Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tôm "thắng kiện", cá tra cũng được lợi
21 | 07 | 2011
Việc loại bỏ zeroing trong các đợt rà soát hành chính đối với tôm cũng sẽ được áp dụng cho mặt hàng khác.

Liên quan đến phán quyết của WTO về vụ việc tôm Việt Nam, luật sư Ngô Quang Thụy (ảnh), người tư vấn thường xuyên các doanh nghiệp thủy sản trong các đợt rà soát hành chính và xét tư cách nhà xuất khẩu mới đối với tôm và phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam vào Hoa Kỳ, đã phân tích rõ hơn về tác động, ý nghĩa của vụ việc.

Thay đổi phương pháp tính không phải do tác động từ VN

. Phóng viên: Trước vụ khiếu nại của Việt Nam thì Hoa Kỳ có trên 10 vụ bị khiếu nại liên quan đến zeroing. Sau những vụ đó, Hoa Kỳ có thực thi phán quyết hay không, nếu không thì tại sao, thưa ông?

+ Luật sư Ngô Quang Thụy: Đã có nhiều nước yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp với Hoa Kỳ về phương pháp zeroing và đa số đều giành thắng lợi. Tuy nhiên, cho đến nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vẫn chưa thực thi hoàn toàn các khuyến nghị của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body - DSB).

Cụ thể, từ tháng 2-2007, Hoa Kỳ chấm dứt sử dụng zeroing trong các vụ việc đang giải quyết và trong tương lai. Tuy nhiên, DOC vẫn áp dụng zeroing trong các đợt rà soát hành chính. DOC cho rằng cách tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát hành chính hoàn toàn khác với khi điều tra chống bán phá giá. Về mặt kỹ thuật, trong điều tra chống bán phá giá, DOC lấy bình quân giá xuất khẩu thuần theo nhóm mã số kiểm soát và so sánh với giá trị thông thường. Còn trong rà soát hành chính, DOC so sánh giá xuất khẩu thuần đối với từng giao dịch và so sánh với giá trị thông thường.

Mãi đến tháng 12-2010, DOC có thông báo đề xuất thay đổi phương pháp tính biên độ phá giá, không dùng zeroing nữa mà dự kiến sử dụng phương pháp tính bình quân.

Tuy nhiên, đến nay DOC vẫn chưa thực hiện đề xuất này mặc dù đã kết thúc thời hạn nhận ý kiến đóng góp và DOC có thể ban hành quyết định bất cứ lúc nào.

. Phán quyết liên quan đến vụ tôm của Việt Nam sẽ có tác động với mặt hàng tôm như thế nào? Có ảnh hưởng đến các mặt hàng khác hay không, thưa ông?

+ Việc loại bỏ zeroing trong các đợt rà soát hành chính đối với tôm cũng sẽ được áp dụng cho toàn bộ các đợt rà soát của DOC, cho tất cả mặt hàng khác. Hiện nay với Việt Nam thì đáng quan tâm là cá tra, ba sa vốn cũng đang bị Hoa Kỳ chống bán phá giá. Cụ thể, nếu DOC đưa ra quy định trước tháng 1-2012 thì phương pháp tính mới sẽ được sử dụng trong các kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính kỳ 7 của cá tra.

Tuy nhiên, như đã nói trên, việc DOC đề xuất thay đổi phương pháp tính (vào tháng 12-2010) là kết quả tác động của nhiều vụ khiếu nại về zeroing (của Cộng đồng châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan…) trước đó chứ không phải của Việt Nam khiếu nại mới đây mà được.

Làm quen với giải quyết tranh chấp

. Vậy Hoa Kỳ có phải “bồi thường thiệt hại” vì đã áp dụng phương pháp zeroing hay không? Ví dụ như tính lại mức thuế cho đúng và trả lại phần thuế mà doanh nghiệp bị tính lố? Dự kiến số thuế này đến 20 triệu USD.

+ Thực tế, khi bán hàng sang Hoa Kỳ, có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đồng thời đứng tên là nhà nhập khẩu. Nhà nhập khẩu (doanh nghiệp Hoa Kỳ) mới là bên nộp các khoản đặt cọc thuế chống bán phá giá hoặc trả khoản thuế ấn định sau cùng. Vì vậy, nếu có trả lại tiền thuế thì trả cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cần lưu ý là quyết định của WTO không tạo ra một nghĩa vụ pháp lý buộc DOC phải hoàn lại các khoản tiền thuế đã nộp lố hoặc buộc Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ phải thực thi.

. Như vậy vụ khiếu nại của Việt Nam có ý nghĩa gì, thưa ông?

+ Việt Nam đưa vụ việc ra WTO trước khi DOC ra thông báo đề xuất thay đổi cách tính. Hơn nữa, việc thực hiện biện pháp giải quyết tranh chấp thương mại ra WTO cũng là một dịp để chúng ta làm quen, khẳng định tiếng nói, vị thế của mình.

Ngoài ra, trong vụ việc này, báo cáo của Ban hội thẩm WTO vừa qua chỉ liên quan đến các đợt rà soát hành chính lần hai và lần ba. Trong hai lần rà soát này, các bị đơn bắt buộc đều đạt được mức thuế 0%, các bị đơn không bắt buộc bị áp mức thuế 4,57%. Mức 4,57% này lấy từ mức thuế bình quân của lần điều tra đầu tiên.

Giá trị xuất khẩu tôm và cá tra sang Hoa Kỳ từ 2008 đến 2011.

Ban hội thẩm WTO có đề cập rằng mức thuế 4,57% “có thể là không có cơ sở”. Bởi vì mức thuế này được dựa trên các mức thuế trong cuộc điều tra đầu tiên. Cuộc điều tra đầu tiên lại có sử dụng zeroing.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam còn có một vụ kiện khác ở Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ. Các luật sư bảo vệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam có thể tận dụng báo cáo của Ban hội thẩm WTO, lấy yếu tố “không hợp pháp một cách rõ ràng” của mức thuế suất 4,57% làm lý lẽ để bảo vệ các doanh nghiệp của mình thắng vụ kiện đó.

. Xin cảm ơn ông.

Quy về 0 (zeroing)

Khi xuất khẩu vào Mỹ, doanh nghiệp có nhiều giao dịch, nhiều lô hàng với nhiều mức giá, có giá cao hơn giá thông thường, có giá thấp hơn giá thông thường. Thế nhưng Hoa Kỳ chỉ giữ những giao dịch xuất khẩu có giá thấp để tính, còn những giao dịch có giá cao thì bị quy về số 0 (gọi là phương pháp zeroing). Vì vậy khi cộng tất cả giá, tất cả giao dịch lại và tính bình quân thì biên độ phá giá cao hơn so với tính bằng cách khác, gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Các bên khiếu nại cho rằng cách tính này mâu thuẫn với quy định Hiệp định về chống bán phá giá.

Luật sư Ngô Quang Thụy từng tham gia trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập khẩu vào Việt Nam. ông cũng là người tư vấn thường xuyên cho các doanh nghiệp thủy sản trong các đợt rà soát hành chính và xét tư cách nhà xuất khẩu mới đối với tôm và phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam vào Hoa Kỳ. Hiện nay ông là giám đốc Công ty Luật NT Trade Law.

Theo QUỲNH NHƯ

Pháp luật TPHCM



Báo cáo phân tích thị trường