Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi niềm người nuôi lợn thời giá tăng cao
15 | 07 | 2011
Giá thịt lợn hơi lên cao, tăng gần 50% so với dịp đầu năm và gần gấp đôi năm ngoái, khiến nhiều chủ trang trại tiếc hùi hụi vì không có lợn để bán, do chưa kịp tái đàn sau các trận dịch bệnh.

Là thủ phủ cung ứng thịt lợn chủ yếu cho thị trường Hà Nội, song cho đến nay, nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn ở Hưng Yên vẫn chưa có khả năng tái sản xuất sau trận dịch lở mồm long móng và tai xanh năm 2009 và 2010. Đó cũng là một lý do khiến nguồn cung thịt lợn cho Hà Nội những ngày này khan hiến, giá lên cao.

Trước, khu vực xã Đông Tảo, Huyện Khoái Châu, Hưng Yên có rất nhiều nhà nuôi lợn. Nơi đây đặt chợ đầu mối, nông dân chăn nuôi bao nhiêu cũng được thu mua hết, nên họ sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi chứ ít trồng trọt.

Nhưng gần 3 năm đổ lại đây, sau mấy trận dịch tai xanh, lở mồm long móng, lợn chết hàng đàn, số hộ tiếp tục nuôi lợn giảm hẳn. Nhà nào có trang trại thì may ra còn giữ được, còn những nhà trước chỉ nuôi vài chục con thì nay hầu như đã tạm nghỉ

Gia đình chị Chỉnh (xã Đông Tảo) là một trong số ít hộ còn duy trì chăn nuôi, nhưng quy mô đã giảm nhiều so với trước. Trước anh chị nuôi tới hơn một nghìn con nhưng nay chỉ còn gần 500. Sau đợt dịch, nhiều hàng xóm nghỉ nuôi nên chị cũng chột dạ, không dám đầu tư như trước.

Phần nhiều các gia đình, giờ đã bỏ trống chuồng, nghỉ chăn nuôi từ khi cả đàn chết do dịch lở mồm long móng.

Nhìn dãy chuồng trống hơ trống hoắc của chị Lý (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên), nhiều người không khỏi tiếc cho công đầu tư chuồng trại cả trăm triệu đồng của anh chị.

Chị Lý nhớ lại, hồi tháng 9 năm ngoái, gia đình chị cầm cố sổ đỏ, vay ngân hàng để đầu tư cải tạo trại nuôi và mua máy móc tốn hơn 70 triệu đồng, rồi nhập giống, cám cũng hết hơn một trăm triệu. Nhưng khi chị Lý nuôi đến khi mỗi con được 50-60 kg thì chúng lăn ra ốm rồi bệnh, phải hủy tất cả.

"Trắng tay, bây giờ vợ chồng tôi còn chưa biết làm thế nào để trả nợ ngân hàng chứ chưa nói đến chuyện có vốn để tái đàn, đành để chuồng bỏ không như vậy", chị Lý tâm sự.

Không chỉ Hưng Yên, nhiều tỉnh thành khác ở Miền Bắc cũng đang trong tình trạng khan hiếm thịt lợn. Ông Hưng, người dân xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cho hay, sau khi chịu thiệt hại từ trận dịch tai xanh, gia đình ông muốn tạm nghỉ nuôi một thời gian để qua hẳn đợt virus. Đến nay, gia đình ông mới tái đàn được 2 tháng, cũng chưa đủ lớn để xuất chuồng.

Khi giá thịt lợn hơi được đẩy lên cao tới 73.000 đồng mỗi kg, tăng 23.000 một cân so với nửa năm trước thì nhiều người nông dân lại tiếc nuối, ao ước có đàn lợn để bán vào thời điểm này.

"Chưa bao giờ người nông dân lại bán được lợn với giá cao như thế. Vì ít hộ chăn nuôi, thương lái đi thu mua khó nên tự họ phải điều chỉnh mức giá tăng lên. Ngày đó, mình mà tái đàn ngay thì giờ cũng lãi được một khoản khá", ông Hưng phân trần.

Tuy nhiên, khi được hỏi về ý định tái sản xuất, nhiều nông dân lại tỏ ra ngần ngại. Vì được chỉ đạo tái đàn nhưng không được cấp vốn thì người chăn nuôi chưa biết phải xoay sở cách nào. Thiệt hại từ trận dịch vẫn còn đó, nợ cũ chưa trả, sổ đỏ đã thế chấp nên họ không thể vay ngân hàng.

Huống chi, với người nông dân, việc chăn nuôi cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi dịch bệnh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, thức ăn chăn nuôi lên giá từng ngày. Và lo hơn cả là nếu mọi người đồng loạt nuôi lại, rất có thể giá sẽ rớt hoài như trước.

"Vay tiền mua giống, chạy tiền cám từng bữa rồi còn lo tiền vacxin, đến lúc mình bán, mọi người cũng ồ ạt bán, giá lại xuống thấp thì có khi lãi còn chưa đủ trả nợ nên tái đàn lại cũng rất lo", chị Lý giãi bày.

Ông Hoàng Văn Tựu, Phó chủ tịch UBND Huyện Khoái Châu cho biết, giá thịt lợn hơi tăng lên là do nguồn cung khan hiếm, nhiều hộ nông dân chưa tiếp tục chăn nuôi sau trận dịch bệnh. "Huyện cũng đang có phương án giúp bà con nông dân tái đàn, ổn định sản xuất để cung ứng cho thị trường", ông Tựu nói.

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, trong tổng số 8 triệu hộ nuôi lợn của cả nước thì có đến 5 triệu hộ nhỏ lẻ tạm thời nghỉ nuôi, khiến nguồn cung thịt lợn khan hiếm.

Theo ông Phú, việc thương lái Trung Quốc thu gom thịt lợn chỉ là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng. Sản xuất ít, thức ăn chăn nuối đắt, khâu phân phối kém. Việc chênh lệch quá lớn giữa giá thương lái nhập từ người nông dân và giá trên thị trường đều khiến giá thịt đắt như hiện nay.

Theo VnExpress



Báo cáo phân tích thị trường