỹ là nhờ các rào cản mậu dịch được giảm bớt. Do sản lượng dự đoán tăng 4% ở các nước đang phát triển, trong khi chỉ khoảng 2% ở các nước phát triển, nên năm 2007, các nước đang phát triển có thể chiếm đến 60% sản lượng thế giới, tăng 10% so với cách đây 1 thập kỷ.

Tuy nhiên, ngành thịt thế giới có thể sẽ phải chịu ảnh hưởng trước khả năng giá thức ăn chăn nuôi gia tăng ở nhiều nước do sản xuất nhiên liệu sinh học ngày càng được quan tâm dẫn tới nhu cầu ngũ cốc tăng lên. Đầu tháng 11/06, giá ngô tại Mỹ, nước sản xuất và xuất khẩu thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới, đã tăng vọt lên các mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

+ Thịt bò

Triển vọng giá sẽ cao hơn trong năm 2007 có thể giúp sản lượng thịt bò tăng gần 3%, lên đạt 67,5 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng của các nước Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Trung Quốc dự đoán tăng. Tại Nam Mỹ, khả năng giá tăng lên trong bối cảnh các hạn chế thương mại liên quan đến bệnh lở mồm long móng được dỡ bỏ cùng với việc Áchentina nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu (được áp đặt năm 2006 nhằm hạn chế tình hình lạm phát trong nước) sẽ hỗ trợ cho sản lượng thịt bò tăng khoảng 3,5%.

+ Thịt lợn

Năm 2007, sản lượng thịt lợn thế giới dự đoán tăng 4%, tương đương với mức tăng năm 2006, lên đạt 112 triệu tấn. Trong khi nguồn cung tiếp tục tăng vững có thể sẽ làm dịu bớt xu hướng giá gia tăng, thì khả năng giá thức ăn chăn nuôi cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành. Với sản lượng dự báo tăng 5% của Trung Quốc cùng với triển vọng khả quan ở Braxin, Mêxicô và Việt Nam, thị phần thịt lợn của các nước đang phát triển có thể tăng từ 63% năm 2006 lên 64% năm 2007. Trong khi đó, tại các nước phát triển, sản lượng dự báo chỉ tăng khoảng 1%, chủ yếu nhờ sản lượng của Mỹ tăng vững. Với Canada, đồng nội tệ tiếp tục xu hướng tăng giá đang tác động đến ngành sản xuất thịt lợn nước này khi có tới hơn 50% sản lượng được dành cho xuất khẩu.

+ Thịt gia cầm

Sau năm 2006, khi đà tăng trưởng sản lượng đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập niên do bùng phát dịch cúm gia cầm, thì năm 2007 triển vọng tiêu thụ và giá cả phục hồi có thể sẽ giúp sản lượng thịt gia cầm thế giới tăng khoảng 2,5 triệu tấn, lên đạt 85,5 triệu tấn. Nhu cầu nhập khẩu gia tăng trở lại từ nhiều thị trường truyền thống ở châu Âu và Trung Đông dự đoán sẽ khuyến khích các nước xuất khẩu ở Nam Mỹ tăng sản lượng khoảng 5%.

MẬU DỊCH

Giá thịt vẫn ở mức tương đối thấp và tiêu thụ đang dần phục hồi sẽ là nhân tố tích cực giúp mậu dịch thịt năm 2007 dự đoán tăng 7%, lên đạt 22 triệu tấn (bao gồm cả mậu dịch thịt cừu), trong đó thịt bò và thịt gia cầm có thể chiếm tới 80% sự gia tăng. Braxin, thị trường kể từ năm 2004 đã vượt Mỹ trở thành nước xuất khẩu thịt lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì vị trí này trong năm 2007. Sau khi thị phần bị giảm nhẹ trong năm 2006, xuất khẩu thịt của Braxin dự báo sẽ tăng 8% năm 2007 do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh từ các thị trường truyền thống ở Trung Đông và châu Phi.

+ Thịt gia cầm

Sau khi sụt giảm 2% trong năm 2006 do tác động của dịch cúm gia cầm, năm 2007 xuất khẩu thịt gia cầm thế giới dự báo sẽ tăng 6%, lên đạt mức kỷ lục 8,7 triệu tấn. Braxin, Mỹ và EU dự kiến đều gia tăng xuất khẩu trước triển vọng nhập khẩu tăng mạnh từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và các nước Trung Đông. Tuy nhiên, nhập khẩu của Nga, nước nhập khẩu thịt gia cầm lớn nhất thế giới, có thể giảm trong năm thứ 2 liên tiếp do những bất ổn trong cấp phép nhập khẩu và sản lượng nội địa phục hồi mạnh. Trong khi đó, triển vọng nhập khẩu của EU, nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới, lại bị che phủ bởi các cuộc đàm phán hiện đang được tiến hành với Braxin và Thái Lan về việc thiết lập hạn ngạch mới đối với thịt gà ướp muối sau quyết định của Ban Hội thẩm WTO hồi giữa năm 2006 yêu cầu EU hạ thấp thuế suất theo đúng các quy định cắt giảm thuế đối với gia cầm đã được tổ chức này ban hành.

+ Thịt lợn

Bất chấp nhập khẩu của Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới, dự kiến giảm do tồn kho cao và cạnh tranh từ thịt bò nhập khẩu, nhưng mậu dịch thịt lợn dự báo vẫn sẽ tăng 4%, lên đạt 5 tấn nhờ nhu cầu tăng mạnh từ châu Á và Nga. Trong khi xuất khẩu của Mỹ dự đoán tăng (khoảng 4%) nhờ tỉ giá hối đoái có lợi, thì của Braxin lại tăng nhờ xuất khẩu sang các thị trường không truyền thống ở châu Á gia tăng. Trái lại, xuất khẩu của Canada và EU có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi giá cả kém cạnh tranh do đồng Đôla Canada và đồng Euro tăng giá.

+ Thịt bò

Việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu của Braxin và Bắc Mỹ, những nước chiếm trên 40% thị phần xuất khẩu thịt bò thế giới, có thể giúp mậu dịch năm 2007 tăng 9%. Sau khi năm 2006 giảm, nhập khẩu thịt bò dự báo sẽ tăng lên đạt 7,2 triệu tấn nhờ nhập khẩu từ châu Á gia tăng ở mức hai con số, đặc biệt là từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi các thị trường nhập khẩu được nối lại đối với thịt bò của Braxin và Mỹ có thể thúc đẩy xuất khẩu của hai nước này thì dự báo nguồn cung suy giảm và giá cao sẽ hạn chế lượng thịt bò của Canada và EU thâm nhập vào thị trường thế giới trong năm 2007.



Theo thị trường

Báo cáo phân tích thị trường